Qua thực tiễn công tác cho thấy, những dịp đi cơ sở, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, quan sát các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, mỗi đồng chí cấp ủy cấp trên có điều kiện nắm rõ tình hình, hiểu sâu sắc các vấn đề, từ đó kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tham mưu để cấp ủy có quyết sách phù hợp.
Chủ động hướng về cơ sở
Trở lại xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, nơi năm 2021 nạn lúa ma (còn gọi lúa cỏ, lúa trời, lúa hoang) bùng phát khiến hầu hết diện tích lúa của nông dân thiệt hại, nhiều diện tích mất trắng, thì nay đạt sản lượng bình quân 250 đến 280 kg lúa/sào.
Trao đổi với đồng chí Phạm Văn Đông, Bí thư Ðảng ủy xã Khánh Thành và trò chuyện với nhiều đảng viên, người dân ở đây, chúng tôi được biết, phương pháp gieo sạ (từng được chính quyền vận động nông dân thực hiện từ năm 2010 vì giúp giảm sức lao động và chi phí sản xuất mà lại năng suất hơn so với cấy truyền thống) hóa ra lại là tác nhân làm gia tăng diện tích bị ảnh hưởng bởi lúa ma.
Bởi gieo sạ không theo hàng lối nên rất khó phát hiện và loại bỏ lúa ma. Sau khi phân tích tìm ra nguyên nhân, các đồng chí đảng viên là lãnh đạo huyện, tỉnh về dự sinh hoạt với chi bộ thôn đã chủ động trao đổi, giải thích để nhân dân hiểu rõ, từ đó cùng với cán bộ xã vận động nông dân chuyển từ gieo sạ sang gieo cấy.
Điểm thuận lợi là các cán bộ xã đều có ruộng, cho nên thực hiện chuyển đổi trước để người dân làm theo. Thực tế cho thấy, phương thức cấy không chỉ giảm lúa gây hại mà còn tiết kiệm được giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước, mà năng suất lúa cao hơn hẳn.
Cùng với việc chỉ đạo ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huyện còn hỗ trợ người dân máy cấy và khuyến khích thành lập thêm hợp tác xã để hợp tác với nông dân trong quá trình sản xuất.
Đồng chí Đinh Thị Phượng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, để bảo đảm việc dự sinh hoạt với chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố thực chất, hiệu quả, Tỉnh ủy yêu cầu các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp dự sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố.
Từng đồng chí phải báo cáo kết quả dự sinh hoạt chi bộ bằng văn bản trước ngày 10 hằng tháng, nêu rõ tình hình chi bộ, những vấn đề đảng viên quan tâm, kiến nghị, nêu nhận xét, đề xuất những việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên. Việc thực hiện chế độ báo cáo này và kết quả chỉ đạo giải quyết các vấn đề đặt ra là căn cứ quan trọng để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên. Tinh thần này của tỉnh cũng được các huyện ủy, thành ủy chú trọng thực hiện ở cấp mình.
Huyện Kim Sơn hiện có 52,29% dân số là đồng bào có đạo. Ðảng bộ huyện có 8.161 đảng viên; trong đó 854 đảng viên là người Công giáo. Từ đầu năm đến nay, toàn Đảng bộ kết nạp được 207 quần chúng ưu tú, trong đó 55 đồng chí là đồng bào có đạo, đạt 103% chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2022.
Tuy nhiên, huyện vẫn phải đối mặt với khó khăn về thiếu nguồn phát triển đảng vì phần lớn thanh niên đi học, đi làm xa hoặc làm trong các công ty, doanh nghiệp...
Đồng chí Đinh Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn chia sẻ: Việc duy trì nghiêm nền nếp dự sinh hoạt chi bộ, tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở đã và đang góp phần hiệu quả xây dựng tác phong công tác sâu sát thực tiễn, có trách nhiệm với địa phương của người cán bộ, nhất là người đứng đầu.
Bản thân những cán bộ đã trở thành những tấm gương có sức thuyết phục, thu hút các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ lao động, làm việc ở địa phương phấn đấu trở thành đảng viên; đồng thời tham gia góp ý kiến xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Nhiều ý kiến của đảng viên ở cơ sở và của người dân đã giúp Huyện ủy có giải pháp thực hiện tốt công tác luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương; nghiên cứu bố trí công tác phù hợp đối với cán bộ xã sau khi thi hành kỷ luật;…
Gắn trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ với việc nêu gương
Theo đồng chí Lê Hữu Quý, Bí thư Thành ủy Ninh Bình, dự sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư còn là dịp để các đồng chí cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo, trao đổi kinh nghiệm và định hướng, nhờ đó chất lượng sinh hoạt chi bộ và năng lực của đội ngũ cán bộ được nâng lên.
Đáng chú ý là nghị quyết của chi bộ được nhiều đảng viên đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm, sát thực tiễn và có tính khả thi cao. Nhiều địa phương, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã được các chi bộ cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác rất chi tiết.
Thí dụ như việc hiến đất để làm đường, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở thôn Phúc Trung, xã Ninh Phúc của thành phố. Để triển khai nghị quyết đạt hiệu quả, Chi bộ thống nhất việc đồng chí Bí thư Chi bộ thôn Đỗ Xuân Nhận thực hiện nêu gương, hiến 100m2 để làm đường. Kế tiếp đồng chí bí thư chi bộ là các đảng viên.
Hành động thực tế ấy của cán bộ, đảng viên không những đã là hình thức trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường, làm cống thoát nước, khôi phục ao, hồ sinh thái, trồng cây xanh nơi công cộng, mà còn thôi thúc người dân tích cực hưởng ứng các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh,…
Thực tế ở tỉnh Ninh Bình ghi nhận nhiều cách làm hay, mô hình tốt, những tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như: Mô hình giúp dân phát triển kinh tế hộ tại khu vực đê Bình Minh 3, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn của Phòng Hậu cần (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh); Mô hình thắp sáng đường quê và cổng trường an toàn; khu phố thôn, xóm không có thanh niên, vị thành niên mắc tệ nạn xã hội của đoàn thanh niên các cấp; gương đảng viên, cựu chiến binh Đỗ Quang Sản xây cầu cho nhân dân ở huyện Yên Khánh; anh Dương Hồng Quý ở phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình hiến mô, tạng sau khi qua đời đã cứu sống nhiều người mắc bệnh nan y; đảng viên Nguyễn Thị Lụa của Chi bộ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoa Lư gương mẫu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và làm tốt công tác thiện nguyện xã hội; Huyện ủy Kim Sơn phát hành sổ ghi danh đảng viên tiêu biểu làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Đến nay, đã có hơn 3.300 lượt đảng viên được biểu dương, ghi danh.
Đồng chí Bùi Mai Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, khắc phục được bệnh thành tích, phô trương; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Những thay đổi về phương pháp làm việc, lề lối, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đã có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng bộ, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Tỉnh ủy Ninh Bình tiếp tục chú trọng xây dựng tác phong công tác gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ; thực hiện hiệu quả việc đăng ký “làm theo”, “nêu gương” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Tỉnh chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục lựa chọn những việc quan trọng, cấp thiết, nổi cộm để tập trung xử lý. Địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm biểu dương, khen thưởng, lan tỏa kịp thời điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, kiên quyết xử nghiêm cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.