Hoàn thiện thể chế công vụ thông suốt, hiệu quả
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, tùy theo thể chế chính trị khác nhau và truyền thống lịch sử, văn hóa của từng quốc gia, quan niệm về công vụ, công chức và nền công vụ có thể khác nhau, nhưng nhìn chung, có thể hiểu nền công vụ của một đất nước là một tổng thể gắn kết hữu cơ không thể tách rời của ba bộ phận cấu thành: Thể chế công vụ; đội ngũ công chức; các điều kiện bảo đảm hoạt động công vụ của đội ngũ công chức.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương (Học viện Hành chính quốc gia), hiện đại hóa nền công vụ không phải là một sự kiện, mà là quá trình thích nghi, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện đồng bộ và đồng thời các bộ phận cấu thành nền công vụ. Tuy nhiên, do năng lực nhận thức của các chủ thể, điều kiện và yêu cầu thực tiễn của nền công vụ trong những giai đoạn nhất định, cần tập trung ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết.
Xây dựng mô hình định lượng, quản trị tốt nguồn lực quốc gia
Trong đó, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về công tác cán bộ, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị và xây dựng cơ chế liên thông cán bộ, công chức, viên chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh; trước mắt là tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định vị trí việc làm, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, kỷ luật cán bộ.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng cụ thể và hợp lý hơn nhằm điều chỉnh hành vi của từng nhóm đối tượng trong hoạt động công vụ.
Theo đó, phân định rõ hơn cán bộ được bầu cử với công chức được tuyển dụng, phân định công chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân với công chức trong các cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp, để từ đó quy định các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể về độ tuổi, mức độ tín nhiệm và quyền, nghĩa vụ cũng như thể chế quản lý phù hợp. Gắn với đó là hoàn thiện các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh và phương pháp xác định vị trí việc làm phù hợp với từng loại hình cơ quan, tổ chức, địa phương.
Nhiều ý kiến tại hội thảo nêu vấn đề trọng tâm nữa là định rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài.
Để thu hút người có tài năng, cần kết hợp chặt chẽ giữa trọng thị, trọng dụng và trọng đãi nhân tài; phải hiểu, phải tin người tài, bảo vệ người tài; biết phát huy, khuyến khích người tài.
Do đó, cùng với việc phát hiện, thu hút người có tài năng thì sử dụng, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý để không làm “lãng phí” nhân tài cũng là vấn đề hết sức quan trọng.
Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải gắn với kết quả, hiệu quả công việc theo hướng lượng hóa, bảo đảm khách quan, công bằng và căn cứ kết quả xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm để đưa ra khỏi đội ngũ những người không hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục tình trạng “biên chế suốt đời”.
Nâng cao chất lượng thi tuyển công chức, tuyển dụng viên chức theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, bảo đảm thu hút được những người có phẩm chất, năng lực tốt vào hoạt động công vụ. Đổi mới nội dung và phương thức thi tuyển theo hướng tập trung vào kiểm tra, đánh giá năng lực tư duy, khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn thay cho kiểm tra kiến thức; chú trọng đánh giá nhân cách, thái độ, năng lực lập kế hoạch và năng lực thể hiện của người dự tuyển thông qua thảo luận chính sách, kế hoạch.
Trên cơ sở đổi mới nhận thức, quan điểm cải cách chính sách tiền lương để hoàn thiện các quy định pháp luật về tiền lương, thưởng, đãi ngộ gắn với chức danh và vị trí công việc. Xác định rõ ưu tiên và bảo đảm nguồn cho cải cách tiền lương; có lộ trình thích hợp và xác định được thứ tự ưu tiên cải cách.
Quản trị quốc gia theo hướng hiện đại
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam cho biết, quản trị quốc gia là một thuật ngữ mới được đưa vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Trong đó, nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Trong thời đại phát triển và hội nhập mạnh mẽ hiện nay, để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng của đất nước, thực hiện được đầy đủ các quyền lợi của người dân, sẽ không chỉ đơn thuần dựa vào mỗi chủ thể Nhà nước, bên cạnh đó là vai trò quan trọng của các tổ chức doanh nghiệp, công dân và các tổ chức phi chính phủ, hội, hiệp hội.
Do đó, quản trị quốc gia phải tập hợp, thu hút được mọi nguồn lực tài chính, đất đai, công nghệ… từ Nhà nước, từ người dân, từ khu vực doanh nghiệp, từ các tổ chức phi chính phủ, các hội, hiệp hội, quỹ..., đồng thời, quản trị quốc gia còn yêu cầu Nhà nước phải điều hòa, cân bằng và chia sẻ được các lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cộng đồng, vùng miền, địa phương.
Trước các vấn đề về môi trường, dịch bệnh, thiên tai, dịch họa... quản trị quốc gia sẽ là phương thức, cách thức mang lại hiệu quả hơn so với thực hiện quản lý nhà nước. Qua đó, không chỉ Nhà nước, mà mọi tổ chức, công dân cũng sẽ thấy sự hiện diện của mình trong quá trình vận hành, phát triển quốc gia.
Để quản trị quốc gia đạt được các mục tiêu đặt ra, nhiều đại biểu nhấn mạnh, bộ máy Nhà nước phải được tổ chức tinh gọn hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chú trọng vai trò định hướng, điều tiết, thiết lập tầm nhìn phát triển. Các cơ quan nhà nước phải có tư duy trụ cột, hướng đến mục tiêu quản trị hiệu quả. Tầm nhìn quản trị quốc gia phải được cụ thể theo các cấp độ quản trị chiều dọc, chiều ngang, từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho tới các ngành, các lĩnh vực nhưng phải bảo đảm tính kết nối và liên thông.
Quản trị trong từng địa bàn đơn vị hành chính phải gắn với và đặt trong quản trị quốc gia, là những vector cùng chung một hướng quản trị quốc gia. Tính hiện đại, hiệu quả của quản trị quốc gia còn phụ thuộc vào hoạt động của các tổ chức hội, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân. Các hoạt động này không chỉ dừng lại ở giám sát, kiểm tra, phản biện mà còn mở rộng hơn với sự đóng góp nguồn lực, đề xuất hoặc tham gia hoạch định chính sách, thậm chí trực tiếp thực hiện các mục tiêu phát triển; đồng thời, cùng triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và hiện đại hóa các phương tiện, thiết bị làm việc.
Trong bối cảnh đó, cần tăng cường đổi mới công tác nhân sự, lựa chọn người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý ngoài việc tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo, phát huy dân chủ ở cơ sở, phải lựa chọn được người xứng đáng có cả đức và tài, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm (chức danh lãnh đạo, quản lý).
Lấy đức là điều kiện cần, làm gốc, làm căn bản, coi trọng tiêu chí liêm chính, trách nhiệm, danh dự trong phạm trù đức; còn tài là điều kiện đủ, cần chú ý nhất việc quy tụ, đoàn kết, làm việc hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không làm được việc phải bố trí người khác thay, không để “ôm ghế”; phòng, chống tình trạng chủ quan, duy ý chí, áp đặt, tiêu cực.
Người tiến cử, người giới thiệu phải chịu trách nhiệm về việc tiến cử, giới thiệu của mình. Không lấy tuổi làm điều kiện lựa chọn cán bộ mà lấy uy tín, sức khỏe, liêm chính, hiệu quả công việc làm căn cứ để lựa chọn, giới thiệu cán bộ (cán bộ ở đây là người được tuyển chọn theo cơ chế bầu cử). Tổng hòa các hoạt động như thế mới bảo đảm tính hiện đại, hiệu quả trong quản trị quốc gia.