Xây dựng “Chính quyền thân thiện”

Bước chuyển rõ nét trong triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện” tại Bắc Giang là môi trường công sở văn minh, hiện đại hơn; cán bộ, công chức nêu cao tinh thần vì dân phục vụ, lề lối làm việc được cải tiến, cách thức giải quyết công việc linh hoạt, mềm dẻo, qua đó góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Khảo sát, lấy ý kiến của người dân về thực hiện văn minh, văn hóa công sở tại UBND thị trấn Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa.
Khảo sát, lấy ý kiến của người dân về thực hiện văn minh, văn hóa công sở tại UBND thị trấn Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa.

Vì dân phục vụ

Tại bộ phận một cửa phường Trần Phú (thành phố Bắc Giang), chị Nguyễn Thị Nga tới làm giấy khai sinh cho con hồ hởi chia sẻ thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, cán bộ hướng dẫn tận tình, cặn kẽ. Công chức tư pháp-hộ tịch Đỗ Quốc Việt bộc bạch, muốn thực hiện tốt “Chính quyền thân thiện”, mình phải coi mỗi người dân là một khách hàng. Nụ cười và thái độ niềm nở tạo thiện cảm ban đầu, xóa nhòa tâm lý e ngại thường trực của không ít người dân. Chủ tịch UBND phường Thân Quý Bình trải lòng, được chọn làm điểm là vinh dự song hành với trách nhiệm, khâu triển khai được tổ chức bài bản, cán bộ, công chức nêu cao tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”, đáp ứng tốt các tiêu chí: nhanh, tiết kiệm, hợp lý và thân thiện hơn.

Rào cản dễ nhận thấy trong buổi đầu là tư duy ban phát đã ăn sâu trong nếp nghĩ, thói quen của không ít cán bộ, công chức, song hành là tâm lý lo lắng triển khai không thành công. Bước chuyển nổi bật là lề lối làm việc của chính quyền cơ sở được đổi mới mạnh mẽ, chuyển biến sâu sắc trong tư tưởng, hành động của cán bộ, công chức, xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. “Hữu xạ tự nhiên hương”, đánh giá cao mô hình phù hợp thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người dân, nhiều đơn vị, địa phương chủ động học tập kinh nghiệm và dồn sức áp dụng. Đến hết năm 2022, 209/209 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành ra mắt mô hình “Chính quyền thân thiện”.

Những khẩu hiệu treo ở bộ phận “một cửa” luôn nhắc nhở cán bộ, công chức thực hiện tốt “4 xin: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép”, “4 luôn: mỉm cười, nhẹ nhàng, lắng nghe, giúp đỡ” và “5 không: không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ”. Nguyễn Thị Sớm, công chức phường Xương Giang phụ trách mảng lao động thương binh và xã hội bộc bạch, đối tượng giải quyết thủ tục hành chính chủ yếu là người có công, người cao tuổi, người yếu thế sử dụng điện thoại thông minh khó khăn, phải dày công tư vấn, hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến và nỗ lực hết mình để trả kết quả đúng hạn, giúp họ nhận trợ cấp sớm nhất. Sự quan tâm, đồng cảm, chia sẻ qua buổi lễ trao Giấy chứng nhận kết hôn công nhận vợ chồng cho các cặp đôi, thư chúc mừng, chia buồn, cảm ơn góp phần thắt chặt mối gắn kết, củng cố niềm tin của nhân dân với chính quyền.

Đến làm thủ tục công chứng tại phường Thọ Xương, anh Đào Xuân Thỏa ấn tượng với nhiều tiện ích tại phòng tiếp dân khang trang, sạch đẹp với đầy đủ bảng biểu niêm yết, điều hòa, dây sạc điện thoại đa năng, nước uống, kính đọc sách, cán bộ, công chức mặc đồng phục, đeo biển tên niềm nở đón tiếp. Mọi người trong lúc chờ đợi thoải mái đọc sách báo trưng bày trong tủ, dùng wifi miễn phí tra cứu tài liệu, quét mã QR code tìm hiểu thông tin cần thiết. Bùi Thị Thanh Thúy, cán bộ bộ phận một cửa xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên chia sẻ để tăng tỷ lệ nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, chị kiên trì giải thích, hướng dẫn, tuyên truyền để người dân thấu hiểu, hợp tác, dẫu ban đầu không ít trường hợp tỏ vẻ khó chịu, kêu ca nhiêu khê.

Qua 2 năm triển khai mô hình thấy rõ hiệu quả, hoạt động của chính quyền “mềm hóa”, vận động theo hướng tích cực. Cả khối lượng lớn công việc đã được triển khai: công khai, minh bạch thủ tục hành chính, quy trình giải quyết; duy trì hệ thống truyền thanh thông minh, hệ thống tin nhắn trả kết quả cho tổ chức và công dân khi đến giao dịch; xây dựng hòm thư góp ý, địa chỉ zalo, facebook tiếp nhận ý kiến đóng góp, lắp đặt thiết bị điện tử đánh giá công chức trực tại bộ phận một cửa... Và trong cái khó ló cái khôn, nhiều mô hình sáng tạo, thiết thực hình thành như “Ngày thứ 5 ba không”, “Ngày thứ 6 nhanh”, “Đám cưới đặc biệt”... Nhấn mạnh hiệu quả mô hình “Nơi tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân về xây dựng chính quyền thân thiện, đô thị văn minh”, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thọ Xương Nguyễn Văn Bảy chia sẻ do tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân ngay từ tổ dân phố, kết hợp tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương, giám sát đeo bám đến cùng nên các buổi tiếp xúc cử tri nhận được nhiều lời ngợi khen.

Thực tế minh chứng xây dựng mô hình thành công không thể thiếu vai trò gương mẫu, tâm huyết, sâu sát của người đứng đầu, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, chấn chỉnh và sự đồng thuận, đồng hành của người dân. Tín hiệu đáng mừng là qua các đợt khảo sát, đánh giá lấy ý kiến từ người dân cho thấy tỷ lệ hài lòng đạt cao. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bắc Giang Trần Thanh Hải nhấn mạnh kinh nghiệm nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện” tiên phong trong toàn tỉnh, đó là tinh thần quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến các xã, phường, chú trọng đổi mới, sáng tạo, triển khai các chủ trương, biện pháp phù hợp thực tiễn, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc, chủ động tháo gỡ triệt để vướng mắc phát sinh từ cơ sở, không để tạo điểm nóng. Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Châu Lê Văn Thanh hồ hởi chia sẻ “chính quyền “ghi điểm” tiếp thêm động lực để người dân hăng hái chung sức, chung lòng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”.

Đề cập quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh cho rằng xây dựng “Chính quyền thân thiện” phải đề cao tinh thần vì dân phục vụ, mang đến sự hài lòng, không chỉ ở “bề nổi” hành chính công mà tất cả mọi công việc, thẩm thấu trong từng suy nghĩ, hành động của mỗi cán bộ, công chức.

Xây dựng “Chính quyền thân thiện” ảnh 1
UBND xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và thư chúc mừng cho cặp đôi.

Nâng cao chất lượng, gắn sao đơn vị đạt chuẩn

Bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn một số tồn tại cần sớm khắc phục. Một bộ phận người dân trình độ công nghệ thông tin hạn chế, nên không biết hoặc không khai thác hết những tiện ích mà “Chính quyền thân thiện” mang lại. Số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4 còn thấp, phần lớn do cá nhân, tổ chức ngại sử dụng thiết bị, cơ bản đến liên hệ trực tiếp để giải quyết công việc. Cải cách hành chính đòi hỏi ứng dụng nhiều nền tảng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, tuy nhiên sự liên thông, đồng nhất chưa cao nên còn gây chồng chéo trong áp dụng, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý hồ sơ. Hệ thống phần mềm đánh giá sự hài lòng của cá nhân, tổ chức tại bộ phận “tiếp nhận và trả kết quả” ở nhiều phường, xã chưa được triển khai. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tuy đã được đầu tư nâng cấp, nhưng vẫn còn hạn chế so với yêu cầu thực tế.

Đòi hỏi từ thực tiễn là phát huy cao độ vai trò làm chủ của người dân ở cơ sở, thúc đẩy công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ trách nhiệm giám sát, phản ánh, kiến nghị và quyền được thụ hưởng các dịch vụ công “Chính quyền thân thiện” đem lại. Tăng nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp nhận và lắng nghe ý kiến của nhân dân từ nhiều kênh, thực hiện nền nếp việc khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của chính quyền trên diện rộng, bảo đảm khách quan, tin cậy. Môi trường công sở văn minh, hiện đại chỉ là phụ trợ, yếu tố chính vẫn là con người. Cần quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để mỗi cán bộ, công chức có trình độ, năng lực, tận tâm với nhiệm vụ được giao; biểu dương khen thưởng và phê bình kịp thời, bố trí nhân sự và chế độ đãi ngộ hợp lý tùy theo ngân sách địa phương vì bộ phận “một cửa” thường xuyên tiếp xúc với dân, là “mặt tiền” ở cơ sở. Trong quá trình thực hiện, kiến nghị, điều chỉnh bổ sung kịp thời những bất cập về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục.

Ngày 18/4, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Ðảng UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch triển khai, xây dựng chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025. Từ năm 2023, tỉnh chấm điểm, gắn sao công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn “Chính quyền thân thiện” dựa trên 42 tiêu chí (thang điểm 100), phấn đấu tỷ lệ đạt chuẩn đến năm 2025 là 100%.