VÌ MỘT NỀN CÔNG VỤ CHUYÊN NGHIỆP & HIỆU NĂNG

Nghe khó tin, nhưng trong cuộc khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp vừa qua có "phần đóng góp" không nhỏ của bộ máy công vụ. "Phần đóng góp" này có thể được giải thích như sau.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm các thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Ảnh: Trần Hải
Người dân làm các thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Ảnh: Trần Hải

Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản thường huy động vốn qua trái phiếu để triển khai các dự án của mình. Theo thông lệ, thời gian để hoàn thành các thủ tục pháp lý cho một dự án mất khoảng trên dưới 2 năm. Các doanh nghiệp đã căn cứ vào tiến độ này mà phát hành trái phiếu để huy động vốn. Thế nhưng lần này, vốn đã huy động xong, mà thủ tục pháp lý cho các dự án vẫn không xong. Hơn thế nữa, thủ tục cho nhiều dự án kéo dài tới 3-4 năm mà vẫn chưa xong và không biết đến bao giờ mới xong. Trong lúc đó, vốn trái phiếu đắt hơn vốn tín dụng rất nhiều, huy động vốn xong rồi mà không đưa vào sản xuất, kinh doanh được, thì lấy tiền đâu mà trả cả gốc lẫn lãi cho trái chủ?

Để giảm bớt thua lỗ, một số doanh nghiệp đã xé rào bằng cách đầu tư sai mục đích. Ngoại trừ một vài doanh nghiệp dùng vốn trái phiếu để thao túng thị trường, đa số các doanh nghiệp đầu tư sai mục đích quả thực chỉ là để giảm bớt thua lỗ. Thế nhưng, đầu tư sai mục đích lại là vi phạm pháp luật và bị xử lý. "Dùi đánh đục, đục đánh khăng". Khi các doanh nghiệp bị xử lý, thì niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp bị tổn hại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng vì đó mà bị tổn hại theo.

Tại sao thủ tục pháp lý cho các dự án trước đây chỉ mất trên dưới 2 năm để hoàn thành, thì nay, làm 3-4 năm vẫn không xong? Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất là do sự thiếu quyết đáp và sự đùn đẩy trách nhiệm của bộ máy công vụ. Bất cứ điều gì liên quan đến các dự án đều bị đùn đẩy lên cho cấp trên xử lý. Thế nhưng, cấp trên lại đùn đẩy lên cho cấp trên cao hơn nữa. Nhiều địa phương cho rằng, trước đây khi được xin ý kiến, thì các bộ, ngành trung ương trả lời rất rõ ràng, cụ thể, nhưng bây giờ thì rất chung chung. Đại loại, vấn đề này được quy định trong luật A, nghị định B, thông tư C. Đề nghị địa phương quyết định theo thẩm quyền và đúng pháp luật". Cách trả lời như vậy là rất an toàn, nhưng chắc chắn không giúp gì được cho địa phương trong việc triển khai các dự án.

Câu hỏi đặt ra là tại sao bộ máy công vụ của chúng ta lại thiếu quyết đáp và đùn đẩy trách nhiệm như vậy? Phải chăng vì sợ phải chịu trách nhiệm và sợ sai?

Khi các cán bộ, công chức đều sợ phải chịu trách nhiệm một cách quá đáng như hiện nay, thì điều quan trọng là phải bảo đảm sự an toàn pháp lý cho họ. Để làm được điều này, cần nhanh chóng thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về "chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung". Các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán, xét xử cũng cần được cải thiện theo tinh thần của Kết luận nói trên.

Ngoài ra, cũng như trong hoạt động xét xử, trong hoạt động quản lý, điều hành bao giờ cũng cần phải áp dụng pháp luật cho từng trường hợp cụ thể. Lý do là vì cuộc sống bao giờ cũng phong phú và đa dạng gấp hàng nghìn lần so với pháp luật. Nếu pháp luật không có tính khái quát cao, thì không thể nào bao quát hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Thế nhưng càng khái quát, thì càng khó có thể căn cứ vào các câu chữ của pháp luật để giải quyết công việc. Chính vì vậy, chúng ta cần phải ghi nhận quyền của các cơ quan hành chính-công vụ được áp dụng pháp luật phù hợp với mục đích của pháp luật. Với việc quyền này được chính thức ghi nhận, hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử... cũng cần được điều chỉnh cho tương ứng. Lạm dụng chuyện bắt bẻ câu chữ có thể phá vỡ sự an toàn pháp lý của thể chế, mà lại ít bổ sung giá trị gì cho xã hội của chúng ta.

Khi các cán bộ, công chức đều sợ sai, thì vấn đề cơ bản nhất lại là vấn đề năng lực. Năng lực cấu thành từ kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nhưng quan trọng không hẳn là những kiến thức, kỹ năng, thái độ cụ thể, mà là những con người có kiến thức, kỹ năng và thái độ đó. Kinh nghiệm của cha ông và của cả thế giới cho thấy đó phải là những người tài giỏi và công tâm. Trọng dụng được những người tài giỏi và công tâm, quốc gia sẽ hùng cường, thịnh vượng. Ngược lại, không trọng dụng được những người như vậy, quốc gia sẽ lụn bại, suy tàn.

Các nước phương Đông thường lựa chọn người tài cho nền công vụ thông qua hệ thống khoa bảng. Các nước phương Tây thường lựa chọn người tài cho nền công vụ thông qua các trường đại học danh tiếng. Thật ra, truyền thống khoa bảng cũng đã từng tồn tại trong một thời gian dài ở Việt Nam ta. Vấn đề là chúng ta cần phục hồi lại truyền thống này và cải tiến nó cho phù hợp với điều kiện mới của đất nước. Rất đáng hoan nghênh là cố gắng của Bộ Nội vụ trong việc hợp tác với tổ chức Jica của Nhật Bản để nghiên cứu kinh nghiệm thi tuyển quốc gia để lựa chọn công chức của Nhật Bản. Hiện nay, việc thi tuyển công chức ở ta đang được thực hiện một cách khá phân tán theo từng ngành, từng cơ quan. Có vẻ như năng lực tổ chức thi tuyển để lựa chọn đúng người tài vẫn chưa được phát triển và tích tụ đúng mức cần thiết. Kinh nghiệm của Nhật Bản có thể giúp chúng ta hình thành hệ thống thi tuyển công chức quốc gia hiện đại và khắc phục sự phân tán, manh mún hiện nay.

Lựa chọn được người tài vào nền công vụ là rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là thể chế để cân nhắc, bổ nhiệm đúng người tài. Một hệ thống chỉ số KPI công vụ cần được thiết kế để đo đếm thành tích của các công chức. Người nào có thành tích cao hơn, người đó sẽ được đề bạt. Khi thể chế đề bạt và thăng tiến dựa vào thành tích một cách khách quan và nghiêm ngặt được hình thành, chắc chắn nền công vụ của đất nước ta sẽ hết sức chuyên nghiệp và hiệu năng.

Việc bảo đảm sự công tâm cho các cán bộ, công chức là vấn đề nan giải hơn nhiều. Có hai quy luật khách quan chi phối hành vi của con người, mà đã là người thì ai ai cũng bị tác động.

Đó là:

1. Chúng ta bao giờ cũng ưu ái cho người có gen trùng với mình nhiều hơn. Càng trùng gen nhiều hơn thì càng ưu ái hơn và ngược lại.

2. Chúng ta bao giờ cũng hành xử trên cơ sở tương ái. "Bánh đúc đi, thì bánh gì lại".

Đây là hai quy luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự công tâm của con người. Trong lịch sử đã có những giải pháp hết sức cực đoan để khắc chế hai quy luật nói trên. Sử dụng hoạn quan cho những công việc quan trọng nhất là một trong những giải pháp như vậy. Hay để tận tâm tuyệt đối với Nhà thờ, thì cha cố không được lấy vợ; Để tận tâm tuyệt đối với Phật sự, thì hòa thượng không được có gia đình. Luật Hồi tỵ được cha ông chúng ta áp dụng rất nghiêm ngặt cũng là để bảo đảm sự công tâm của các quan chức.

Ngày nay, để bảo đảm sự công tâm của các cán bộ, công chức, chúng ta cần nghiên cứu và áp dụng trở lại những quy phạm còn phù hợp và có giá trị của Luật Hồi tỵ, như cha con, vợ chồng không được làm chung ở một cơ quan; các cán bộ luân chuyển không được mua sắm bất động sản ở địa phương nơi luân chuyển...

Quan trọng hơn là sớm nghiên cứu và ban hành Luật Chống xung đột lợi ích.