Gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xảy ra một số vụ tai nạn lao động thương tâm, do đó các cấp, ngành cần đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn đáng tiếc.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, từ năm 2013 đến 2022, toàn tỉnh xảy ra 18.258 vụ tai nạn lao động, làm 54 người chết; Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giải quyết chế độ tai nạn lao động 681 vụ/681 người (năm 2023 là 78 vụ/78 người).
Mới đây nhất, trên địa bàn thị xã Chơn Thành xảy ra hai vụ tai nạn lao động liên tiếp làm hai người thiệt mạng. Cụ thể, chiều 25/5, tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến nữ công nhân V.T.N.A (39 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh) thiệt mạng. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, vào thời điểm trên nữ công nhân V.T.N.A đứng trên càng xe nâng để sửa ống hơi của lò sấy.
Trong lúc đang thao tác thì bất ngờ cửa lò sấy mở, chèn nữ công nhân vào khung sắt. Phát hiện sự việc, một công nhân phía dưới đã tắt nguồn điện để giải cứu. Mặc dù nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó do chấn thương quá nặng.
Trước đó hai ngày (chiều 23/5), nam công nhân N.V.L (38 tuổi, quê Hà Tĩnh) cũng gặp tai nạn lao động tại một công ty chuyên sản xuất ván ép ở phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành. Tai nạn xảy ra khi công nhân N.V.L đưa một bao bột nguyên liệu đổ vào máy trộn thì bị cuốn cả người vào bên trong cối trộn đang hoạt động. Sự việc diễn ra quá nhanh, công nhân làm bên cạnh đã ngắt nguồn điện máy trộn nhưng nạn nhân vẫn bị đa chấn thương. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu và đã tử vong sau đó ít hôm.
Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn lao động cho công nhân, người lao động tại các công ty, doanh nghiệp, tỉnh Bình Phước rất quan tâm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chấp hành nghiêm các quy định về vấn đề này. Thanh tra Sở đang thực hiện thanh tra các doanh nghiệp trong thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến hai vụ tai nạn nêu trên, bà Phạm Thị Mai Hương cho biết thêm: “Các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiến hành các bước điều tra, xử lý theo quy định. Mặt khác, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cũng tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát. Về góc độ ngành, chúng tôi đã thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra thu thập đầy đủ chứng cứ để đưa ra kết luận cuối cùng.
Khi có kết luận cụ thể, chúng tôi sẽ tiến hành công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tăng cường công tác nắm bắt thông tin, trách nhiệm của người sử dụng lao động có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của đơn vị mình đối với nạn nhân hay không”.
Tai nạn lao động xảy ra trong quá trình làm việc do nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan; một số trường hợp có nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn…, do đó phòng ngừa để hạn chế đến mức thấp nhất là giải pháp tối ưu. Trước một số vụ tai nạn lao động vừa diễn ra, các ngành chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động; theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện một cách nghiêm túc, đồng thời tổ chức các lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý và người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động tại 20 doanh nghiệp.
Tỉnh tăng cường kiểm tra liên ngành việc thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy. Dự kiến Bình Phước sẽ kiểm tra tại 20 doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ, thời gian tiến hành trong tháng 6/2024; kiểm tra từ 10 đến 20 doanh nghiệp về an toàn, vệ sinh lao động nói chung và chuyên đề về việc bảo quản, sử dụng, vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại các doanh nghiệp chế biến gỗ, ván lạng, các doanh nghiệp có sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Không chỉ đối mặt với rủi ro tai nạn lao động, công nhân, người lao động tại các công ty, doanh nghiệp còn phải đối mặt các vấn đề an ninh trật tự và an toàn vệ sinh lao động. Công nhân Thái Thị Huyền làm việc tại Khu công nghiệp Đồng Xoài II (phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài) phản ánh, hiện nay nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, lừa đảo người lao động qua mạng xã hội vẫn tiếp tục phức tạp. Mặc dù tổ chức công đoàn đã tuyên truyền rất nhiều, nhưng nhiều người vẫn thường xuyên bị lừa mất tiền.
Hơn nữa, cán bộ công đoàn, người lao động làm bộ phận văn phòng của công ty lại thường xuyên bị quấy rối bởi các tệ nạn: đòi nợ thuê; bị cắt ghép ảnh nhằm bôi nhọ danh dự; bị đe dọa qua tin nhắn, email, cuộc gọi điện thoại... Rồi tình hình an ninh trật tự tại một số khu công nghiệp không được bảo đảm, đơn cử tại Khu công nghiệp Đồng Xoài II thường xảy ra tình trạng bị móc túi mất điện thoại, mất tiền, ví, đồ dùng tại những khu vực bán đồ ăn sáng cho công nhân.
Theo Đại tá Nguyễn Phương Đằng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, để bảo vệ sản xuất, tạo sự yên tâm cho công nhân và nhà đầu tư, trong thời gian qua lực lượng công an đã tổ chức tuần tra, kiểm soát tại địa bàn. Qua công tác tuần tra, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ tụ tập đánh nhau, kiểm soát phương tiện có dấu hiệu vi phạm an toàn giao thông...
Liên quan đến nạn cho vay nặng lãi, lực lượng công an đã xử lý hơn 50 vụ với hàng trăm đối tượng. Trong thời gian tới, lực lượng công an, nhất là công an địa phương sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát và nắm tình hình các loại tội phạm; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp cảnh giác với các loại tội phạm. Đối với công nhân, người lao động, khi phát hiện tội phạm cần tố giác để lực lượng công an đấu tranh xử lý kịp thời.