Tuyến dưới được hưởng lợi, giảm tải cho y tế tuyến trên
Ngày 11-9, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn bốn ca bệnh nặng, trong đó, đáng lưu ý là trường hợp mắc biến chứng tay chân miệng tại Bắc Giang.
Theo các bác sĩ tại Bắc Giang, trẻ được chẩn đón mắc tay chân miệng độ 2b do virus EV71, nghi ngờ viêm não. Bệnh nhi được chỉ định điều trị kháng sinh kết hợp hạ sốt và thuốc chống co giật nhưng do một loại thuốc bị thiếu, bệnh nhi đã chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng có biến chứng viêm não, viêm màng não. Sau vài ngày điều trị ổn định, bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Châm cứu Trung ương để châm cứu phục hồi chức năng do biến chứng thần kinh khiến trẻ không thể tự đứng, tự đi.
Từ trường hợp chẩn đoán của tuyến dưới này, TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý các bác sĩ, khi chẩn đoán tay chân miệng, cần dựa vào lâm sàng, không nên chờ kết quả xét nghiệm. Các kết quả xét nghiệm chỉ để chẩn đoán, theo dõi các biến chứng.
Theo đó, trong trường hợp bệnh nhi này, mặc dù hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não không hề phát hiện bất cứ tổn thương nào ở bán cầu tiểu não, thân não, nhu mô não nhưng trẻ vẫn bị tổn thương thần kinh. “Để dựa vào hình ảnh CT sọ não xác định trẻ mắc tay chân miệng có tổn thương hay không sẽ cần bác sĩ rất nhiều kinh nghiệm mới có thể nhìn ra”, BS Hải nói.
Ca bệnh này được trực tuyến tới gần 170 điểm cầu các cơ sở y tế trên toàn quốc từ tuyến tỉnh tới tuyến huyện, đã cung cấp thêm những kiến thức trong chẩn đoán bệnh tay chân miệng và những biến chứng khó lường có thể xảy ra.
Cũng trong ngày hội chẩn đó, một ca bệnh ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, viêm amidan cấp cũng đã được các bác sĩ hội chẩn từ xa, giúp bệnh nhi không cần phải chuyến tuyến về đất liền.
Trong thời gian qua, nhiều kỹ thuật cao cũng đã được tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới. Ngày 4-9, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa lần đầu tiên tổ chức tư vấn phẫu thuật trực tuyến qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D Einstein Vision cho người bệnh 60 tuổi được chẩn đoán viêm túi mật do sỏi mật. Người bệnh có hẹp đường mật chưa rõ nguyên nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Với công nghệ 3D, các bác sĩ tiếp cận được các góc khuất trong giải phẫu, phóng đại các mạch máu nhỏ, tập trung được dụng cụ phẫu thuật vào mục tiêu chính, do đó hạn chế làm chấn thương mô lành chung quanh. Phẫu thuật nội soi với camera 3D giúp các bác sĩ trẻ nhanh chóng nắm bắt và thực hiện kỹ thuật, rút ngắn thời gian đào tạo.
Mở rộng mô hình hỗ trợ tuyến dưới
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, khi dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới nổi có nguy cơ xuất hiện, ngành y tế đã có những giải pháp quyết liệt để đáp ứng yêu cầu vừa phòng, chống dịch, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đề án “KCB từ xa” giai đoạn 2020-2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng KCB vươn cao, vươn xa”.
“Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc”, ông Khuê cho hay.
Một trong những thành công lớn nhất của việc áp dụng giải pháp công nghệ thông tin triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa là thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19”. Trung tâm đã tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong nam, ngoài bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong giai đoạn chống dịch Covid-19 vừa qua, người bệnh từ các miền xa, thậm chí ở nhà vẫn có thể được thụ hưởng những thành quả của kỹ thuật cao, trí tuệ của nguồn nhân lực chất lượng cao từ các bệnh viện trung tâm. Các hoạt động huấn luyện, đào tạo vẫn diễn ra bình thường có chất lượng mà không cần tập trung đông người hay đi lại, di chuyển từ nơi xa… Đó chính là những khích lệ để chúng ta nỗ lực, kiên trì trong triển khai hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa này.
Nếu như trước đây, các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới thì hiện nay, đề án này sẽ mở rộng theo mô hình 1-N để mang lại hiệu quả nhiều hơn. Khi tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới, tất cả bệnh viện tuyến dưới có kết nối hệ thống Telehealth đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi, học tập và nâng cao chuyên môn, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới.
Theo ông Khuê, đến nay, chúng ta đã có hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương triển khai đề án này và hiệu quả được minh chứng rõ rệt bằng việc các bác sĩ tuyến Trung ương hỗ trợ chuyên môn cho bác sĩ tuyến dưới.
“Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân”, ông Khuê nói.
Tiến tới, các bác sĩ tuyến Trung ương sẽ kèm cặp hướng dẫn cho khoảng 10 bác sĩ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã.
- Ba ca bệnh ở tuyến dưới được hội chẩn từ xa nhờ Telehealth
- Trung tâm Telehealth đầu tiên của miền trung
- Thí điểm mô hình khám, chữa bệnh từ xa trong giai đoạn cách ly xã hội
- 2/3 bệnh nhi không cần lên tuyến trên nhờ khám, chữa bệnh từ xa
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa và Hồ sơ sức khỏe điện tử
- Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa BV Bạch Mai sẽ kết nối với gần 300 điểm cầu