Việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây gọi là Luật) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về ba đột phá chiến lược, hiện thực hóa tư duy đổi mới, tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hóa giao thông văn minh tiệm cận dần đến văn minh giao thông của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Về cơ sở thực tiễn, thứ nhất, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Trật tự an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và các cá nhân để bảo đảm trạng thái giao thông có trật tự, an toàn, đúng pháp luật; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật), chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và chuyển giao các công trình hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực.
Bên cạnh đó, toàn bộ hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ liên quan, tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo tinh thần của Hiến pháp thì những nội dung này phải được quy định trong văn bản luật. Trong đó, một số hoạt động đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như quy tắc giao thông, người và phương tiện tham gia giao thông, nhưng vẫn còn nhiều quy định thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn, thể hiện ở những vấn đề cơ bản.
Đó là, quy tắc giao thông chủ yếu là nội luật hóa Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ nhưng việc cụ thể hóa các quy định của Công ước này trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa đầy đủ và chưa sát thực tiễn tình hình giao thông tại Việt Nam, như: quy định về sử dụng làn đường, dừng, đỗ xe trên đường phố, chuyển hướng, vượt xe, nhường đường tại nơi đường giao nhau, sử dụng đèn tín hiệu... dẫn đến khó khăn trong nhận thức và thực thi pháp luật.
Thực tế cho thấy chưa quy định cụ thể và đầy đủ về các biện pháp tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; lực lượng công an hằng ngày làm nhiệm vụ chủ yếu giải quyết các tình huống ùn tắc giao thông thực tế, nhưng nguyên nhân là do tổ chức giao thông bất hợp lý thì không có cơ chế cụ thể để cơ quan công an kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, kịp thời khắc phục các bất hợp lý.
Vấn đề nữa là chưa quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về biện pháp, trách nhiệm giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cơ quan công an, y tế, bảo hiểm, cơ quan khai thác, bảo trì đường bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong quá trình giải quyết tai nạn giao thông, một số quy định trách nhiệm của cơ quan y tế, cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan, đơn vị bảo trì, khai thác đường bộ, đăng kiểm... được quy định trong các thông tư, vì vậy tính pháp lý chưa cao, chưa bảo đảm tính tập trung, thống nhất.
Hơn nữa, chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trung tâm chỉ huy, điều khiển giao thông và chưa xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác này, dẫn đến đầu tư ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa rõ ràng, rành mạch dẫn đến chồng chéo khi tổ chức thực hiện.
Thứ hai, trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung thì lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm. Riêng năm 2021 vừa qua, tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, số người chết do tai nạn giao thông trong hai tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020; mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân là do một bộ phận người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng về trật tự an toàn giao thông; còn không ít người cố ý vi phạm quy định pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là trong hai tháng đầu năm 2021, do tâm lý cho rằng lực lượng chức năng phải phân tán lực lượng để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Nguồn lực dành cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư, nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng và bảo đảm thường xuyên cho lực lượng tuần tra, kiểm soát.
Một trong những nguyên nhân chủ quan là do cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công tác xây dựng thể chế, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn hạn chế, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm ban hành so với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế. Hạn chế về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chậm xây dựng và thiếu sự chia sẻ, kết nối về cơ sở dữ liệu ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách(2).
Thứ ba, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyên sâu hóa điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể để bảo đảm sự phân công rõ ràng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Theo đó, Luật Trật tự an toàn, giao thông đường bộ có mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông. Để đạt được mục tiêu này, Luật quy định về quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm; quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Thứ tư, trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, qua đó cho thấy các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nga, Đức, Australia...
Từ những lý do nêu trên cho thấy, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết.
--------------------------
(1) http://bocongan.gov.vn/tintuc/Pages/lists.aspx?Cat=17&ItemID=29089.
(2) Chính phủ (2021), Báo cáo số 405/BC-CP ngày 13/10/ 2021 của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022.