Tại các điểm đến “hot”, hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú thường xuyên hoạt động hết công suất. Nhiều nơi phải đặt trước cả tháng mới có phòng. Thậm chí, nhiều công ty du lịch uy tín phải từ chối nhận thêm khách để bảo đảm chất lượng dịch vụ…
Tuy nhiên, khi thị trường dần nhộn nhịp cũng là lúc xuất hiện những sự việc đáng buồn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, hình ảnh du lịch Việt Nam. Vài ngày qua, sự xuất hiện và lan truyền của clip ghi lại hình ảnh nhóm người Việt xô xát với du khách nước ngoài trên phố Hàng Buồm, Hà Nội đã gây xôn xao dư luận. Việc phải trái, đúng sai, xác định nguyên nhân vụ việc đương nhiên còn cần kết luận của cơ quan điều tra, song rõ ràng, hình ảnh “giao tiếp” với du khách quốc tế bằng ghế nhựa, vỏ chai bia ít nhiều gây nên ấn tượng xấu xí về du lịch Hà Nội.
Từ đây, không ít người nhớ đến hàng loạt sự việc đáng tiếc xảy ra thời gian qua khiến du lịch Việt Nam mất điểm. Điển hình là vụ việc diễn ra đầu tháng 5/2022 liên quan hai nữ du khách người Nga bị lái xe ta-xi chiếm đoạt điện thoại khi thuê dịch vụ di chuyển ở phố cổ Hà Nội; tiếp đó là vụ tài xế ta-xi trộm tiền và thẻ visa của du khách Hàn Quốc rồi “quẹt” mua hàng vô tội vạ ở Hà Nội hồi đầu tháng 6; hay mới đây là vụ nữ tài xế ta-xi “chặt chém” du khách người Ba Lan 400.000 đồng cho quãng đường di chuyển chỉ 6km từ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) tới Khu đô thị Times City… Không riêng Hà Nội, tại một số địa phương là trọng điểm du lịch, tình trạng chèo kéo, ép giá, lừa đảo du khách để thu lời cũng từng bị phản ánh.
Dù chỉ là cá biệt nhưng “tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, những hành xử hung hăng, chộp giật, sai phạm nêu trên chẳng khác gì những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây tác động xấu đến thương hiệu du lịch quốc gia, làm sứt mẻ hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách mà ngành du lịch cả nước đã dày công xây dựng nhiều năm qua. Trong bối cảnh thế giới phẳng, những vụ việc đó càng có cơ hội được lan truyền thông qua những cú click chuột. Trên thực tế, khi các vụ việc được trình báo, lực lượng chức năng luôn khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh và giải quyết vấn đề trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của du khách. Những pha cứu nguy kịp thời này phần lớn đều nhận được sự hài lòng và đánh giá cao của du khách, góp phần gỡ điểm cho du lịch Việt Nam.
Thế nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận, dù xử lý tốt đến mấy cũng không thể xí xóa sự thực du khách đã phải đối mặt những trải nghiệm xấu trong hành trình du lịch. Cũng chẳng thể khẳng định họ có sẵn sàng quên đi những ấn tượng không mấy đẹp ấy để quay lại thăm Việt Nam lần nữa hoặc gợi ý người thân, bạn bè đến thăm Việt Nam hay không? Rõ ràng, những vụ việc dù không quá phổ biến nhưng hệ quả mang lại là không thể đo đếm, ít nhiều gây ảnh hưởng đến quyết định du lịch Việt Nam của du khách quốc tế.
Nhìn vào cơ cấu khách du lịch sáu tháng đầu năm, dễ nhận thấy chiếm áp đảo là lượng khách trong nước. Trong số hơn 61 triệu lượt khách, chỉ có 602.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, còn cách rất xa mục tiêu đón 5 triệu khách đặt ra trong năm 2022. Trong bối cảnh các nước trong khu vực đồng loạt mở cửa du lịch và cạnh tranh gay gắt để thu hút khách quốc tế sau đại dịch, việc xây dựng hình ảnh điểm đến để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch quốc gia càng trở nên cấp thiết. Muốn thu hút đông đảo khách quốc tế, du lịch Việt Nam không thể để xuất hiện những cách làm liều, làm ẩu, bởi thế, cần có những giải pháp để ngăn chặn, chỉnh đốn kịp thời.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc xử lý quyết liệt với những chế tài mạnh mẽ, đủ sức răn đe nhằm đẩy lùi những sai phạm trong hoạt động du lịch thì cách ứng xử văn minh, thân thiện của những người làm du lịch và cộng đồng dân cư chính là “chìa khóa” để xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện. Giải pháp quan trọng là nâng cao nhận thức cho những người làm du lịch cũng như người cung ứng dịch vụ liên quan trong cộng đồng, giúp họ nhận ra những lợi ích mang tính bền vững mà bản thân, gia đình được thụ hưởng nếu ngành du lịch phát triển, từ đó thay đổi cách nghĩ ngắn hạn, tư duy “ăn xổi” vẫn đang tồn tại trong hoạt động du lịch lâu nay.