Xây dựng hệ thống chính trị vùng biên, cách làm của Tây Ninh

Đảng bộ tỉnh Tây Ninh có 194 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Hiện 100% số ấp, khu phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có chi bộ đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Tây Ninh làm thủ tục cho người dân huyện Bến Cầu vay vốn phát triển kinh tế.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Tây Ninh làm thủ tục cho người dân huyện Bến Cầu vay vốn phát triển kinh tế.

Trong các cơ quan đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp có 74 cán bộ là người dân tộc thiểu số. Theo Ban Dân tộc tỉnh Tây Ninh, cán bộ trong hệ thống chính trị đều được khuyến khích học tiếng nói của các dân tộc thiểu số nhằm thuận tiện trong công tác vận động nhân dân. Điều này cho thấy việc xây dựng hệ thống chính trị nơi biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã được Tây Ninh chú trọng qua việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt.

Đồng chí Nguyễn Văn Hợp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh, cho hay, công tác xây dựng cán bộ nòng cốt ở cơ sở luôn được chú trọng để củng cố hệ thống chính trị. Trong năm 2022, đã xây dựng được 29.533 đoàn viên, hội viên là lực lượng chủ yếu cùng với cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân vùng biên giới. Bên cạnh đó, còn ban hành Chương trình hành động số 100-CTr/TU, ngày 29/3/2022 về tăng cường tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong dân tộc, chức sắc tôn giáo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội.

Theo số liệu của Tỉnh ủy Tây Ninh, năm 2022, tại 20 đảng bộ các xã biên giới kết nạp được 85 đảng viên, cao hơn 37 đồng chí so với cùng kỳ. Đây chính là hạt nhân tốt để góp phần làm cho hệ thống chính trị vùng biên vững mạnh. Mới nhất, Tây Ninh đã cho rút toàn bộ lực lượng công an, quân sự tăng cường lên biên giới hỗ trợ lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch vừa đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Khi ấy, toàn tuyến đã lập 200 chốt dã chiến kiểm soát phòng, chống dịch. Khi ổn định tình hình, các lực lượng lại quay sang giúp nhân dân phục hồi kinh tế, cùng với cả hệ thống chính trị vùng biên chung tay bảo vệ an ninh, trật tự. Đến thời điểm này, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, kinh tế-xã hội của tỉnh phục hồi ấn tượng khi năm 2022, 100% chỉ tiêu cơ bản về kinh tế-xã hội đạt và vượt Nghị quyết Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra. GRDP tăng 9,56%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước (cả nước: 8%), xếp thứ 16 trong số 63 tỉnh, thành phố; xếp thứ nhất trong tám tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh cho biết, lực lượng vũ trang tỉnh, các sở, ngành, các cơ quan thuộc tỉnh đã ký 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng của các tỉnh giáp biên giới thuộc Campuchia. Nhờ hệ thống chính trị cấp cơ sở và trên cơ sở có nhiều cán bộ người dân tộc, nhiều cán bộ biết tiếng Khmer cho nên công tác đối ngoại có nhiều linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.

Từ mối quan hệ phối hợp mật thiết và tin cậy như vậy, ngành chức năng ở Tây Ninh trong thời gian qua đã tiến hành tiếp nhận, giải cứu 322 lao động Việt Nam bị lừa gạt, bán sang biên giới, bị dụ dỗ đi làm “việc nhẹ lương cao”. Cũng vì mối quan hệ nghĩa tình qua lại, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2022, lực lượng biên phòng Campuchia đã trao cho biên phòng Tây Ninh 58 công dân đang cư trú không hợp pháp trên đất bạn.

Đặc biệt, từ năm 2001 đến sáu tháng đầu năm 2020, tại các tỉnh Tbong Khmum, Kông Pông Chàm, Xiêm Riệp, Bần Tia Miên Chây và các đội tìm kiếm quy tập của Tây Ninh đã đào tìm được 4.872 hài cốt liệt sĩ đưa về an nghỉ tại các nghĩa trang trên đất mẹ Việt Nam.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh thông tin, hằng năm, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn Tây Ninh đều tăng, cụ thể năm 2021, ước đạt 3.871,11 triệu USD, tăng 204,26% so với cùng kỳ (1.272,54 triệu USD).

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa với Campuchia của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh trong năm 2021 đạt 777,6 triệu USD, tăng 209,15% so với cùng kỳ (251,53 triệu USD), chiếm 20,09% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu. Có thể nói, việc xây dựng hệ thống chính trị vùng biên giới vững mạnh đã góp phần củng cố an ninh chính trị, giúp phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giúp xây dựng khu vực biên giới hòa bình ổn định. Đó là điều mà Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã và đang làm được.