Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục gia tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều hằng năm, đạt 32,6% năm 2020, 36% năm 2021.
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khẳng định vai trò trụ cột
Báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XI cho thấy, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Với việc tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó chú trọng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện và các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt, diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, đạt 16,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020. Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022...
Từ năm 2019, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được triển khai với nhiều đổi mới về phương thức tổ chức thực hiện, phát triển hệ thống đại lý đến cấp xã/phường, tạo bước đột phá về số lượng người tham gia qua các năm. Năm 2021, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là gần 1,5 triệu người, gấp sáu lần số lượng năm 2018. Năm 2021, cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, được chi trả bằng nhiều hình thức, linh hoạt (tiền mặt, qua bưu điện, qua tài khoản cá nhân), từ đó khẳng định được vai trò của bảo hiểm xã hội trong giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống.
Về bảo hiểm y tế, việc hoàn thiện chính sách, tăng đầu tư của ngân sách nhà nước và cải tiến phương thức thực hiện đã tạo đột phá về tỷ lệ bao phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm y tế. Đến hết năm 2020, có 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% số dân; năm 2021, cả nước có 88,8 triệu người tham gia, chiếm 91% số dân có bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khi chấm dứt hợp đồng, mất việc làm, trong giải quyết chế độ, chính sách, nhất là khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng: từ 8,27 triệu người năm 2012 lên 13,3 triệu người năm 2020 và gần 13,4 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng đều hằng năm, đạt 26,8% năm 2020, 30% năm 2021...
Đánh giá về những thành tựu Việt Nam đạt được khi thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Nguyễn Hải Đạt cho biết, kể từ năm 2012, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bao gồm các sửa đổi của Luật Việc làm (2013), Luật Bảo hiểm xã hội (2014) và Luật Bảo hiểm y tế (2014), đưa hệ thống an sinh xã hội đến gần với các nguyên tắc và ý tưởng của Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng
Về đề xuất định hướng cho chính sách xã hội trong giai đoạn mới, Tổ chức Lao động quốc tế cũng cho rằng, Việt Nam cần đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống an sinh xã hội theo hướng trở thành hệ thống an sinh xã hội đa tầng thật sự, dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc, nhạy cảm về giới và bảo đảm rằng, khi Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng, Việt Nam cũng không để lại ai phía sau.
Để đạt được các mục tiêu và phù hợp với các Tiêu chuẩn Lao động quốc tế và các thông lệ tốt nhất trong lĩnh vực an sinh xã hội, chương trình cải cách chính sách xã hội của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần tập trung vào bốn lĩnh vực chính sách chính: Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng hiệu quả, tăng cường sự liên kết và phối hợp giữa các nhánh chính sách trong hệ thống an sinh xã hội nhiều cấp; Tăng cường sự tập trung vào hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng sức hấp dẫn đối với người lao động; Tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội; Thúc đẩy tính liên kết và hiệp đồng giữa các chính sách an sinh xã hội và các lĩnh vực chính sách khác có liên quan, bao gồm cả chính sách việc làm và kinh tế.
Chuyên gia Nguyễn Hải Đạt cho rằng, một trong bốn lĩnh vực chính sách chính nêu trên Việt Nam cần quan tâm là tăng cường sự tập trung vào hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng sức hấp dẫn đối với người lao động. “Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra về sự thiếu hiệu quả của các chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện trong việc mở rộng nhanh diện bao phủ. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể đối với bảo hiểm y tế nhờ tập trung vào chính sách bắt buộc áp dụng toàn dân. Do vậy, để đạt mục tiêu mở rộng nhanh diện bao phủ thì việc tập trung vào bảo hiểm xã hội bắt buộc là điều rất quan trọng”.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần mở rộng đầu tư cho an sinh xã hội, theo ILO, hiện nay Việt Nam chi cho an sinh xã hội dưới 5% GDP, thấp hơn đáng kể so mức trung bình của thế giới là khoảng 13% GDP, và thậm chí so mức trung bình của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương là khoảng 8% GDP (số liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế về an sinh xã hội không tính y tế). Trong khi đó, toàn cầu đã công nhận đầu tư cho an sinh xã hội như một nguồn tăng trưởng, đầu tư tăng cường vào an sinh xã hội cũng có thể trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Việt Nam…
Tại hội thảo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cũng cho biết, Việt Nam có kế hoạch ban hành một nghị quyết mới về chính sách xã hội giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Trong nhiệm vụ dự kiến cho từng lĩnh vực, chính sách bảo hiểm xã hội được xác định hướng tới xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; cải cách hệ thống hưu trí, đổi mới cung cấp đa dạng các sản phẩm bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp; chủ động phòng ngừa, giảm tình trạng thất nghiệp và duy trì việc làm bền vững cho người lao động. Đồng thời, duy trì bảo hiểm y tế toàn dân; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế cân đối, hiệu quả, đây cũng là cơ sở để xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và bảo đảm hội nhập quốc tế...