Một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh của thành phố Đồng Hới là sự ra đời của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Chánh Văn phòng UBND thành phố Đồng Hới Hoàng Thị Thanh Duyên cho biết, trung tâm có chức năng: giám sát, điều hành phát triển kinh tế-xã hội; giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng; an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; cung cấp thông tin về du lịch và giám sát thông tin báo chí và truyền thông...
Để bảo đảm triển khai vận hành, UBND thành phố đã ban hành các quy chế quản lý, vận hành và hoạt động, trong đó có quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân qua ứng dụng “Dong Hoi SmartCity”, quản lý, vận hành, khai thác và xử lý vi phạm qua hệ thống camera trên địa bàn thành phố. Đầu năm nay, UBND thành phố đã đầu tư, lắp đặt bổ sung, nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. xây dựng, nâng cấp hệ thống quản lý quy hoạch và hạ tầng đô thị, hệ thống quản lý chiếu sáng thông minh, cổng du lịch thông minh, hệ thống giám sát cảnh báo, phát hiện khói và cháy rừng. Bên cạnh đó, thành phố nâng cấp phần mềm “Giám sát giao thông thông minh” và lắp đặt bổ sung mở rộng hệ thống camera tầm cao, thiết bị đo mực nước để cảnh báo lũ lụt.
Đến nay cho thấy, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Đồng Hới đã phát huy tính năng, hiệu quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Đồng Hới và tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Theo Văn phòng UBND thành phố Đồng Hới, ứng dụng “Dong Hoi SmartCity” được người dân rất quan tâm, cài đặt và sử dụng trên điện thoại cá nhân với hơn 41.000 tài khoản, mang tới nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Đặc biệt, nhiều thông tin hiện trường, vụ việc gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, vi phạm về quy tắc đô thị... đều được người dân phản ánh bằng cách nhắn tin kèm hình ảnh, video gửi đến trung tâm.Tiếp nhận thông tin, nhân viên vận hành của Trung tâm chuyển thông tin vừa tiếp nhận đến lãnh đạo xã, phường hoặc phòng, ban của thành phố xử lý, trả lời cho công dân phản ánh.
Chẳng hạn, mới đây, cư dân ở Tổ dân phố 2, phường Nam Lý phản ánh một hộ gia đình ở trên đường Lê Thị Hồng Gấm chăn nuôi lợn không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tiếp nhận thông tin, UBND phường đã làm việc, lập biên bản gia đình này và yêu cầu sớm khắc phục dứt điểm tình trạng nói trên.
Theo đồng chí Hoàng Thị Thanh Duyên, đến nay, có gần 800 ý kiến phản ánh của người dân gửi về Trung tâm điều hành; các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương đã kiểm tra, giải quyết, trả lời, hướng dẫn đối với 708 ý kiến, đạt tỷ lệ 95%. Các phản ánh được kiểm tra, giải quyết kịp thời, bảo đảm xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh và các bức xúc của người dân trong đời sống cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Không chỉ phản ánh thông tin, sự vụ ở hiện trường đến chính quyền mà qua ứng dụng “Dong Hoi SmartCity”, công dân thành phố còn được xem camera trực tuyến, cảnh báo ngập lụt, tra cứu vi phạm giao thông, bản đồ tiện ích; tích hợp thông tin giáo dục, y tế, du lịch thông minh…
Thời gian qua, thành phố Đồng Hới đã lắp đặt 185 camera giám sát an ninh trật tự và 14 camera tầm cao và tích hợp với hệ thống camera an ninh của các xã, phường tạo thành một hệ thống đồng bộ, có chiều sâu phục vụ việc giám sát an ninh trật tự trên toàn địa bàn thành phố. Từ hệ thống camera giám sát an ninh, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Đồng Hới đã phối hợp các đơn vị trích xuất hình ảnh, hỗ trợ xử lý kịp thời hơn 30 sự vụ liên quan đến việc truy bắt tội phạm, tai nạn giao thông, các vụ đổ xả thải không đúng nơi quy định.
Qua triển khai áp dụng xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát hình ảnh, cơ quan chức năng đã phát thông báo xử lý vi phạm hành chính hơn 3.200 trường hợp xe ô-tô vi phạm. Hệ thống camera giám sát giao thông đã làm chuyển biến tích cực ý thức tham gia giao thông của người dân; hỗ trợ Công an thành phố điều hành giám sát các “điểm nóng” dễ gây ách tắc, ùn ứ phương tiện; góp phần trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, lần đầu tiên thành phố Đồng Hới đã lắp đặt 18 camera giám sát tình hình ngập lụt và 20 thiết bị cảm biến đo mực nước tại các vị trí xung yếu, hồ đầu nguồn, các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn; qua đó, cung cấp dữ liệu và phân tích trên “Hệ thống giám sát mực nước và cảnh báo ngập lụt” để thông báo dữ liệu quan trắc 5 phút một lần theo thời gian thực.
Hệ thống cũng đã thiết lập các ngưỡng mực nước, thông tin biến động mực nước, gửi cảnh báo qua SMS cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố và thông tin cho người dân qua ứng dụng “Dong Hoi SmartCity” để chủ động, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi ngập lụt và thực hiện công tác ứng cứu kịp thời.
Theo Chánh Văn phòng UBND thành phố Đồng Hới, cùng với xây dựng hạ tầng số, thành phố đã tích cực triển khai chính quyền số, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trên hầu hết các lĩnh vực. Việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động chuyên môn được triển khai ở nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn. 100% các cơ quan, đơn vị được cấp tài khoản thư điện tử công vụ; đăng ký cấp chứng thư số; ứng dụng chữ ký số cá nhân, ký số vào gửi nhận văn bản. Lãnh đạo UBND thành phố ứng dụng ký số di động vào ký văn bản trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Tỷ lệ văn bản hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cơ quan UBND thành phố là 99%, cấp xã, phường là 98%. HĐND thành phố và nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã triển khai “Phòng họp không giấy tờ” tại các kỳ họp, hội nghị; qua đó, tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm, tránh được những sai sót trong sắp xếp tài liệu; chất lượng thảo luận, giải quyết công việc được nâng cao.
Trên lĩnh vực kinh tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai thực hiện ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Người dân đã chủ động thay đổi phương thức thực hiện các giao dịch (thuế, điện nước, các khoản thu phí...) từ thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt chuyển sang thanh toán trên ứng dụng của các ngân hàng thương mại và đơn vị viễn thông. Đặc biệt, đến tháng 6/2024, hơn 90% số hộ kinh doanh tại Đồng Hới đã áp dụng thanh toán qua mã QR. Hiện tại, Đồng Hới đang xúc tiến việc tích hợp thông tin gắn mã QR cho các đường phố để giúp người dân và khách du lịch có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin cơ bản về vị trí, chiều dài, kết cấu tuyến đường, cùng tiểu sử của nhân vật, sự kiện được đặt tên đường, góp phần tạo nên một đô thị hiện đại, văn minh.
Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Ngọc Đan đánh giá, Đề án xây dựng đô thị thông minh bước đầu tạo cho thành phố Đồng Hới có nền tảng về hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, phát triển các ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các giải pháp quản lý xã hội, quản lý nhà nước. Qua hệ thống giám sát, điều hành thông minh đã làm thay đổi nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức của thành phố, từ lề lối làm việc giấy tờ chuyển sang phong cách làm việc mới trên môi trường mạng, thay đổi căn bản ý thức, cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp.
Thời gian tới, chính quyền thành phố tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử nhằm đưa thành phố Đồng Hới phát triển theo hướng đô thị thông minh, hiện đại. Thành phố tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ, tiện ích để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.