Để quản trị quốc gia đạt được các mục tiêu đặt ra, bộ máy nhà nước phải được tổ chức tinh gọn hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chú trọng vai trò định hướng, điều tiết, thiết lập tầm nhìn phát triển. Các cơ quan nhà nước phải có tư duy trụ cột, hướng đến mục tiêu quản trị hiệu quả, được cụ thể theo các cấp độ quản trị chiều dọc, chiều ngang, từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho tới các ngành, các lĩnh vực nhưng phải bảo đảm tính kết nối và liên thông. Tính hiện đại, hiệu quả của quản trị quốc gia còn phụ thuộc vào hoạt động của các tổ chức hội, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân. Các hoạt động này không chỉ dừng lại ở giám sát, kiểm tra, phản biện mà còn mở rộng hơn với sự đóng góp nguồn lực, đề xuất hoặc tham gia hoạch định chính sách, thậm chí trực tiếp thực hiện các mục tiêu phát triển.
Trong thời đại phát triển và hội nhập mạnh mẽ hiện nay, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng của đất nước, thực hiện được đầy đủ các quyền lợi của người dân, sẽ không chỉ đơn thuần dựa vào mỗi chủ thể Nhà nước, mà còn có vai trò quan trọng của các tổ chức doanh nghiệp, công dân và các tổ chức phi chính phủ, hội, hiệp hội. Quản trị quốc gia phải tập hợp, thu hút được mọi nguồn lực tài chính, đất đai, công nghệ… và yêu cầu Nhà nước phải điều hòa, cân bằng và chia sẻ được các lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cộng đồng, vùng miền, địa phương.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam nhấn mạnh, đứng trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức có vai trò quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đội ngũ phải có năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc, được hình thành trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, trong thực tiễn công tác và thực tiễn đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, đây là những người luôn tận tâm, mẫn cán, có trách nhiệm và đạo đức công vụ trong thực hiện công việc được giao. Là những cá nhân có tinh thần hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp; luôn thực hiện đúng các quy định của pháp luật với ý thức tự giác và kỷ luật nghiêm minh, có danh dự và không làm trái với trách nhiệm công vụ; có nhận thức được xu thế phát triển của công nghệ số, sự tác động của chuyển đổi số đến việc thay đổi cách nghĩ, cách làm việc, mọi công việc của công chức, cơ quan nhà nước phải luôn công khai, minh bạch; xây dựng và duy trì sự tương tác với người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội… qua mọi hoạt động trong môi trường số. Cán bộ, công chức phải nắm được kiến thức, kỹ năng, cách thức sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, trí tuệ nhân tạo… để phục vụ công việc tốt hơn, đáp ứng yêu cầu quản trị theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ hiện nay so với yêu cầu quản trị quốc gia vẫn chưa đáp ứng. Thực trạng nêu trên có nguyên nhân từ cơ chế quản lý công chức của nước ta đã chuyển từ hệ thống chức nghiệp sang hệ thống việc làm kết hợp với tiêu chuẩn chức danh, nhưng đến nay danh mục vị trí việc làm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh và thống nhất, vẫn còn nhiều lúng túng, thậm chí mang tính hình thức, đối phó. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và quản lý công chức theo vị trí việc làm vẫn chưa được thay đổi đầy đủ, toàn diện cho phù hợp, vẫn theo lối “người này tuyển dụng cho người khác sử dụng”…
Hiện nay, Chính phủ và Bộ Nội vụ không có văn bản nào quy định phương pháp xác định vị trí việc làm, dễ dẫn tới mỗi nơi làm một kiểu. Việc Chính phủ giao cho các bộ, ngành và địa phương tự xác định danh mục vị trí việc làm, tự thẩm định và tự phê duyệt vị trí việc làm của các tổ chức thuộc quyền quản lý là chưa khoa học, dẫn đến hệ thống vị trí việc làm không được quản lý thống nhất.
Đáng chú ý, Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/7/2023, là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa và triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, tư duy về nhân tài không chỉ thuần túy và hạn chế trong việc tìm từ nguồn nhân lực trẻ, mà cần phải tìm cả trong những người nhiều tuổi, không đơn giản lấy bằng cấp, học vị, độ tuổi làm tiêu chuẩn xác định nhân tài mà lấy uy tín, sức khỏe, liêm chính, hiệu quả công việc làm căn cứ để lựa chọn, giới thiệu cán bộ; không phân biệt giới tính, dân tộc, vùng, miền, người trong Đảng hay ngoài Đảng… trong tuyển dụng, bầu cử, bổ nhiệm, trọng dụng, quy hoạch. Người có phẩm chất, trình độ và năng lực, đã có kinh nghiệm và có sản phẩm, công trình, đề án sáng tạo được ứng dụng vào thực tiễn cần được xét tuyển thẳng.
Theo Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, việc trọng dụng nhân tài cần đổi mới theo nguyên tắc bình đẳng, thực tài, kiên quyết thay thế nhân sự không làm được việc hoặc bè phái, gây mất đoàn kết, tiêu cực, nhũng nhiễu; bổ sung vào quy trình tuyển chọn lãnh đạo, quản lý nội dung “cấp trưởng được giới thiệu cấp phó và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình”. Việc đánh giá công chức trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ ở vị trí việc làm đã được phân công và gắn với các sản phẩm, kết quả công tác, ý thức xây dựng đơn vị và đoàn kết, phối hợp công tác tốt.
Việc đánh giá phải gắn với trách nhiệm giải trình và mức độ sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ. Để thực hiện được các giải pháp nêu trên thì cần sửa đổi Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và xây dựng lại hệ thống các nghị định của Chính phủ. Đó là cơ sở pháp lý để thực hiện các nội dung xây dựng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.