Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách để thu hút đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học. Bằng những chính sách này, đến nay, thành phố đã phát triển được đội ngũ cán bộ khoa học ngày càng trưởng thành về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân giống hoa lan bằng kỹ thuật nuôi cấy mô invitro tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân giống hoa lan bằng kỹ thuật nuôi cấy mô invitro tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Để tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và hơn mười đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng hoạt động khoa học-công nghệ, tạo điều kiện hoạt động nghiên cứu, phát triển và sáng tạo cho đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ.

Thành phố cũng khuyến khích xã hội đầu tư phát triển mạng lưới với hơn 480 tổ chức khoa học-công nghệ và khoảng 135 phòng thí nghiệm. Về đầu tư cho con người, thành phố đã triển khai Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Đề án số 01-ĐA/TU ngày 5/2/2020 về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của thành phố giai đoạn 2020-2035; các chương trình hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao chuyên môn chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như bán dẫn, phân tích kiểm nghiệm, đổi mới sáng tạo…

Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt bằng nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn để đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Qua đó, hàng nghìn lượt trí thức đã tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, một số chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đã tham gia làm việc cho các tổ chức khoa học-công nghệ công lập của thành phố.

Ngoài ra, thành phố cũng triển khai Chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học-công nghệ trẻ nhằm tạo điều kiện cho nhà khoa học trẻ, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Chỉ tính trong giai đoạn 2019-2022, thành phố đã hỗ trợ thực hiện 133 đề tài khoa học với hơn 1.260 trí thức trẻ, sinh viên tham gia thực hiện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Thực tiễn cho thấy, trong việc xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở đều có sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ. Đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ đã trực tiếp tham gia đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; đồng thời, nghiên cứu, sáng tạo ra những công trình có giá trị; từng bước nâng cao trình độ khoa học-công nghệ của đất nước, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao.

Những chính sách nêu trên đã góp phần không nhỏ xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức thành phố theo hướng chất lượng ngày càng nâng cao, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc thu hút nhân tài, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia vẫn còn bộc lộ một số hạn chế trong chính sách, cơ chế, mô hình, giải pháp do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong đó, có thể kể đến việc đầu tư cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu... chưa đáp ứng môi trường làm việc cho đội ngũ trí thức; chính sách đầu tư cho con người như thu nhập, đào tạo bồi dưỡng… chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cơ chế tài chính, quản lý nhà nước về hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ theo quy định của pháp luật còn nhiều bất cập…

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh định hướng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; trong đó, khẳng định vai trò của khoa học-công nghệ phải thực sự là động lực cho sự phát triển của thành phố.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố chia sẻ, hiện, thành phố tiếp tục hoàn thiện và triển khai các nhóm giải pháp, chính sách như triển khai việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học-công nghệ công lập; phấn đấu sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh vào hoạt động.

Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong thực hiện hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học; nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại cho các tổ chức khoa học-công nghệ công lập. Việc đầu tư cho con người được quan tâm thông qua các chính sách đãi ngộ mạnh mẽ hơn nhằm thu hút đội ngũ trí thức, nhà khoa học… để lực lượng này yên tâm sáng tạo, nghiên cứu khoa học.

Đồng thời, thành phố hỗ trợ hình thành mạng lưới các trung tâm chuyển giao công nghệ, các vườn ươm sáng tạo trong các trường đại học, đầu tư các phòng thí nghiệm tại trường đại học theo mô hình liên kết với Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo; triển khai kế hoạch phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc tại các trường đại học, tổ chức khoa học-công nghệ thông qua các chương trình khoa học-công nghệ, dự án khoa học-công nghệ trung hạn theo đặt hàng của thành phố…

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh phát triển của thành phố hiện nay rất cần có những cơ chế, chính sách mới, sáng tạo, đột phá, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển.

Do đó, việc huy động đội ngũ chuyên gia về tư vấn, xây dựng chính sách mới và phản biện chính sách là một hướng đi ưu tiên, cấp thiết đối với đặc điểm và nhu cầu phát triển của một thành phố năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới như Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng trí thức, nhà khoa học đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn đầu tư và ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là đầu tư cho các lĩnh vực khoa học-công nghệ nền tảng, cốt lõi.