Vấn đề tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đặt ra tại Hội nghị T.Ư 7 (khóa XII), được cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng.
Đột phá từ khâu yếu
Qua nửa đầu nhiệm kỳ, có gần 50 cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu một số cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả đương chức và về hưu, bị thi hành kỷ luật, để lại những bài học đắt giá trong công tác xây dựng Đảng. Đáng chú ý, có những cán bộ suy thoái phẩm chất, năng lực yếu vẫn được đánh giá, nhận xét tốt, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí được khen thưởng, cất nhắc, bổ nhiệm. Từ đó cho thấy, công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, hình thức và không thực chất.
Cần tạo đột phá ngay từ khâu khó và yếu là khẳng định của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư. Theo đồng chí, đánh giá cán bộ cần đạt được năm tiêu chí: đa chiều, liên tục, lượng hóa, công khai và có khảo sát. Năm khâu này được làm tốt, chúng ta có thể đánh giá cán bộ chính xác tới 90%.
Nhắc lại quan điểm về đánh giá cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư cho rằng, cần bổ sung tiêu chí đánh giá quá trình công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, gắn với cơ chế đánh giá đa chiều. Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận xét, đánh giá cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý thì cũng để những cán bộ ấy được góp ý đánh giá từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ở Chính phủ, Quốc hội và ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cũng vậy. Mục tiêu quan trọng nhất của việc đánh giá cán bộ là để cho mỗi cán bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm cơ sở đưa vào quy hoạch hoặc đề bạt, bổ nhiệm đúng cán bộ, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời, phê bình đúng chỗ.
Trên thực tế, trừ số cán bộ bị thi hành kỷ luật cách chức hoặc phải xử lý hình sự, còn phổ biến tình trạng “lên không xuống, vào không ra”, vừa thiếu bình đẳng, làm nhụt chí phấn đấu, vừa tạo sức ì, cản trở việc bố trí kịp thời cán bộ có đức, có tài. Để đất nước phát triển, hội nhập quốc tế, Đảng cần xây dựng mới hoặc bổ sung “Quy định về việc cho thôi chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ” đã ban hành từ năm 2009, để cơ chế “có lên, có xuống, có vào, có ra” được thực hiện như lẽ bình thường.
Nâng cao tiêu chuẩn quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là đòi hỏi từ thực tiễn. Bởi qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, số lượng cán bộ được quy hoạch các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý ở các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương khá dồi dào. Tuy nhiên, không ít nơi, số lượng cán bộ được quy hoạch nhiều, nhưng lựa chọn nhân sự để giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vẫn khó khăn. Một số địa phương, ban, bộ, ngành không giới thiệu được cán bộ vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; chưa có sự liên thông giữa quy hoạch của Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương với nhau và giữa bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương với các địa phương, cho nên nhiều trường hợp khi thực hiện theo quy hoạch của Trung ương hay của các bộ, ngành thì lại phá vỡ quy hoạch của các địa phương…
Về yêu cầu đổi mới công tác quy hoạch cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, theo đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cần căn cứ vào mục đích sử dụng kết quả đánh giá cán bộ để thực hiện việc quy hoạch cán bộ; phải có sự so sánh về kết quả công tác, chất lượng công việc của các chức danh quy hoạch tương đương gắn với kết quả lấy phiếu giới thiệu của cán bộ, đảng viên theo đúng quy trình, quy định. Quy hoạch cán bộ không thực chất, không đúng sẽ gây hậu quả, hệ lụy nặng nề trong luân chuyển, điều động, bố trí, sử dụng cán bộ.
Ý kiến của một số cấp ủy viên cho rằng, nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, ngoài tiêu chuẩn chức danh như Quy định số 90 của Bộ Chính trị, đối với các chức danh cán bộ chủ chốt cấp chiến lược đều có trọng trách đối nội và đối ngoại, vì thế từ khóa XIV trở đi cần chọn cán bộ thành thạo một ngoại ngữ, công nghệ thông tin và am hiểu luật pháp quốc tế. Quy hoạch chức danh bộ trưởng nên chọn trong nguồn cán bộ được đào tạo cơ bản, am hiểu sâu lĩnh vực sẽ đảm nhận, có uy tín, kinh nghiệm quản lý nhà nước từ cấp sở, ngành, cấp tỉnh, thành phố trở lên…
Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là công việc hệ trọng, bao gồm nhiều khâu, có mối quan hệ với nhau, từ xác định tiêu chuẩn đối với từng chức danh cán bộ cấp chiến lược; xác định yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu; xây dựng quy trình các công việc tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược gắn với sử dụng, kiểm tra, đánh giá và đãi ngộ. Cùng với các giải pháp thu hút, trọng dụng người đủ đức, tài, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh là chủ trương lớn của Đảng đã và đang được triển khai ở các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương. Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ… là những đơn vị đi đầu trong số 14 bộ, ban, ngành và 22 địa phương triển khai Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”; cùng với việc mở các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn Trung ương, mở ra hướng đi tất yếu, tạo đột phá trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đủ đức và tài
Vấn đề căn cốt trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư khái quát, đó chính là việc “chọn người đi chọn người”. Người đi chọn người phải đáp ứng tiêu chuẩn cao về đức và tài làm cơ sở cho các công tác khác. Các tiêu chuẩn đó đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản chỉ đạo của Trung ương. Ngày 4-8-2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quản lý. Quy định nêu rõ những tiêu chuẩn cụ thể đối với 20 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, đồng thời quy định rõ hai nhóm tiêu chí về đức và tài có tầm quan trọng như nhau trong đánh giá cán bộ. Điểm mới của Quy định này là được công khai tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để đối chiếu, giám sát.
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, bên cạnh những tiêu chuẩn chung về đức và tài của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, cần xây dựng thêm những tiêu chuẩn riêng cho đội ngũ cấp chiến lược. Đó phải là cán bộ có tư duy tầm chiến lược; nắm bắt được cục diện để hoạch định chiến lược có tính dài hạn và cốt lõi; phải hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm toàn diện, biết lựa chọn vấn đề trọng tâm nhằm tạo ra đột phá trong phát triển. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cần hiện thực hóa tư duy thành hành động mang tính thuyết phục cao, có khả năng truyền cảm hứng và đặc biệt phải biết cách dùng người, nhất là các chuyên gia giỏi, có uy tín, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng... Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ này, đồng chí lưu ý, đó phải là những tấm gương mẫu mực về đạo đức. Bởi họ là đội ngũ nắm quyền lãnh đạo, có quyền về phân bổ nguồn lực cũng như lợi ích. Trao quyền cho họ cũng phải có những tiêu chuẩn để họ có được khả năng tự kiểm soát bằng đạo đức. Đây là đòi hỏi, tiêu chuẩn rất cao đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được xác định bằng sự tương tác giữa tầm nhìn và hành động, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, giữa khoa học với đạo đức và văn hóa, trong đó có năng lực quyết định đúng lúc cần thiết. Trong giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp chiến lược cần quán triệt phương châm “thực học để có thực lực”, thạo chính trị, giỏi chuyên môn, nhờ đó mới thực nghiệp và trở nên thực tài. Đây là yêu cầu rất cao đối với việc học và hành của cán bộ nói chung, với cán bộ cấp chiến lược thì càng cần được rèn luyện để có thực chất, hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách. Thực học - thực lực - thực nghiệp và thực tài là những thước đo phẩm chất, năng lực thật sự của cán bộ.
Tăng cơ chế kiểm soát quyền lực
Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tại Hội nghị T.Ư 7 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu kỹ các dự thảo văn bản và xuất phát từ thực tiễn phong phú của địa phương, đơn vị, thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học, để trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây, mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp? Làm sao để khắc phục tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu”? Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?...
Từ một số vấn đề đặt ra trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, nhất là đối với một số tổ chức đảng và cán bộ cấp chiến lược thời gian qua, theo Ủy ban Kiểm tra T.Ư, quyền lực chưa được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí không ít trường hợp chưa bị kiểm soát và vì thế tha hóa quyền lực còn diễn ra ở một số nơi, một số cấp và một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Do đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực một cách khoa học. Tạo cơ chế hiệu quả để toàn dân giám sát quyền lực, đồng thời nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm kiểm soát quyền lực của các nước có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Theo PGS, TS Bùi Phương Đình (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), một trong những kỹ năng cần có của cán bộ cấp chiến lược là kỹ năng kiểm soát và xử lý xung đột lợi ích trong khu vực công. Báo cáo điều tra của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra bốn hình thức phổ biến của xung đột lợi ích trong khu vực công là: tặng, nhận quà bằng tiền hoặc không bằng tiền mặt; đầu tư, chia sẻ lợi ích; sử dụng thông tin để vụ lợi; ra quyết định có lợi cho bản thân hoặc người thân. Có sáu lĩnh vực công tác tiềm tàng khả năng xung đột lợi ích là: cung cấp dịch vụ công; bổ nhiệm và tuyển dụng; quản lý đấu thầu; cấp phép phê duyệt dự án; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Cán bộ cấp chiến lược với tư cách là người đứng đầu, có khả năng kiểm soát và gây ảnh hưởng đến các nguồn lực lớn trong xã hội như vốn, thông tin, quan hệ. Và họ trở thành đối tượng để các nhóm lợi ích tiếp cận, kết giao, tìm cách mua chuộc… Không những thế, ở vị trí cao trong bộ máy, cán bộ cấp chiến lược cũng có khả năng vận dụng các kẽ hở của pháp luật, sự không đồng bộ trong cơ chế chính sách, cũng như các mối quan hệ để che chắn cho hành vi vụ lợi, không trong sáng của mình. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp thường xuyên từ kiểm tra, kiểm soát, giáo dục, răn đe… cần đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tự kiểm soát và phòng, tránh các tình huống xung đột lợi ích cho cán bộ cấp chiến lược.
Mục tiêu đến năm 2030 cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; cán bộ cấp chiến lược thực sự tiêu biểu về lập trường tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; với hơn 15% cán bộ dưới 45 tuổi; từ 50% đến 60% số cán bộ cấp chiến lược đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có khả năng ngoại ngữ tinh thông, thành thạo sử dụng vi tính... đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác cán bộ của Đảng ta. Với quyết tâm cao của Trung ương, nhất là người đứng đầu - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân, kỳ vọng những đột phá chiến lược sẽ được hiện thực hóa trong thời gian gần.