Xây dựng Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua các cấp ủy, tổ chức Đảng tỉnh Trà Vinh tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác xây dựng Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng phát triển đảng viên người Khmer, Hoa, Chăm; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng học của Trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở và phổ thông trung học huyện Tiểu Cần với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh Khmer.
Phòng học của Trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở và phổ thông trung học huyện Tiểu Cần với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh Khmer.

Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần Thạch Hoàng Nam cho biết, xã Phú Cần có 3.120 hộ dân với 11.560 nhân khẩu, trong đó đồng bào Khmer chiếm 62% dân số.

Đảng bộ xã hiện có 16 chi bộ trực thuộc với tổng số 277 đảng viên, trong đó dân tộc Khmer 77 đồng chí, chiếm 27,8%; dân tộc Hoa 2 đồng chí, chiếm 0,72%. Đội ngũ cán bộ xã, ấp được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ.

Với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ xã, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia nhiệt tình của nhân dân đã tạo thuận lợi cho lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, Phú Cần được chọn để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.

Đảng bộ xã Phú Cần triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư và phát triển, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, giải quyết được nhiều lao động tại chỗ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác; xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả như trồng dưa lưới trong nhà màng, sản xuất lúa cao sản gắn với hợp đồng bao tiêu tại vùng kênh bê-tông diện tích 110 ha, thu mật hoa dừa, nuôi bò sinh sản, nuôi lươn không bùn,... giá trị hằng năm đạt hơn 150 tỷ đồng.

Để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hạ tầng giao thông xã được đầu tư bê-tông, trải nhựa rộng rãi, sạch sẽ; nhà cửa khang trang. Trong sản xuất, người dân biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt.

Trong năm 2023, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt 121 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,67%.

Thầy Thạch Thành Quang, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở và phổ thông trung học huyện Tiểu Cần phấn khởi cho biết: Nhờ việc triển khai thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục của Đảng bộ xã Phú Cần, từ năm học 2015-2016, trường được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hơn 100 tỷ đồng để xây mới khang trang, sạch đẹp.

Trường đã được trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cấp thoát nước, chiếu sáng, các phòng học bộ môn, phòng chức năng, trang thiết bị, phần mềm hiện đại, có internet, đáp ứng yêu cầu dạy tốt, học tốt. Hằng năm, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100% và hơn 80% thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh, sau gần 2 năm thực hiện đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Đội ngũ cán bộ, công chức Khmer trong hệ thống chính trị của tỉnh là 4.815 đồng chí, chiếm 21,35% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, cán bộ dân tộc Khmer giữ chức danh lãnh đạo, quản lý là 560 đồng chí, chiếm 12,6%.

Về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, ý thức trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Số lượng, chất lượng đảng viên kết nạp mới là người Khmer, người Hoa tăng hằng năm, trình độ học vấn ngày càng cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 17,78% đảng viên là người dân tộc thiểu số; trong đó, đảng viên là người Khmer chiếm 17,40%, người Hoa chiếm 0,37%, góp phần quan trọng tạo nguồn quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Trà Vinh có 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 511 tổ chức cơ sở đảng với 1.976 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, 5 đảng bộ bộ phận; số lượng đảng viên là 47.122 người, chiếm 4,61% so với dân số của tỉnh.

Giai đoạn 2020-2025, cơ cấu đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp là người dân tộc thiểu số của tỉnh bảo đảm yêu cầu đặt ra.

Cụ thể, đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị tỉnh Trà Vinh có 3/6 người dân tộc thiểu số, chiếm 50%; Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 10, có 15/49 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 30,61%; hội đồng nhân dân cấp huyện có 50/287 đại biểu, chiếm 17,42% và hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn có 611/2.720 đại biểu, chiếm 22,46%;...

Hầu hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số có lập trường chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 8/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội các cấp tiếp tục triển khai hiệu quả công tác xây dựng Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đội ngũ cán bộ, đảng viên dân tộc thiểu số, hệ thống chính trị ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên đồng bào dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.