PGS,TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh, cho biết, trong suốt 26 năm hình thành và phát triển, ĐHQG TP Hồ Chí Minh luôn khẳng định sứ mạng tiên phong, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. ĐHQG TP Hồ Chí Minh xác định tầm nhìn trở thành một hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa và tri thức Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu này, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã chọn 3 nhóm chiến lược đột phá nhằm ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung triển khai thực hiện. Đó là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị đại học mà trọng tâm là thực hiện tự chủ đại học; xuất sắc về đào tạo, đột phá về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Khu đô thị đại học xanh, thông minh, thân thiện.
Cũng theo PGS,TS Vũ Hải Quân, kết quả khảo sát được thực hiện trên quy mô gần 40 nghìn sinh viên của ĐHQG TP Hồ Chí Minh cuối tháng 10 vừa qua cho thấy, hơn 80% sinh viên đánh giá cao sự chuyển đổi linh hoạt, kịp thời sang phương thức dạy và học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng giảng dạy của ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Hơn 62% sinh viên tin tưởng vào giá trị bằng cấp của ĐHQG TP Hồ Chí Minh trong điều kiện giảng dạy trực tuyến.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, đã có 1.300 thầy, cô giáo của ĐHQG TP Hồ Chí Minh tình nguyện làm công tác dọn dẹp, chuẩn bị cơ sở vật chất bàn giao ký túc xá và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh làm khu cách ly, bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19. Các thầy, cô giáo của ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã thực hiện hỗ trợ cho 5.595 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên ở quê bị kẹt lại TP Hồ Chí Minh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương, đánh giá cao những kết quả ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã đạt được và nhấn mạnh, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế là trung tâm đại học hàng đầu của đất nước với những thành tựu nổi bật trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thời kỳ đổi mới.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ấn tượng với kết quả 3 năm liên tục gần đây ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã vinh dự đứng trong nhiều bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới và châu Á. Nhiều nhà khoa học, giảng viên, sinh viên của trường đạt được những giải thưởng danh giá được vinh danh trên trường học thuật quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị ĐHQG TP Hồ Chí Minh tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về giáo dục và đào tạo cùng với khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Xây dựng và phát triển mô hình tự chủ đại học tiên tiến, triển khai mô hình quản trị đại học hiện đại, hiệu quả theo chuẩn quốc tế; đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, gắn kết với thực tiễn.
ĐHQG TP Hồ Chí Minh phải không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng đơn vị trở thành một hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa và tri thức Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thu hút đội ngũ tài năng, bao gồm cả giảng viên, sinh viên đến học tập, nghiên cứu. Mỗi cán bộ, giảng viên của nhà trường không ngừng tu dưỡng và rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp "trồng người"...
Dịp này, Trung tâm Quản lý ký túc xá, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh ĐHQG TP Hồ Chí Minh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 3 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã tặng ĐHQG TP Hồ Chí Minh bức chân dung Bác Hồ; trao tặng 10 suất học bổng cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Nhà điều hành ĐHQG TP Hồ Chí Minh.
Sáng cùng ngày, ĐHQG TP Hồ Chí Minh ra mắt Trung tâm Nghiên cứu dịch bệnh và giao cho Trường đại học Quốc tế quản lý, vận hành. Kỳ vọng trong giai đoạn 2021-2030, Trung tâm sẽ phát triển trở thành đơn vị nghiên cứu xuất sắc về các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật trong khu vực Đông Nam Á với đội ngũ nhân lực chuyên môn hơn 60 người.
Trong đó, có ít nhất là 10 giáo sư, phó giáo sư, 15 cán bộ có trình độ tiến sĩ và cơ sở vật chất hiện đại đủ chuẩn an toàn sinh học đáp ứng các nhu cầu về nghiên cứu bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…