Xây dựng Côn Đảo xanh, thân thiện môi trường

Côn Đảo có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển đảo, có di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và hệ sinh thái đa dạng rừng, biển. Tuy nhiên, Côn Đảo cũng đang đối mặt nhiều thách thức về giao thông, điện, nước ngọt, dân số, khách du lịch và nhất là vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ du khách làm “Giỏ lễ xanh” tại Côn Đảo.
Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ du khách làm “Giỏ lễ xanh” tại Côn Đảo.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước cho biết: Vườn quốc gia Côn Đảo là một trong số rất ít khu bảo tồn thiên nhiên của nước ta còn giữ được nét hoang sơ của hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên.

Đó là yếu tố quan trọng bậc nhất để phát triển du lịch sinh thái bền vững. Rút kinh nghiệm từ bài học phát triển du lịch ở đảo Phú Quốc, Côn Đảo cần bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên hướng đến phát triển Côn Đảo bền vững, thân thiện với môi trường.

Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 43 ngày 26/1/2024, về tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã tại các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng Côn Đảo văn minh, xanh-sạch-đẹp”.

Ngày 19/4/2024, Ban Quản lý Di tích huyện Côn Đảo đã ban hành Văn bản số 271 để thông báo thời gian thực hiện kế hoạch này tại các di tích do Ủy ban nhân dân huyện quản lý.

Từ ngày 1/7/2024, Các di tích thuộc Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo quản lý gồm: Miếu Cậu, Mộ 75 chiến sĩ-Khu dân cư số 1; Miếu Thổ Địa-Khu dân cư số 2; An Sơn Miếu-Khu dân cư số 3; Chùa Núi Một-Khu dân cư số 3; Miếu Ngũ Hành-Khu dân cư số 10 chính thức thực hiện việc “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã”.

Trước đó, huyện Côn Đảo đã triển khai thí điểm, theo đánh giá, về cơ bản chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và du khách, số lượng hàng mã, đồ mã dâng cúng được hạn chế, việc đốt hương giảm dần tại các di tích, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

“Giỏ lễ xanh” là giỏ cúng lễ chỉ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng hàng mã, sản phẩm nhựa dùng một lần như mút, xốp, túi ni-lông, chai nhựa.

Kích thước giỏ lễ cũng gọn gàng, trang trọng với mỗi chiều 50 cm được huyện Côn Đảo tổ chức vào thứ bảy hằng tuần, bắt đầu từ ngày 1/7 đến 30/9/2024.

Đây là một trong các hoạt động được Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo triển khai nhằm góp phần thực hiện đề án “Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo Lê Văn Phong cho biết:

Người dân và du khách hoàn toàn có thể lựa chọn các mâm lễ với hoa quả, trái cây và các vật dụng thân thiện với môi trường để dâng lễ và thắp hương tại các điểm di tích theo đúng quy định, thể hiện lòng thành kính của mỗi người, thay vì sử dụng vàng mã, đồ mã và các vật dụng bằng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần.

Qua đó, góp phần chung tay trong công tác bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, giảm khói bụi ô nhiễm do hoạt động đốt vàng mã gây ra, nhằm xây dựng hình ảnh Côn Đảo xanh, thân thiện, văn minh.

“Việc làm này cũng nhằm góp phần thực hiện đề án “Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 495 ngày 16/3/2023”, đồng chí Phong cho biết thêm.

Sau khi nghe giải thích về chủ trương hạn chế đồ nhựa, nhiều đoàn khách đồng ý để các tình nguyện viên hỗ trợ cắm lại giỏ lễ bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, thay thế giỏ nhựa bằng giỏ gỗ, bỏ chân đế cắm hoa mút xốp thay bằng thân cây chuối.

Khách du lịch Đào Lan Hương đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi có đọc báo và biết hiện rác thải, đặc biệt đồ nhựa đang là vấn đề cấp bách tại đảo. Vì vậy, tôi tin việc không sử dụng hàng mã, đồ nhựa khi đi viếng sẽ được du khách ủng hộ”.

Tuần đầu tiên thực hiện “Giỏ lễ xanh” đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo du khách. Rất nhiều tình nguyện viên là viên chức, người lao động phối hợp hỗ trợ hướng dẫn du khách phân loại, soạn giỏ lễ theo tiêu chí “xanh” khi đến viếng tại nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang Hàng Keo và đền thờ Côn Đảo.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo, đến ngày 30/9/2024, sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với “Tuần lễ Giỏ lễ xanh” vào tuần đầu tiên hằng tháng.

Từ ngày 1/1/2025, huyện sẽ thực hiện “Giỏ lễ xanh” vào tất cả các ngày trong năm tại Di tích nghĩa trang Hàng Dương, đền thờ Côn Đảo và các điểm di tích trên địa bàn Côn Đảo.

Để cùng xây dựng một Côn Đảo xanh, Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo khuyến khích du khách khi đến đây không sử dụng túi ni-lông khi đi mua sắm trên đảo; mang theo bình nước cá nhân và túi vải khi đi du lịch; lựa chọn các cơ sở lưu trú “xanh”; ưu tiên ăn tại quán hơn mua mang về để hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần; chuẩn bị một “hành lý xanh”; hạn chế dâng cúng hàng mã, sản phẩm cúng lễ có nhựa dùng một lần.

Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo cho biết:

Sau thời gian thực hiện, chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của người dân và du khách, số lượng hàng mã, đồ mã dâng cúng được hạn chế, việc đốt hương cũng giảm dần tại các di tích, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ. Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh đồ lễ còn chưa đồng thuận với chủ trương.

Một số chủ cơ sở đã đăng tải thông tin phản ứng với chủ trương này lên các trang mạng xã hội, gây ra dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Côn Đảo. Sắp tới đây, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu thêm về ý nghĩa của chủ trương, góp phần bảo vệ môi trường trên đảo ngày càng tốt hơn.