Chợ Đồn là huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp và lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn. Với số lượng dân cư, công nhân, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp lớn thì yêu cầu về cải cách hành chính tại địa phương này càng lớn. Xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công là điều được Chợ Đồn nỗ lực triển khai trong thời gian qua.
Huyện đã tập trung xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống camera an ninh và Trung tâm điều hành thông minh (IOC); nâng cấp hệ thống mạng LAN của huyện đạt chuẩn an toàn thông tin theo cấp độ.
Huyện thực hiện thí điểm một số ứng dụng, phần mềm phục vụ hoạt động chuyển đổi số, như: hệ thống họp không giấy tờ, hệ thống hoá lưu trữ hồ sơ, hệ thống an sinh xã hội, thanh toán không dùng tiền mặt, Chợ 4.0.
Hệ thống phần mềm quản lý văn bản đã được triển khai liên thông đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã. Đến nay, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của huyện hoàn toàn dưới dạng điện tử, ký số đúng quy định đạt khoảng 95%; 100% cán bộ, công chức, viên chức đều được cấp thư điện tử công vụ, tỷ lệ sử dụng thường xuyên thư điện tử công vụ đạt trên 85%.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ma Doãn Kháng, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp, ngành được nâng lên. Tại cấp xã, các lãnh đạo đã quan tâm, chủ động hơn trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo. Nhờ đó, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của huyện đạt trên 73%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (thực hiện giải quyết thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường mạng) đạt trên 79%.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đến hết năm 2023, 100% số xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa tất cả hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% số cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát bốn cấp hành chính; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân.
Mô hình “Tủ báo thanh niên” bằng mã QR tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn. (Ảnh: THU TRANG) |
Tỷ lệ người dùng Internet cáp quang đạt 80,07%, cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Trong năm 2023, đã có thêm chín hệ thống thông tin của các sở được cài đặt, vận hành tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, nâng tổng số hệ thống được cài đặt lên 17. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt hơn 80%.
Ngoài ra, 98% số hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh đã được khởi tạo trên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân; 104.933 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 91.881 hộ được đào tạo kỹ năng số; 973 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Tỉnh khai thác, sử dụng 95 hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu khác nhau để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính.
Để hoàn thiện, vận hành chính quyền điện tử thân thiện, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các đơn vị, địa phương, từ tháng 1/2024 lựa chọn thí điểm một trong các mô hình “30 phút tăng thêm vì dân” hoặc “Sáng thứ bảy vì dân”.
Bắc Kạn chỉ đạo người đứng đầu gương mẫu, thân thiện và có trách nhiệm với nhân dân; công chức có thái độ lịch sự, thân thiện, cởi mở, gần gũi; xử lý công việc thành thạo, chuyên nghiệp; tận tình, chu đáo hướng dẫn người dân, nhanh gọn, sớm nhất có thể; không gây phiền hà, sách nhiễu.
Năm 2024 Bắc Kạn xác định sẽ tập trung ưu tiên các nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp; phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; hoạt động cải cách hành chính; hạ tầng dùng chung, an toàn thông tin và Ðề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trên nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm phục vụ, giai đoạn tới, Bắc Kạn sẽ thực hiện nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin hiện có, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan.
Tỉnh tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ giải quyết thủ tục hành chính.