Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn góp ý vào đồ án Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) Cao nguyên đá Đồng Văn do đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia thực hiện mới đây tại Hà Nội.
CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là một trong 91 công viên địa chất toàn cầu tại 27 quốc gia trên thế giới với rất nhiều tiềm năng. Thế nhưng hiện nay, đây vẫn là vùng đất thuộc diện nghèo khó nhất cả nước. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn, thiếu đất, nước nghiêm trọng. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa được đầu tư tương xứng để khai thác các tiềm năng, thế mạnh trong vùng. Do đó, việc lập Quy hoạch xây dựng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn nhằm hoạch định chiến lược đầu tư xây dựng là công tác cần thiết và cấp bách.
Theo đồ án này, định hướng phát triển CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ thành không gian xanh, một bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dưới dạng các công viên chuyên đề như: Công viên địa văn hóa, Công viên địa sinh học, Công viên khoa học địa chất… gắn với hệ thống khu, điểm du lịch nhằm phát huy hiệu quả, bền vững các giá trị về thiên nhiên và văn hóa trong vùng.
Cụ thể, công viên địa văn hóa tại khu vực phía bắc huyện Đồng Văn bao gồm các khu vực có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc truyền thống, địa chất như Phố Cáo, thôn Lũng Cẩm, thị trấn Phó Bảng, Dinh họ Vương, thị trấn Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú.
Công viên khoa học địa chất tại khu vực phía bắc huyện Mèo Vạc bao gồm hẻm vực Tu Sản, thị trấn Mèo Vạc, rừng Tát Ngà, sông Nho Quế.
Còn Công viên địa sinh học tại khu vực các huyện Yên Minh, Quản Bạ bao gồm các khu bảo tồn thiên nhiên Du Già, khu vực sinh thái núi cao Na Khê, Lao Và Chải; khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn, rừng phòng hộ khu vực Tùng Vài.
Ngoài ra, đồ án Quy hoạch xây dựng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn quy hoạch bốn trung tâm du lịch tại khu vực các đô thị Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Tam Sơn nhằm bảo đảm phát triển hài hòa nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm thúc đẩy sự phát triển của vùng.
Việc tổ chức liên kết ba công viên chuyên đề với các khu bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch bền vững và tổ chức hệ thống Đô thị -Trung tâm du lịch sẽ là một điểm nhấn đáng lưu ý trong Quy hoạch xây dựng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng đất địa đầu Tổ quốc, chứa đựng nhiều giá trị về di sản, đa dạng sinh học, có nền văn hóa đậm đà bản sắc. Do đó, việc lập quy hoạch cần phải làm nổi bật được các yếu tố này, chứ không chỉ chung chung.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, quy hoạch xây dựng phải tôn trọng quy hoạch bảo tồn đã được duyệt, đồng thời phải cụ thể hóa và khai thác được quy hoạch bảo tồn. Thêm nữa, quy hoạch phải làm sao để Cao nguyên đá phải đủ sức hấp dẫn khách du lịch đến và quay trở lại. Muốn vậy, cần phải có hạ tầng phục vụ du lịch tốt; Cao nguyên đá Đồng Văn phải trở thành một công viên địa chất đặc thù, chứ không phải một đồ án thông thường.
"Quy hoạch xây dựng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn là về một lĩnh vực khá đặc biệt, đòi hỏi đơn vị tư vấn phải trao đổi, tìm hiểu kỹ lưỡng để làm rõ những vấn đề cốt lõi mà đồ án đặt ra" - Thứ trưởng Toàn nhấn mạnh.
Thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đồ án, các chuyên gia nhất trí với mục tiêu CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành một bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, để vùng đất này thực sự hấp dẫn, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội, đồ án quy hoạch cần phải làm thế nào để tạo điểm nhấn thực sự?
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng) kiến nghị, nên đưa đồ án vào hệ thống du lịch toàn miền bắc để tạo sức hấp dẫn, đồng thời nên mở rộng hướng du lịch qua biên giới.
Thận trọng hơn, ông Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là một dự án mang tính chất đặc thù nên cần tham khảo thêm kinh nghiệm của những công viên địa chất khác trên thế giới.
Từ thực tiễn và yêu cầu phát triển của khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn đòi hỏi việc quy hoạch phải đặt ra các vấn đề đầu tư xây dựng hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn, giao thông liên kết, cung cấp năng lượng; các cơ sở động lực phát triển kinh tế trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch.