Xây dựng căn cứ địa Việt Bắc chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến

NDO -

Sau ba mươi năm tìm đường cứu nước, năm 1941, khi về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn Cao Bằng làm căn cứ. Từ Cao Bằng, căn cứ cách mạng được mở rộng ra các tỉnh của núi rừng Việt Bắc.

Khu di tích ATK Định Hóa (Thái Nguyên) đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Trong ảnh: Các em học sinh tham quan khu di tích.
Khu di tích ATK Định Hóa (Thái Nguyên) đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Trong ảnh: Các em học sinh tham quan khu di tích.

Trước cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám - 1945, Việt Bắc đã hình thành Khu giải phóng gồm sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang...

Ba tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thực dân Pháp nổ súng tiến công Nam Bộ, lộ rõ dã tâm “cướp nước ta một lần nữa”. Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược, Việt Bắc được T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm địa bàn xây dựng căn cứ địa, nơi đặt An toàn khu (ATK), cơ quan đầu não của Chính phủ kháng chiến. Tháng
10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử một phái đoàn Chính phủ, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng dẫn đầu, lên Việt Bắc tiếp tục chuẩn bị căn cứ địa, trước hết là tìm địa điểm cho cơ quan lãnh đạo và di chuyển máy móc, lương thực, thực phẩm, vũ khí... dự trữ cho kháng chiến. Vùng giáp ranh giữa ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, bao gồm: huyện Định Hóa (Thái Nguyên), nam Chợ Đồn (Bắc Cạn), Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), được chọn để xây dựng ATK của Trung ương.

Khi khả năng hòa hoãn không còn, tháng 11-1946, Đội công tác đặc biệt của Trung ương, do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, được cử lên Việt Bắc, tiến hành những công việc cần thiết phục vụ cuộc tổng di chuyển; dự kiến và bố trí đường đi, nơi ở, nơi đặt cơ quan, công xưởng, kho tàng... Thị xã Bắc Cạn và một số địa điểm như: Điềm Mặc, Phú Bình, Yên Thông (Định Hóa, Thái Nguyên) được chọn làm nơi làm việc của T.Ư Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh. Nơi đây được xây dựng thành ATK của Trung ương và của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cũng từ tháng 11-1946, các cơ quan T.Ư Đảng, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy lần lượt rời Hà Nội lên Việt Bắc để lãnh đạo, tổ chức kháng chiến lâu dài. Các công xưởng, xí nghiệp, nhà máy, hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu và gần 63 nghìn đồng bào miền xuôi được sơ tán lên Việt Bắc để quân và dân ta vừa sản xuất, vừa tiếp tục chiến đấu.

Với sự tin tưởng lựa chọn của T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Bắc từ chiến khu cách mạng đã trở thành căn cứ địa cho cuộc kháng chiến. Núi rừng hiểm trở là nơi cất giấu kho tàng, che chở bộ đội, cán bộ, đồng thời ngăn chặn sự bao vây quân thù; thuận lợi cho phát triển chiến tranh du kích. Đất đai màu mỡ, tài nguyên khoáng sản phong phú, cùng sự lao động cần cù của đồng bào các dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng bảo đảm cung cấp một phần lương thực, thực phẩm cho cán bộ Trung ương, cho lực lượng vũ trang, đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến. Vốn có truyền thống cách mạng, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện từ những ngày vận động cách mạng giành chính quyền, xây dựng được cơ sở chính trị, tổ chức quần chúng vững chắc, có lực lượng vũ trang đông đảo, có chính quyền nhân dân các cấp... Đó là cơ sở để Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

Bài học về xây dựng căn cứ địa Việt Bắc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc cần được nghiên cứu, vận dụng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, chúng ta có cả hệ thống chính trị, có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm cha ông để lại. Vì vậy, để chiến thắng các cuộc chiến tranh, ngay từ thời bình, phải không ngừng chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh để nhanh chóng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân, chuyển địa phương sang thời chiến khi có chiến tranh xảy ra.

Để tiếp tục xây dựng thế trận phòng thủ tỉnh, thành phố trên địa bàn Việt Bắc ngày một vững chắc, cần làm tốt các mặt công tác, đó là: Xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính trị ở vùng căn cứ cách mạng và ATK. Tuy nhiên, căn cứ địa cách mạng và ATK trước đây hầu hết là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số và vùng biên giới. Hiện nay, hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn căn cứ địa kháng chiến còn gặp nhiều bất cập, hiệu lực lãnh đạo, điều hành, phát động sức mạnh tổng hợp của quần chúng còn hạn chế. Vì vậy, cần phải củng cố hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở, bảo đảm đủ sức để tập hợp, động viên quần chúng hăng hái trong công cuộc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã, huyện. Thường xuyên củng cố các đoàn thể, các hội, làm cho mọi công dân đều được tham gia hoạt động trong các tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền ở cơ sở. Chú trọng bồi dưỡng đào tạo cán bộ cho cơ sở, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Nâng cao chất lượng và hiệu lực lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ sở là một nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên trong tình hình hiện nay; là nhân tố quyết định đưa địa phương mình “Vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh”.

Thấu suốt quan điểm xây dựng tiềm lực kinh tế là xây dựng nhân tố vật chất trực tiếp tạo ra sức mạnh tổng hợp, nhất là lĩnh vực quốc phòng - an ninh, những năm qua, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đều được gắn bố trí thế trận quốc phòng - an ninh. Cùng với những chương trình dự án lớn của Nhà nước, các địa phương đã tập trung phát huy nội lực, tranh thủ huy động nguồn vốn từ trong nước và ngoài nước, tăng cường mở rộng liên doanh, liên kết để phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn được củng cố, xây dựng và phát triển. Hệ thống đường giao thông được mở rộng nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa, tạo thế liên hoàn trong thế trận phòng thủ.

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, cần tập trung ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về đường giao thông, điện, trường, trạm y tế và nâng cao trình độ sản xuất cho nhân dân. Tổ chức điều chỉnh, bố trí các khu vực dân cư cho phù hợp điều kiện phát triển kinh tế. Tổ chức các dự án kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Giải quyết tốt mối quan hệ bình đẳng giữa các dân tộc, tạo ra môi trường ổn định về cơ cấu xã hội. Khắc phục các biểu hiện mất đoàn kết. Giải quyết nhanh các vấn đề về giáo dục, không để trẻ em thất học, hoàn thành phổ cập tiểu học cho đồng bào các dân tộc. Tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận thông tin đại chúng, hiểu rõ tình hình của đất nước, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Vận động tuyên truyền xoá bỏ các tập tục lạc hậu, không theo các tôn giáo xa lạ với bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tăng cường đổi mới các hình thức và nội dung giáo dục quốc phòng, làm cho mọi người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhận rõ được kẻ thù, không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, ý thức quốc phòng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; hăng hái tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Đồng thời, coi trọng xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, phương án phòng thủ, trong đó chú trọng kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ chống bạo loạn, gây rối, chống xâm lược. Chăm lo xây dựng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Tăng cường luyện tập, diễn tập theo các tình huống tác chiến đã được xác định, nhất là kết hợp hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ với các đơn vị chủ lực. Chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ có số lượng cân đối, hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao; đăng ký, quản lý tốt dự bị động viên trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác phòng thủ dân sự, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phục hồi khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai...

Thiếu tướng Phạm Thanh Sơn

Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 1