Theo dòng sự kiện

Xây dựng 100 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo

Tại huyện Thới Lai, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng 100 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng từ nguồn vận động quỹ “Vì người nghèo”.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ trao bảng tượng trưng cho các quận, huyện tại lễ khởi công.
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ trao bảng tượng trưng cho các quận, huyện tại lễ khởi công.

Đây là hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2024-2029. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ cũng đang xây dựng đề án hỗ trợ sinh kế cho người nghèo như tạo nguồn vốn, phương tiện sản xuất, kinh doanh… để họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2026, Côn Đảo sẽ có điện lưới quốc gia

Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan phối hợp tỉnh Sóc Trăng đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm đến năm 2026 Côn Đảo sẽ có điện lưới quốc gia theo Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sau khi dự án đã thỏa thuận hướng tuyến triển khai, đơn vị đã tiến hành khảo sát địa chất, địa hình, thủy văn để hoàn thiện báo cáo thẩm định đánh giá tác động môi trường. Dự án kéo điện lưới quốc gia ra Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao EVN làm chủ đầu tư. Phạm vi dự án gồm trạm biến áp 110 kV Côn Đảo; mở rộng 1 ngăn lộ tại trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu. Dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng từ ngân sách và vốn của EVN, thực hiện trong giai đoạn 2023-2026.

Hiệu quả từ cánh đồng “không dấu chân người”

Xây dựng 100 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ảnh 1

Thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024 ở Hậu Giang.

Mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023-2024 được tỉnh Hậu Giang thực hiện với diện tích khoảng 10 ha tại hai xã Vị Trung, Vị Bình của huyện Vị Thủy. Mô hình còn được đánh giá là cánh đồng “không dấu chân người” nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu gom rơm.

Kết quả cho thấy, giá thành sản xuất giảm, phát thải thấp, tăng tín chỉ carbon, lợi nhuận đạt từ gần 52 triệu đồng đến 65 triệu đồng/ha, tăng gần 1,5-4,6 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình. Đây là cơ sở để Hậu Giang thực hiện “Đề án phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại tỉnh.

Bố trí hơn 15 triệu m3 cát phục vụ xây dựng cao tốc

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ký ban hành bản xác nhận cung cấp 10 khu mỏ khai thác khoáng sản cát sông phục vụ xây dựng cao tốc theo cơ chế đặc thù được Quốc hội và Chính phủ cho phép. Theo đó, 10 khu mỏ có trữ lượng cho phép khai thác, bố trí mới hơn 15 triệu m3 cát, gồm: Trữ lượng cát cho cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang hơn 4 triệu m3; đoạn qua thành phố Cần Thơ hơn 3 triệu m3; đoạn qua tỉnh Hậu Giang hơn 2,6 triệu m3; đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hơn 5 triệu m3 cát.

Giải pháp dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau

Xây dựng 100 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ảnh 2

Kênh, rạch vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) khô cạn vì hạn hán gay gắt.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Từ thực tế, Cà Mau đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về tỉnh thông qua hệ thống trạm bơm.

Việc tiếp nước ngọt sẽ thực hiện vào cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ (Tiểu vùng 2 và 3 bắc Cà Mau trên địa bàn hai huyện U Minh và Trần Văn Thời) với diện tích 90.000 ha…Theo Cục thủy lợi, đây là đề xuất có cơ sở nhưng cần nghiên cứu, đánh giá thật kỹ trước khi triển khai thực hiện.