Tại tỉnh Hà Tĩnh, đường Trường Sơn được bắt đầu từ ngã ba Lạc Thiện (huyện Đức Thọ), đi qua những ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, bến phà Địa Lợi, men theo sông Ngàn Sâu hiền hòa ngược La Khê (xã Hương Trạch, huyện Hương Khê), rồi nối tuyến sang địa phận tỉnh Quảng Bình. Trên cung đường ấy, mỗi tấc đất, mét đường hay từng cây cỏ đều thấm đượm mồ hôi, xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ, bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và người dân địa phương.
Nhớ về những ngày tháng hào hùng, tham gia bảo đảm đường thông suốt trên trận địa Đồng Lộc, Anh hùng Uông Xuân Lý, nguyên Tổ trưởng Tổ máy gạt, thuộc Đội thi công cơ giới của Ty Giao thông Hà Tĩnh, xúc động kể: Nhắc đến Đồng Lộc, với tôi cảm giác vẫn còn nguyên vẹn như ngày hôm qua, đó là cảnh trời nắng như thiêu, như đốt, đất đai nhuộm một mầu trắng xóa bởi sự tàn phá của bom đạn, xe của bộ đội ta bị địch ném bom cháy hôm trước, hôm sau lại bị chúng đánh bom tiếp. Thế nhưng vượt lên tất cả, quân và dân ta vẫn chiến đấu quên mình để giữ cho mạch đường thông suốt. Trên cung đường huyền thoại ấy, ngoài những Đồng Lộc, Khe Giao đã đi vào thơ, nhạc, còn có những dấu tích hào hùng mà lịch sử mãi khắc ghi bởi sự chiến đấu quả cảm của quân và dân nơi đây như bến phà Địa Lợi. Đại tá Trần Kỷ, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: Thời điểm từ năm 1965 đến 1968, bến phà Địa Lợi là một trong những “huyết mạch giao thông” quan trọng trên con đường chiến lược Trường Sơn. Máy bay Mỹ đã ném xuống bến phà Địa Lợi đủ các loại bom từ trường, bom bi, thủy lôi. Địch càng đánh phá ác liệt thì quân và dân ta càng quyết tâm bám trụ, với khẩu hiệu “một tấc không đi, một li không rời”.
60 năm đi qua, địa bàn có đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa “bom cày, đạn xới” nay khoác lên mình một mầu xanh mới, đó là mầu xanh của ấm no, của sự sống phát triển không ngừng. Từ ngã ba Đồng Lộc - trọng điểm đánh phá ác liệt trên cung đường huyền thoại giờ đây đã có sự đổi thay ngỡ ngàng; những đồi cây trái xanh mướt phủ quanh những ngôi nhà cao tầng, minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của đất và người nơi đây. Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Lộc Trần Đình Vương chia sẻ: Những năm qua, các cấp, các ngành từ T.Ư tới địa phương đã sớm có chủ trương đầu tư xây dựng và phát triển thị trấn Đồng Lộc trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng tây nam huyện Can Lộc. Tiếp bước cha anh, nhân dân thị trấn Đồng Lộc nhiệt thành đóng góp công sức, cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng quê hương. Nhờ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, nhiều năm liền, thị trấn Đồng Lộc đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng nông nghiệp giảm dần; tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại tăng. Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, hệ thống các công trình hạ tầng đã và đang được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ. Đồng Lộc giờ đây đã khang trang diện mạo mới, trở thành đô thị loại V của tỉnh Hà Tĩnh.
Rời Đồng Lộc, dọc theo quốc lộ 15A là lên xã Hương Đô (huyện Hương Khê) - nơi có quần thể Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Khu di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500. Hương Đô đang là điểm sáng về phát triển kinh tế trang trại, với thương hiệu cam Khe Mây. Trải dài hai bên quốc lộ 15A thuộc địa phận xã Hương Đô là những đồi cam ngút ngàn, trĩu quả. Với lợi thế khí hậu, chất đất và sự cần cù, chịu khó của người dân, thương hiệu cam Khe Mây đã nổi tiếng khắp cả nước. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, diện tích trồng cam của xã Hương Đô hiện khoảng hơn 360 ha, với các loại cam chanh, cam sành, cam bù. Ước tính năng suất dao động từ 9,5 đến 10 tấn/ha. Hộ trồng cam ít nhất khoảng ba sào, hộ nhiều nhất khoảng 6 ha, thu nhập bình quân nhờ trồng cam từ 100 triệu đến hơn một tỷ đồng/hộ/vụ. Là một trong những hộ có vườn cam ngon nhất xã, anh Đinh Văn Nhâm (thôn 1, xã Hương Đô), phấn khởi cho biết: Gia đình tôi trồng 4 ha, với 4.000 gốc cam, năm nay dự kiến cho thu hoạch 3 ha, với doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng. Cam được trồng theo quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP. Anh Nhâm đồng thời cũng là Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm, với 29 hộ thành viên cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Mỗi thành viên tham gia hợp tác xã đều được hỗ trợ vốn, kỹ thuật và liên kết bao tiêu sản phẩm. Đến nay, tổng diện tích trồng cam của Hợp tác xã nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm là 68 ha; trong đó, số cây cam trên diện tích 30 ha đã cho thu hoạch, dự kiến năm 2019 đem lại khoảng chín tỷ đồng.
Từ xã Hương Đô theo con đường đi giữa những đồi chè xanh mướt, trang trại bưởi trĩu quả, chúng tôi đến xã Hương Trạch, điểm cuối của đường Trường Sơn đoạn qua Hà Tĩnh. Là địa phương tiếp giáp tỉnh Quảng Bình, Hương Trạch có hơn 12 km Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh chạy qua. Mảnh đất này trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là mục tiêu địch đánh phá ác liệt, với nhiều trọng điểm như: Cầu La Khê, cầu Cháy, cầu Khe Mơ, lèn Phú Lễ… Hàng nghìn tấn bom, đạn của đế quốc Mỹ đã ném xuống vùng đất này, nhằm cắt đứt giao thông huyết mạch vận tải hàng và vũ khí từ bắc vào nam. Đặc biệt, trận bom lịch sử vào ngày 9-2-1966, Mỹ ném 58 quả bom xuống địa bàn xã Hương Trạch, trong đó, sáu quả trúng vào Trường cấp II Hương Phúc đang trong giờ học, cướp đi sinh mạng của 33 em học sinh lớp 5, 24 học sinh và thầy giáo bị thương, cùng nhiều người dân, thanh niên xung phong bị chết.
Chiến tranh qua đi, nén đau thương bằng hành động, người dân Hương Trạch lại hăng hái tay cày, tay cuốc, nỗ lực xây dựng quê hương. Đồng chí Đào Thị Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hương Trạch cho biết: Với lợi thế có đường Hồ Chí Minh chạy qua, cùng với phát triển kinh tế vườn hộ, các hộ dân sống ven trục đường đã mở mang thêm nhiều ngành nghề dịch vụ để tăng thu nhập. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39,35 triệu đồng/người/năm. Kinh tế vườn, trang trại phát triển cả về số lượng và quy mô sản xuất; chất lượng sản phẩm cây ăn quả được nâng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Giá trị thu nhập từ bưởi Phúc Trạch và cam các loại ước đạt 44 tỷ đồng. Địa phương cũng đã xây dựng thành công mô hình thâm canh bưởi Phúc Trạch đạt chuẩn VietGAP, diện tích 10 ha. Với những thành tựu nêu trên, năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hương Trạch kỷ niệm 50 năm vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đồng thời đón Bằng đạt chuẩn nông thôn mới trong dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại.
Xanh thắm đường Trường Sơn
Đường Trường Sơn đã đi vào lịch sử, trở thành con đường huyền thoại, biểu tượng cho khát vọng độc lập thống nhất của dân tộc Việt Nam anh hùng. Sáu mươi năm sau ngày mở đường, trên cung đường huyền thoại đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mầu xanh thắm của ấm no được vẽ lên bởi những bàn tay, khối óc và niềm tin của người dân nơi đây.
Quốc lộ 15A - đường Trường Sơn năm xưa, đoạn qua xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày nay. |