Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như sau:
Xăng E5RON92 không cao hơn 20.878 đồng/lít (tăng 390 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1,137 đồng/lít.
Xăng RON95-III không cao hơn 22.015 đồng/lít (tăng 516 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 17.943 đồng/lít (giảm 11 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành).
Dầu hỏa: không cao hơn 17.771 đồng/lít (giảm 198 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.883 đồng/kg (giảm 275 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Diễn biến giá xăng dầu từ đầu năm 2023 đến nay. Đồ họa: Bảo Minh |
Tại kỳ điều hành lần này, nhà điều hành quyết định thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92, RON95, dầu diesel, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Không chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Trong chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ ngày 22/5/2023 đến trước thời điểm 15 giờ ngày 1/6/2023, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex ước trích 85 tỷ đồng; ước chi 0 đồng; ước tồn 3.005 tỷ đồng (đây là số ước tính và đã được làm tròn số).
Việc trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu áp dụng từ 15 giờ ngày 1/6.
Việc áp dụng mức giá bán đối với các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quy định, nhưng không muộn hơn 15 giờ 00’ ngày 1/6 đối với các mặt hàng giảm giá và không sớm hơn 15 giờ ngày 1/6 đối với các mặt hàng tăng giá.
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 22/5/2023-1/6/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: ảnh hưởng từ các động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+; những lo ngại về vấn đề trần nợ công của Mỹ; hoạt động công nghiệp bị đình trệ và lãi suất cao hơn làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế… Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen.