Những việc làm phiền dân

Xâm hại di tích khảo cổ học và làm khổ người dân

Nhiều bạn đọc phản ánh, hang động Lạng Nắc, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích khảo cổ cấp quốc gia theo Quyết định số 77-2004/QĐ-BVHTT, ngày 23-8-2004. Hiện nay do việc khai thác đá môi trường khu vực chung quanh di tích bị ảnh hưởng bởi đất đá và bụi...; hành lang khu di tích bị xâm hại nghiêm trọng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt của người dân chung quanh.

Hang Lạng Nắc, còn có tên gọi khác là hang Miệng Hổ, hoặc Pác Gảc (tên gọi của người dân địa phương), nằm trong dãy núi đá vôi Mai Sao, ngay cạnh Km 32, quốc lộ 1A (cũ). Đây là cửa ngõ vào Khu di tích lịch sử Chi Lăng. Hang Lạng Nắc ở độ cao khoảng 100 m, so với mặt thung lũng. Cửa Hang rộng 18 m, cao 16 m, hướng về phía đông. Dưới chân núi hang Lạng Nắc có con suối Mai Sao, là đầu nguồn của sông Thương. Hang Lạng Nắc nằm trong một hệ sinh thái đa dạng, có núi đá, núi đất, đồi, thung lũng, sông suối..., được nhân dân địa phương phát hiện và thông báo với Ty Văn hóa Lạng Sơn (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh), Viện Khảo cổ học Việt Nam vào năm 1968. Từ tháng 7-1970, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Ty Văn hóa Lạng Sơn đã thám sát hang Lạng Nắc lần đầu. Sau ba đợt khảo sát di chỉ khảo cổ học hang Lạng Nắc, các nhà khoa học phát hiện hàng nghìn di vật, hiện vật là những công cụ điển hình của người tiền sử. Một số di chỉ được lưu giữ tại Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Các mảnh tước ở hang Lạng Nắc có niên đại sớm hơn văn hóa Bắc Sơn... Việc phát hiện di chỉ khảo cổ học Lạng Nắc có một ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu người tiền sử, khẳng định mảnh đất Chi Lăng từ xa xưa đã có người tiền sử tới cư trú và sinh sống, trong đó hang Lạng Nắc là một di chỉ điển hình.

Liền kề hang Lạng Nắc về phía bắc chỉ vài trăm mét cùng dãy núi đá còn có rất nhiều hang động khác. Anh Vi Văn Sáy, người cao tuổi ở thôn Hòa Mục (xã Mai Sao) cho biết, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân trong làng, du kích và bộ đội đã vào các hang động ở đây sinh sống, lập kho chứa thóc, chống giặc. Nhưng tiếc thay, hơn ba năm nay, Công ty TNHH đá Thượng Thành tổ chức khai thác đá, nhiều hang động đã bị phá. Dãy núi này đang có nguy cơ bị san phẳng, uy hiếp đến hang Lạng Nắc. Hiện nay, công ty vừa khai thác đá, lại vừa xây trạm trộn bê-tông... Đáng chú ý, khu vực này đều nằm trong khu vực II, khu vực III, cần được bảo vệ theo Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN7, ngày 4-4-1984 về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.

Công ty TNHH đá Thượng Thành khai thác đá mấy năm nay, không chỉ tác động xấu đến cảnh quan chung quanh khu vực di tích khảo cổ hang Lạng Nắc, mà còn gây ảnh hưởng môi trường khiến người dân nơi đây phải sống chung với bụi, tiếng ồn; nhiều loại cây trồng không phát triển nổi. Hiện nay, quốc lộ 1A cũ đi qua khu vực công ty đang khai thác, đá trên núi có thể bị lở xuống, gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông. Đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng ở Lạng Sơn có biện pháp ngăn chặn, gìn giữ cảnh quan môi trường chung quanh khu vực hang Lạng Nắc đồng thời bảo đảm an toàn cho việc đi lại, sinh hoạt cho người dân.