Có mặt tại trụ sở từ sớm để chuẩn bị cho ngày làm việc mới sau thời gian giãn cách, 18 cán bộ, công chức và nhân viên của phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) nhanh chóng bắt tay vào công việc. Những giấy hướng dẫn phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K bị ướt sau cơn mưa đêm 13/10 đã được thay mới. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, phường đã bố trí các vị trí cho công dân ngồi chờ bảo đảm giãn cách.
Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám Nguyễn Cảnh Quang cho biết: Ngay sau khi có Công điện số 21 của UBND thành phố Hà Nội, phường đã xây dựng lại kế hoạch công tác, để mọi công việc diễn ra thông suốt, đạt hiệu quả cao nhất. Sáng 14/10, toàn thể cán bộ của UBND phường, gồm 15 cán bộ, công chức và ba nhân viên đã có mặt để làm việc tại trụ sở. Riêng cán bộ của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của phường đã đi làm đủ từ ngày 21/9 để đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân.
Từ ngày 21/9 khi TP Hà Nội nới lỏng giãn cách, cán bộ bộ phận “một cửa” của tất cả các đơn vị đã đi làm trở lại với 100% nhân lực. Các bộ phận khác được sắp xếp 50% làm việc trực tiếp, 50% làm việc trực tuyến và thay đổi theo tuần.
Mặc dù vậy, thành phố vẫn khuyến khích các cơ quan, tổ chức làm việc trực tuyến. Tại một số đơn vị trung ương trên địa bàn, vẫn duy trì một bộ phận làm việc tại nhà. Tổng cục Thuế giao thủ trưởng các đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao chủ động bố trí, sắp xếp công chức, viên chức, người lao động của đơn vị làm việc trực tiếp tại trụ sở và làm việc trực tuyến tại nhà, theo nguyên tắc số người làm việc trực tuyến tại nhà không quá 30%. Người lao động đến làm việc tại trụ sở phải tuân thủ nguyên tắc 5K, khai báo y tế hằng ngày.
Từ sáng 14/10, dịch vụ ta-xi và xe buýt đã được hoạt động, nhưng số lượng hành khách khá thưa thớt. Sau hơn hai tháng phải đi xe máy từ nhà ở quận Hà Đông lên phố Giảng Võ (quận Ba Đình) làm việc, anh Nguyễn Huy Hùng ở phường Dương Nội (quận Hà Đông) rất phấn khởi khi lên xe buýt đi làm: “Sáng qua, tuyến xe buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã khá vắng khách, có lẽ do nhiều người chưa biết thông tin này. Đường thông thoáng, trên xe hành khách được bố trí ngồi giãn cách, thực hiện xịt khuẩn, đeo khẩu trang đầy đủ, cho nên tôi khá yên tâm”.
Anh Nguyễn Văn Minh, lái xe buýt Xí nghiệp Cầu Bươu giải thích, do học sinh, sinh viên vẫn học trực tuyến tại nhà, cho nên lượng người đi xe còn ít. Lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, trong những ngày đầu hoạt động trở lại, đơn vị bố trí 50% số lượt chạy xe (với 5.351 lượt xe/ngày). Tất cả các xe đều bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch như: khử khuẩn và vệ sinh phương tiện, trang bị nước khử khuẩn, mã QR khai báo y tế điện tử cho hành khách, sổ thông tin khách đi xe. Ngoài ra, mỗi xe sẽ chở không quá 50% số chỗ; lái xe và nhân viên phục vụ đều được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin theo quy định.
Anh Lê Văn Giang - lái xe ta-xi cho biết, được hoạt động trở lại, anh rất phấn khởi; dù lượng khách đi xe còn khá thưa vắng. Anh mong thành phố kiểm soát dịch tốt để mọi việc trở về bình thường.
Ngày 14-10, hầu hết các bảo tàng tại Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị để đón khách trở lại. Đại diện các bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Chiến thắng B52, Phụ nữ Việt Nam cho biết, các đơn vị này sẽ phun khử khuẩn trong ngày 15/10, để kịp đón khách vào dịp cuối tuần. Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.550 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề.
Các doanh nghiệp đều mong mỏi ngày mở cửa, nhưng trong ngày đầu tiên thành phố cho phép các khách sạn mở cửa trở lại, phần lớn khách sạn đều đóng cửa vì hầu như chưa có khách du lịch đến Hà Nội. Trong ngày 14/10, phần lớn khách sạn thực hiện công tác vệ sinh trước khi mở cửa. Chỉ một số khách sạn vẫn hoạt động cầm chừng thời gian qua là sẵn sàng đón khách. Ông Bùi Quốc Tuấn, đại diện khách sạn La Casa Hà Nội (phố Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) cho biết, hiện khách sạn có 10 phòng có khách là chuyên gia nước ngoài lưu trú dài hạn. Khi thành phố Hà Nội cho phép mở cửa đón khách, khách sạn vẫn phải chờ hướng dẫn thêm từ ngành du lịch.
Từ 6 giờ sáng 14/10, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ. Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân tới các cửa hàng để thưởng thức bát phở nóng. Anh Dương Minh Hiếu (ở phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Dù sáng qua trời lất phất mưa, nhưng tôi vẫn đến quán phở quen để ăn sáng. Sau đó rẽ vào một quán cà-phê để gọi một cốc “nâu nóng”. Đây là cái thú của người Hà Nội mà lâu lắm rồi tôi mới được tận hưởng”.
Hầu hết các cửa hàng bán đồ ăn uống đều có mã QR để khách khai báo khi đến mua hàng. Anh Nguyễn Kim Sơn, chủ cửa hàng Bún bò Huế, đường Cầu Diễn cho biết: “Chúng tôi đã vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn cửa hàng và lắp đầy đủ vách ngăn trên bàn ăn. Hầu hết khách hàng đều thích được ăn ngay tại chỗ để đồ ăn ngon lành, nóng sốt. Doanh thu cửa hàng trong sáng 14/10 gấp nhiều lần so với những ngày chỉ bán hàng mang về”.
Nhưng cũng có thời điểm, các quán đông khách nên không đáp ứng được tiêu chí phục vụ 50% công suất. Tại hàng Phở Thìn trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), các cửa hàng phở trên phố Hàng Muối, mỳ vằn thắn trên phố Đinh Liệt, cà-phê trên phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), lượng khách đông, ngồi kín hết các bàn. Việc quét mã QR khai báo y tế cũng chủ yếu dựa vào ý thức chủ động của khách hàng, còn chủ quán, nhân viên mải phục vụ, cho nên hiếm khi yêu cầu hoặc nhắc nhở khách thường xuyên.
Trao đổi về việc thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của TP Hà Nội trong tình hình mới, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thành phố quyết tâm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. Trong đó, thành phố mở lại các hoạt động nhưng không nóng vội, làm từng bước thận trọng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô. Để đẩy mạnh phục hồi kinh tế, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành nắm rõ thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Sáng 14/10, tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thành phố mở lại các hoạt động nhưng không nóng vội, làm từng bước thận trọng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô; mở ra nhưng phải theo nguyên tắc, có trật tự, người từ các địa phương vào thành phố vẫn phải đáp ứng các điều kiện an toàn. Nhấn mạnh tầm quan trọng phải đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành nắm chắc thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, sớm đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.