Xác định không gian, động lực phát triển dài hạn cho Tây Ninh

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1736/QÐ-TTg ngày 29/12/2023. Trước đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, cũng ban hành Nghị quyết 117 thông qua Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã xác định tầm nhìn, không gian phát triển, động lực phát triển dài hạn cho Tây Ninh trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Tây Ninh.
Một góc thành phố Tây Ninh.

Theo Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, Nghị quyết 117 đã nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tây Ninh dựa trên 7 trụ cột: Phát triển nhanh, bảo đảm hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, trong đó ưu tiên tập trung phát triển vùng động lực phía nam và vùng trung tâm, chú trọng bảo vệ môi trường; các mục tiêu cao cần vạch ra lộ trình thực tế, rõ ràng và vừa sức, dựa trên phân tích tính ưu tiên trong thực thi, thiết kế chính sách mềm dẻo, có phương án thích nghi với các biến động của khu vực và thế giới; chính quyền kiến tạo, liêm chính, năng động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, tạo động lực, khai thác tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững; chủ động tận dụng cơ hội từ quá trình lan tỏa phát triển hạ tầng giao thông kết nối, phát triển công nghiệp, đô thị-thương mại-dịch vụ vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Ðông Nam Bộ; giảm lệ thuộc tài nguyên, ưu tiên đầu tư nguồn lực con người và công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; thay đổi tư duy từ sản xuất, kinh doanh đơn thuần sang kinh tế tuần hoàn có giá trị gia tăng cao, khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại hiện đại, phi truyền thống như thương mại điện tử, khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm an ninh-quốc phòng, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, đặc biệt chú trọng ở các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.

Theo quy hoạch, tỉnh Tây Ninh tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội theo “ba vùng phát triển, bốn trục động lực, một vành đai an sinh xã hội”. Cụ thể Vùng 1 gồm thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía nam huyện Dương Minh Châu. Vùng này phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ kết nối với hồ Dầu Tiếng và nông nghiệp công nghệ cao. Trung tâm phát triển của vùng là tam giác Trảng Bàng-Phước Ðông-Gò Dầu; Vùng 2 gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía đông huyện Châu Thành.

Vùng này là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến gồm công nghiệp hỗ trợ, chế biến, nông nghiệp công nghệ cao; Vùng 3 gồm huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía tây huyện Châu Thành và phía bắc huyện Bến Cầu. Ðây là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng an sinh xã hội, du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò-Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ Ðông.

Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh xác định, đến năm 2030, phấn đấu tỉnh có 16 đô thị: đô thị loại II là thành phố Tây Ninh (định hướng quy hoạch, tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I); đô thị loại III gồm: thị xã Trảng Bàng, Hòa Thành và huyện Gò Dầu (bao gồm cả Phước Ðông); đô thị loại IV gồm: các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, 2 đô thị mới Bến Cầu, Dương Minh Châu (bao gồm cả xã Bàu Năng); đô thị mới loại V gồm các xã Tân Lập, Mỏ Công, Trà Vong thuộc huyện Tân Biên; xã Tân Ðông, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu và xã Thái Bình, Thanh Ðiền thuộc huyện Châu Thành.

Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh xác định bốn trục phát triển gồm trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu-Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển bắc-nam chính của tỉnh; trục số 2 gắn với tuyến đường N2 và Quốc lộ 22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương, Vương quốc Campuchia theo hướng đông-tây cho vùng phía nam, kết nối với Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành; trục số 3 gắn với tuyến Ðất Sét-Bến Củi-Bến Cầu là tuyến vành đai trung chuyển hàng hóa giữa Khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Ðức, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các nút giao với đường cao tốc, kết nối về phía đông đi Bình Dương và Tây Nguyên; trục số 4 gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương, Vương quốc Campuchia theo hướng đông-tây cho vùng trung tâm.

Trên cơ sở Quyết định 775/QÐ-TTg ngày 8/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5%; cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%, công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 58%, dịch vụ chiếm 25%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 210 triệu đồng (tương đương khoảng 7.700 USD); phấn đấu du lịch đóng góp hơn 10% GRDP...