WHO kêu gọi Trung Đông cung cấp thêm thông tin, châu Phi áp dụng bài học từ dịch Ebola

NDO -

NDĐT - Trung Đông tiếp tục công bố nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 sau khi số ca nhiễm mới tại các nước Iran, Qatar, Israel liên tục tăng. Trong khi đó, với những bài học rút ra từ đợt bùng phát Ebola năm 2014-2015, một số nước châu Phi dù chưa ghi nhận ca bệnh Covid-19 nào nhưng đã chủ động phòng ngừa dịch bệnh.

Bé gái người Senegal rửa tay trước khi vào nhà. (Ảnh: Reuters)
Bé gái người Senegal rửa tay trước khi vào nhà. (Ảnh: Reuters)

Dịch Covid-19 tại Trung Đông chưa có dấu hiệu chậm lại

Tại Trung Đông, Iran vẫn là điểm nóng nhất về dịch bệnh với 17.361 ca mắc và 1.135 ca tử vong do Covid-19. Đứng sau Iran là Qatar, quốc gia đã ghi nhận 442 ca bệnh Covid-19. Nhằm ứng phó tình hình dịch bệnh, Ủy ban cấp cao quản lý khủng hoảng của Qatar thông báo, nước này sẽ đóng cửa một phần khu công nghiệp tập trung trong thời gian 14 ngày và người lao động làm việc trong khu vực bị đóng cửa vẫn được trả lương. Ngoài ra, Qatar cũng đã lệnh đóng cửa toàn bộ cửa hàng, trừ cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc.

Bộ Y tế Israel vừa cho biết, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng 40% trong 24 giờ qua, từ 304 ca (sáng 17-3) lên 427 ca (sáng 18-3), trong đó năm người đang nguy kịch. Israel chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do Covid-19. Theo Bộ Y tế, số ca bệnh tại Israel sẽ tăng nhanh hơn khi nước này tiến hành xét nghiệm cho đông đảo người dân. Bộ trưởng Y tế Moshe Bar Siman-Tov cảnh báo, Israel có thể đối mặt tình trạng có thêm hàng trăm người bệnh mỗi ngày và thậm chí nhiều hơn thế. Theo Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Israel sẽ tiến hành ít nhất 3.000 xét nghiệm SARS-CoV-2 mỗi ngày.

Từ ngày 17-3, nội các Israel đã thông quy định khẩn cho phép Cơ quan An ninh nội địa nước này khai thác dữ liệu di động để truy tìm lịch sử đi lại của người nhiễm virus SARS-CoV-2. Các nhà chức trách cho biết, công nghệ này sẽ được áp dụng trong hai tuần tới với mục đích ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và sau đó sẽ bị hủy bỏ. Bộ Y tế Israel sẽ sử dụng các dữ liệu thường được dùng trong hoạt động chống khủng bố này để phát hiện vị trí và cảnh báo những người đã tiếp xúc gần với người bệnh Covid-19.

Bộ Y tế Israel trước đó đã ra chỉ thị đóng cửa các địa điểm như trường học, trung tâm thương mại, nhà hàng, nhà hát, bãi biển, công viên và cấm các hoạt động tập trung hơn 10 người. Tuy nhiên, người dân Israel vẫn có thể đi làm, đi mua thực phẩm, thuốc men, và ra ngoài tập thể dục trong thời gian ngắn.

A-rập Xê-út đã quyết định tạm ngừng hoạt động của nhiều lĩnh vực tư, trừ dịch vụ y tế và thực phẩm, trong vòng 15 ngày. Đến nay, nước này đã ghi nhận 171 ca mắc Covid-19 và triển khai nhiều biện pháp để hạn chế dịch bệnh lây lan, trong đó có đóng cửa nhà thờ và thông báo triệu tập hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo G20 vào tuần tới thông qua chế độ họp trực tuyến.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quốc gia Trung Đông cần cung cấp nhiều thông tin hơn về các ca bệnh Covid-19 để giúp đẩy mạnh cuộc chiến chống dịch bệnh trong khu vực. Ông Ahmed Al-Mandhari, Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO cho rằng, khi việc tiếp cận thông tin được cải thiện, WHO sẽ có thể theo dõi chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh và nhanh chóng áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng đúng đắn. Ông Mandhari cho rằng cách xử lý của các nước Trung Đông trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 cho đến nay là “không đồng đều”. Tuy nhiên, quan chức này thừa nhận rằng WHO nhận thấy các quốc gia Trung Đông đã đẩy mạnh giám sát, tiến hành xét nghiệm và hỗ trợ các gia đình có người thân đang được cách ly, song hối thúc khu vực này cần làm nhiều hơn nữa để kiểm soát dịch bệnh.

Châu Phi chủ động phòng ngừa dịch bệnh

Từ năm 2013 đến năm 2016, dịch Ebola đã cướp đi tính mạng hơn 11 nghìn người tại khu vực Tây Phi, chủ yếu là tại Guinea, Liberia và Sierra Leone. Dịch bệnh này dù đã tàn phá nhiều cộng đồng tại “lục địa đen” nhưng cũng để lại không ít bài học quý giá.

Vào thời điểm hiện tại, các bệnh viện trên khắp châu Phi đã quá tải vì bệnh sởi, bệnh sốt rét và các bệnh lây nhiễm gây chết người khác. Xung đột cũng làm hàng trăm nghìn người phải di dời và tàn phá kết cấu hạ tầng. Do đó, biện pháp yêu cầu người bệnh tự cách ly trong nhà để phòng chống Covid-19 như các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và châu Á đang triển sẽ không đạt hiệu quả tại nhiều khu vực ở châu Phi, nhất là đối với những gia đình sống chung trong một căn phòng, dùng nhà vệ sinh công cộng và phải chật vật kiếm ăn từng ngày.

Liberia đang áp dụng bài học rút ra từ đợt bùng phát Ebola năm 2014-2015 vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay. Quyền Tổng Giám đốc Viện Y tế cộng đồng quốc gia Liberia Mosoka P. Fallah cho biết, Liberia là một trong những nước đầu tiên bắt đầu tăng cường sàng lọc hành khách tại sân bay từ ngày 25-1. Hơn 200 người được đào tạo về dịch tễ và kiểm tra sức khỏe đã có mặt tại toàn bộ 90 khu vực trên toàn quốc. Nếu xuất hiện ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 thì mẫu bệnh phẩm sẽ được chuyển tới phòng thí nghiệm và kiểm tra. Các điểm rửa tay được đặt tại địa điểm có nhiều người qua lại như nhà hàng, trường học, bệnh viện, cơ quan chính phủ.

Dù mới chỉ ghi nhận ba ca mắc Covid-19 nhưng Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, vẫn khẩn trương tăng cường số giường bệnh cách ly và cung cấp nhiều chương trình đào tại y tế chuyên sâu và thiết bị y tế tại các bệnh viện nhà nước. Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Nigeria Chikwe Ihekweazu thừa nhận: “Hệ thống y tế của chúng tôi chưa mạnh như chúng tôi mong muốn. Do hơi lo lắng về năng lực ứng phó khi dịch bệnh lan rộng cho nên chúng tôi phải tập trung rất nhiều vào ngăn chặn và phát hiện sớm các ca bệnh”.

Ngay cả các nước chưa ghi nhận ca bệnh Covid-19 nào tại châu Phi cũng đã có động thái phòng, chống dịch. Chính phủ Mali hôm qua quyết định hủy mọi chuyến bay thương mại đến từ các quốc gia có dịch, trong khi Niger sẽ hoãn các chuyến bay quốc tế và đóng cửa biên giới trên đất liền trong vòng hai tuần, kể từ ngày 19-3.

Madagascar, một trong những nước nghèo nhất thế giới, ngày 17-3, đã quyết định hủy mọi chuyến bay đến và rời khỏi nước này trong vòng 30 ngày. Biện pháp hạn chế vừa nêu được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của quốc đảo này.

Ai Cập hôm qua đã ghi nhận hai ca tử vong và 30 ca bệnh mới, nâng tổng số ca tử vong và mắc bệnh tại nước này lên lần lượt là sáu và 196. Đầu tuần này, Bộ Du lịch Ai Cập thông báo tạm ngừng hoạt động vận tải hàng không tại các sân bay trong nước từ ngày 19 đến 31-3 nhưng vẫn mở cửa không phận để cho phép du khách trở về nhà.

Trong vòng một tháng, số quốc gia châu Phi có phòng thí nghiệm có năng lực chẩn đoán Covid-19 đã tăng từ hai lên 39. Tuy nhiên, vẫn có tám nước châu Phi chưa có phòng thí nghiệm này. Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi đang làm việc với WHO để tăng cường sự phối hợp khẩn cấp, cải thiện công tác xét nghiệm và giám sát, trang bị cho các trung tâm điều trị bệnh tại lục địa này.

* Trung Đông triển khai biện pháp mạnh ngăn chặn Covid-19

* Dịch Covid-19 lan tới 18 nước châu Phi