Trong một thông cáo báo chí đăng tải ngày 7/4, WHO cho biết cứ 14 giây tại khu vực Tây Thái Bình Dương lại có một người tử vong do ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tính trên quy mô toàn cầu, hơn 90% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí có hại, là hệ quả từ việc sử dụng các loại nhiên loại hoá thạch gây ô nhiễm môi trường.
WHO cảnh báo, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều rủi ro về sức khoẻ của người dân trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Nhiệt độ trái đất ấm lên làm gia tăng phạm vi lây truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm liên quan đến thời tiết khắc nghiệt.
Năm 2020 và 2021 là 2 trong số 7 năm ấm nhất được ghi nhận, với các đợt hạn hán, sóng nhiệt, bão, lũ lụt và cháy rừng kỷ lục đã thách thức năng lực của các hệ thống y tế ở Tây Thái Bình Dương trong việc bảo vệ và cứu sống người dân khỏi đại dịch Covid-19 đồng thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp liên quan đến khí hậu.
Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, nhấn mạnh: “Nếu không khẩn trương hành động, chúng ta đang mạo hiểm với sức khỏe của mình trong tương lai. Con cháu của chúng ta sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi nhiều nhất. Nhân loại phải hành động ngay trong hôm nay”.