WHO cảnh báo nhiều nước đang đi sai hướng

NDO -

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiều nước đang đi sai hướng khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Virus SARS-CoV-2 vẫn là kẻ thù số một của cộng đồng nhưng hành động của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều này. 

Người dân đến làm việc tại một cơ quan nhà nước ở Baltimore, Mỹ, ngày 13-7. (Ảnh: AP)
Người dân đến làm việc tại một cơ quan nhà nước ở Baltimore, Mỹ, ngày 13-7. (Ảnh: AP)

Trong cuộc họp báo ngày 13-7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, một ngày trước đó, cơ quan này nhận được báo cáo về 230 nghìn ca mắc mới. Gần 80% số ca mới được ghi nhận tại 10 nước, có tới 50% số ca mới được phát hiện tại hai quốc gia. 

Dù số ca tử vong tính theo ngày duy trì tương đối ổn định, nhưng WHO cho rằng vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại. Mọi quốc gia đều có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19, nhưng các nước không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh theo cùng một cách.  

Bốn trạng thái phổ biến

WHO đã xếp các quốc gia trên thế giới vào bốn trạng thái phổ biến. Đầu tiên là nhóm những nước cảnh giác và nhận thức được tình hình, họ chuẩn bị và ứng phó khẩn trương và có hiệu quả đối với những ca bệnh đầu tiên. Do đó, nhóm nước nêu trên đã tránh được các đợt bùng phát lớn. Các nước thuộc trạng thái đầu tiên gồm một số quốc gia tại vùng Mê Kông, Thái Bình Dương, Caribe và châu Phi. Lãnh đạo của những nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp và thông tin cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc phải thực hiện. Ngoài ra, các nước này còn theo đuổi chiến lược toàn diện để tìm kiếm, cách ly, xét nghiệm và chăm sóc người bệnh, đồng thời truy vết và cách ly người tiếp xúc với người bệnh, do đó có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.

Thứ hai là nhóm các nước đã kiểm soát được một đợt bùng phát lớn thông qua kết hợp giữa sự kiên quyết của các nhà lãnh đạo và sự tuân thủ các biện pháp y tế công cộng then chốt của người dân. Nhiều quốc gia tại châu Âu và một số khu vực khác đã chứng minh rằng chúng ta có thể kiểm soát những đợt bùng phát lớn. 

Thứ ba là nhóm các nước đã qua đỉnh dịch đầu tiên và nới lỏng các biện pháp hạn chế, sau đó phải đương đầu với đỉnh dịch mới và số ca bệnh gia tăng. Một số quốc gia đang chứng kiến “sự gia tăng nguy hiểm của số ca nhiễm” và bệnh viện đông đúc trở lại. 

Thứ tư là nhóm các nước đang trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành dữ dội. Thực trạng này xuất hiện trên khắp châu Mỹ, Nam Á và một số nước tại châu Phi. Tâm dịch hiện vẫn nằm tại châu Mỹ, nơi chiếm hơn 50% tổng số ca bệnh trên toàn thế giới.

Theo WHO, từ thực tế tại hai nhóm nước đầu tiên, có thể nhận thấy không bao là giờ quá muộn để kiểm soát virus SARS-CoV-2, ngay cả khi chủng virus này đã lây lan với cường độ lớn. 

WHO cảnh báo nhiều nước đang đi sai hướng -0
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)

Nhiều nước đang đi sai hướng 

WHO cho rằng, virus SARS-CoV-2 vẫn là kẻ thù số một của cộng đồng nhưng hành động của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều này. Tình hình sẽ ngày càng tồi tệ hơn nếu các chính phủ không có kế hoạch truyền thông rõ ràng và thực hiện chiến lược toàn diện tập trung vào ngăn chặn virus lây lan và cứu người; nếu người dân không tuân thủ các quy định cơ bản về y tế công cộng như giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang, che miệng khi ho, ở nhà khi bị ốm. WHO nhấn mạnh, mỗi nhà lãnh đạo, mỗi chính phủ và mỗi người đều có thể góp sức phá vỡ chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2.

Tổng Giám đốc Ghebreyesus lưu ý, ngoài ứng phó đại dịch, các nhà chức trách còn phải giải quyết nhiều vấn đề về y tế, kinh tế, xã hội và văn hóa. Theo báo cáo mới nhất về “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới”, gần 690 triệu người đã sống trong cảnh đói trong năm 2019. Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ tác động của đại dịch Covid-19, nhưng báo cáo nêu trên đưa ra số liệu đáng quan tâm, sẽ có thêm 130 triệu người có thể không có đủ lương thực vào cuối năm nay. 

Người đứng đầu WHO khẳng định, trong tương lai có thể nhìn thấy trước, thế giới sẽ không thể quay trở lại “trạng thái bình thường cũ”. Tuy nhiên, WHO sẽ có lộ trình để thế giới tiếp cận trạng thái mà ở đó dịch bệnh được kiểm soát và mọi người tiếp tục cuộc sống của mình. 

“Không có con đường tắt để thoát khỏi đại dịch này. Chúng ta đều hy vọng sẽ có vaccine ngừa bệnh hiệu quả, song chúng ta cần tập trung vào những công cụ chúng ta đang có để kiểm soát sự lây nhiễm và cứu người”, Tổng Giám đốc WHO nói.

Trong diễn biến liên quan, cũng tại cuộc họp báo ngày 13-7, ông Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO thông báo, nhóm gồm hai thành viên của WHO đã tới Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Theo quy định, hai chuyên gia này đang được cách ly trước khi bắt đầu làm việc với các nhà khoa học Trung Quốc.

Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cùng ngày xác nhận, hai chuyên gia của WHO đã tới Trung Quốc để hợp tác trong việc nghiên cứu nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.