Việc ban bố PHEIC nhằm huy động thêm các nguồn lực quốc tế để ứng phó dịch bệnh viêm phổi cấp do 2019-nCoV gây ra. Từ khi Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) có hiệu lực vào năm 2007, WHO đã nhiều lần ban bố PHEIC.
Lần đầu tiên WHO ban bố PHEIC là vào tháng 4-2009, khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1). Lần thứ hai được ban bố tháng 5-2014 do bệnh bại liệt. Lần thứ ba trong dịch virus Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là khi bùng phát dịch virus Zika ở châu Mỹ.
WHO đã hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến 2019-nCoV. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.
Tại cuộc họp báo diễn ra sau khi Ủy ban Khẩn cấp của WHO họp kín, ông Ghebreyesus nhấn mạnh, WHO không khuyến khích và thậm chí phản đối áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và giao thương với Trung Quốc. Ông Ghebreyesus đưa ra phát biểu này trong bối cảnh nhiều hãng hàng không trên thế giới tạm ngừng hoặc giảm chuyến bay tới Trung Quốc để tránh nguy cơ lây lan của chủng virus corona mới.
Một vài giờ sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, chính quyền tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), trung tâm của đợt bùng phát dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra, thông báo có thêm 42 ca tử vong mới. Như vậy, số trường hợp tử vong được xác nhận do chủng virus corona mới tại Trung Quốc đã tăng lên 212. Ngoài ra, chính quyền tỉnh Hồ Bắc cũng cho biết đã có thêm 1.220 ca nhiễm mới, tăng nhẹ so một ngày trước đó.
Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte vừa xác nhận hai trường hợp đầu tiên nhiễm 2019-nCoV tại nước này. Hai ca nhiễm bệnh đều là du khách Trung Quốc. Theo ông Conte, các nhà chức trách Italy đang tái hiện hành trình của hai người này để tránh các nguy cơ khác xảy ra. Người đứng đầu Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia Italy cho biết, hai người bệnh đang trong tình trạng sức khỏe tốt.
Ông Conte tuyên bố, Rome quyết định ngừng tất cả chuyến bay đến và đi giữa Trung Quốc và Italy. Tính đến thời điểm hiện tại, Italy là quốc gia đầu tiên của Liên hiệp châu Âu (EU) tiến hành biện pháp này. Ông Conte sẽ yêu cầu nội các Italy họp vào ngày 31-1 để bàn các biện pháp tiếp theo nhằm ứng phó dịch bệnh.
* WHO: Còn quá sớm để tuyên bố viêm phổi cấp do virus corona mới là đại dịch toàn cầu
* WHO thừa nhận mắc sai sót đánh giá rủi ro về 2019-nCoV
* Nhiều hãng hàng không giảm hoặc tạm dừng chuyến bay đến Trung Quốc