Tinh thần đó, phẩm chất đó như ngọn đuốc lung linh đang thắp lên những hy vọng lớn lao trong cuộc chiến gian nan với đại dịch giúp chính quyền và nhân dân cả nước chiến thắng mọi trở ngại, thách thức, sớm trở lại cuộc sống bình thường, tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước.
Trong nhiều ngày qua, tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân đoàn kết một lòng, nỗ lực cao nhất để phòng, chống đại dịch Covid-19.
Mỗi người Việt Nam ta xúc động dâng trào khi chứng kiến hàng chục nghìn y, bác sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ quân đội, công an... không quản ngại khó khăn gian khổ, hăng hái lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam. Đông đảo lực lượng tuyến đầu ngay ở cơ sở, mỗi địa bàn dân cư nhiều ngày đêm miệt mài tham gia chống dịch, đến từng nhà, từng người, cung cấp nhu yếu phẩm, tư vấn, khám, chữa bệnh, thực sự là điểm tựa tinh thần vững chắc cho nhân dân.
Gần đây nhất, trước lễ Quốc khánh 2/9 mấy ngày, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì hiệp thương, thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai thực hiện chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền nam vượt qua đại dịch Covid-19”. Đây là chương trình đầy nhân văn, nhân ái nhằm kịp thời hỗ trợ, góp phần bảo đảm đời sống cho những người khó khăn để không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm… Mục tiêu đề ra cấp thiết là: Những phần quà này sẽ được trao trực tiếp đến tay người đang gặp khó khăn, nhất là người nghèo, người yếu thế với thủ tục đơn giản nhất và thời gian nhanh nhất, phù hợp điều kiện và yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch. Trong nhiều tháng trước đó, trụ sở Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tại Hà Nội và trụ sở MTTQ 63 tỉnh, thành phố cả nước luôn nhộn nhịp đón hàng trăm nghìn tập thể, cá nhân, tổ chức ở trong nước và nước ngoài đến tự nguyện ủng hộ nguồn lực phòng, chống Covid-19 và đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng Covid-19.
Cứ mỗi ngày trôi qua, nguồn lực ủng hộ cho cuộc chiến lớn với dịch bệnh lại tăng lên, qua đó thể hiện sự tin tưởng, tinh thần sẵn sàng sẻ chia khó khăn với dân tộc, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Rất nhiều địa phương dù đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn dành một số lượng không nhỏ nguồn lực để gửi tới các tỉnh, thành phố khác khó khăn hơn. Chẳng hạn như Hải Phòng đã san sẻ yêu thương, chia sẻ khó khăn với các địa phương bạn. Những đoàn cán bộ y, bác sĩ liên tục lên đường chia lửa với tuyến đầu chống dịch tại các địa phương như: Đà Nẵng, Bắc Giang, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... Nhiều khoản kinh phí cùng vật tư, thiết bị phòng dịch kịp thời chuyển đến Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh và các địa phương khác trong lúc khó khăn. Hay vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố ưu tiên dành kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người dân đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn do đại dịch để họ có thể yên tâm ở yên tại chỗ.
Trong khi đó, ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh Bắc Giang ngay lập tức cử nhiều đoàn y, bác sĩ cùng các trang thiết bị y tế hiện đại lên đường chi viện cho miền nam thân yêu - nơi đang gánh chịu những tác động mạnh mẽ của cơn bão Covid-19. Từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Tháp… không chỉ mang trong mình sứ mệnh cao cả của những người thầy thuốc, những “chiến binh” áo trắng được cử đi mang trong mình sứ mệnh hết sức cao cả mà người dân Bắc Giang gửi gắm, họ là đại diện cho tinh thần Bắc Giang, đại diện cho sự biết ơn của người dân Bắc Giang đối với cả nước khi đã hỗ trợ Bắc Giang vào những thời điểm cam go, khó khăn nhất. Tính đến nay, Bắc Giang đã cử bảy đoàn công tác tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Tháp, Bình Dương, Long An, Tây Ninh chống dịch Covid-19, với tổng số 350 cán bộ, nhân viên y tế cùng nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ chống dịch.
Trong những năm qua, công tác an sinh xã hội luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện. Đây chính là nền tảng quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội và thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tổ chức công đoàn.
Điều này thể hiện rõ nét nhất trong gần hai năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và nhất là đợt dịch lần thứ tư xâm nhập mạnh, lây lan 62/63 tỉnh, thành phố, tấn công vào một số khu chế xuất, khu công nghiệp. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 36 nghìn công nhân lao động (CNLĐ) nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, cùng hơn 600 nghìn người là F1, F2 hoặc đang trong khu vực phong tỏa, nhiều CNLĐ tử vong. Dịch bệnh nguy hiểm, kéo dài khiến hơn 4.300 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, hàng triệu CNLĐ phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc, hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, cuộc sống đang rất khó khăn.
Ngay những ngày đầu, cùng với những lực lượng tuyến đầu khác, tổ chức công đoàn đã ngày đêm không nghỉ tại các doanh nghiệp, khu nhà trọ, tiếp cận từng mảnh đời CNLĐ khó khăn nhất để động viên, kịp thời hỗ trợ, san sẻ cùng đoàn viên, người lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Với những hoạt động thiết thực, cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: Tổ an toàn Covid-19, Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng, Xe buýt siêu thị 0 đồng, Bếp ăn yêu thương, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho người lao động... Hàng chục nghìn suất ăn kịp thời cứu trợ CNLĐ trong những ngày dịch bùng phát, hàng triệu phần quà, túi an sinh công đoàn đã được cán bộ công đoàn trao tận tay CNLĐ khó khăn với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”.
Đối tượng người lao động gặp khó khăn cũng được chăm lo, trợ giúp kịp thời. Vừa qua, TP Cần Thơ hỗ trợ cho đối tượng khó khăn nhất là người bán vé số lưu động với mức hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày. Đến cuối tháng 8, Cần Thơ tổ chức trao tiền hỗ trợ tận nhà cho hơn 6.000 người bán lẻ xổ số lưu động ở chín quận, huyện với tổng số tiền hơn bảy tỷ đồng. Anh Lê Văn Rớt, 41 tuổi, ở ấp Qui Lân 5, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh bán lẻ vé số hơn 10 năm, phải nuôi mẹ già và con nhỏ, cuộc sống hằng ngày đã khó khăn nay không có việc làm lại càng khó khăn hơn. Nhận 1,2 triệu đồng tiền hỗ trợ từ cán bộ ấp trao, anh Rớt xúc động chia sẻ: “Tôi và những người bán vé số khác đang gặp rất nhiều khó khăn. Số tiền hỗ trợ này giúp anh em “cầm cự” qua ngày trong lúc này. Rất cảm ơn lãnh đạo địa phương chia sẻ khó khăn với người lao động, giúp gia đình tôi vững tin trong cuộc sống”.
Đến nay, Đà Nẵng đã hai lần gia hạn biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt nhất, chưa từng có trong tiền lệ và trong cả nước (bắt đầu từ ngày 16/8). Việc tiên phong thực hiện các biện pháp mạnh thể hiện sự quyết tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo thành phố trong điều kiện nguy cấp. Nhờ đó, mặc dù ca bệnh có tăng, nhưng ở nhiều vùng, nhiều tổ dân phố, nhiều phường đã qua 14 ngày không có ca nhiễm, thiết lập được vùng an toàn.
Theo đồng chí Phạm Công Lương, Bí thư Chi bộ Bình Phước 1, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thực hiện việc phát phiếu đi chợ cho từng hộ dân với phương thức: người ở địa bàn nào đi chợ ở địa bàn đó, mỗi hộ dân chỉ được phép đi chợ ba ngày/lần, theo khung giờ… để hạn chế việc tụ tập, tiếp xúc đông người. Mô hình này hiện được rất nhiều địa phương trong cả nước áp dụng. Trong những ngày thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhất để phòng, chống dịch, ở Đà Nẵng xuất hiện nhiều cách làm mới, năng động, sáng tạo.
Để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu kép theo yêu cầu của Chính phủ, Đà Nẵng còn cho phép các nhà máy, cơ sở sản xuất bố trí tối đa 30% số người làm việc, bảo đảm điều kiện “Ba tại chỗ”, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Theo đồng chí Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, khó khăn này là phép thử lớn về năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp của thành phố. Những “vùng xanh” đang được bảo vệ tốt và từng bước mở rộng, xây dựng các tiêu chí thi đua, khen thưởng các địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch.
Tại Bắc Giang, sau hơn hai tháng kiên trì thực hiện các mục tiêu phòng, chống dịch, vượt qua nhiều thời điểm “nước sôi, lửa bỏng”, cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh không những khống chế được dịch bệnh mà còn đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế. Tính đến ngày 18/8 toàn tỉnh đã có 157.355 lao động đi làm tại 370 doanh nghiệp ở sáu khu công nghiệp của tỉnh (tăng 6.855 lao động so với thời điểm dịch bùng phát). Các cụm công nghiệp có 219/230 doanh nghiệp hoạt động (đạt tỷ lệ 95,2%) với 47.909 lao động... giữ cho chuỗi cung ứng, sản xuất không bị đứt gãy; bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Những ngày Tháng Tám lịch sử, tại Công ty xi măng Vicem Hải Phòng - “địa chỉ đỏ” của lịch sử cách mạng Việt Nam và TP Hải Phòng, một trong những cái nôi của phong trào công nhân cách mạng Việt Nam, nơi ra đời của ngành công nghiệp xi-măng Việt Nam… không khí sản xuất vẫn giữ đều nhịp. Tổng Giám đốc Công ty xi-măng Vicem Hải Phòng Trần Văn Toan thông báo tin vui, trong thời gian dịch bệnh bùng phát nhiều nơi, công ty vẫn hoàn thành việc sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp tháp sấy mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm bốn lần so với suất đầu tư mới. Công ty thực hiện “Ba tại chỗ” với việc bảo đảm an toàn lao động và nhất là an toàn phòng dịch cho CNLĐ công ty và hơn 400 công nhân nhà thầu và chuyên gia nước ngoài, hoàn thiện phương án “Ba tại chỗ” với việc phân chia tách biệt từng khu vực, bộ phận sản xuất theo tầng nấc, ưu tiên khu vực vận hành trung tâm - “vùng lõi” của nhà máy, nhằm duy trì hoạt động sản xuất liên tục kể cả trong tình huống xuất hiện F0 trong đơn vị.