“Vương quốc” rắn Đồng Tâm

Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu trực thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9 (hay còn gọi là Trại rắn Đồng Tâm), đặt tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây được xem là “vương quốc” của các loài rắn ở Việt Nam, đang bảo tồn hàng nghìn con rắn thuộc hơn 50 loài khác nhau, trong đó có nhiều loài rắn cực độc, cực hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, trại rắn Đồng Tâm có khu điều trị người bị rắn cắn và là một trong những điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Rắn lục đuôi đỏ-loài được nuôi, bảo tồn số lượng rất lớn tại Trại rắn Đồng Tâm.
Rắn lục đuôi đỏ-loài được nuôi, bảo tồn số lượng rất lớn tại Trại rắn Đồng Tâm.

Trung tá Nguyễn Hồng Phúc, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu vực chăn nuôi, bảo tồn và chế biến dược liệu các loài rắn. Theo Trung tá Nguyễn Hồng Phúc, Trại rắn Đồng Tâm được hình thành sau ngày giải phóng, với mong muốn tìm cách cứu chữa cho quân và dân bị rắn cắn. Năm 1977, bác sĩ, Trung tá Trần Văn Dược (thầy Tư Dược) đã đưa ra ý tưởng thành lập đội cứu thương, chữa trị cho những người bị rắn độc cắn.

Năm 1979, Khoa cấp cứu được thành lập tại Trại rắn Đồng Tâm. Từ khi thành lập đến nay, các thầy thuốc quân y ở Trại rắn Đồng Tâm đã dùng huyết thanh nọc rắn cứu sống hàng chục nghìn người bị rắn cắn, trung bình khoảng 1.000 ca/năm. Có một số trường hợp, người bị rắn cắn khi chuyển đến khoa điều trị đã ngưng thở vì nọc độc xâm nhập vào máu làm tim ngừng đập mà vẫn được cứu sống. Khi đến điều trị tại đây, bệnh nhân chỉ trả tiền huyết thanh, mọi chi phí điều trị khác đều miễn phí.

Đến khu vực nuôi trăn và các loài động vật hoang dã, Trung tá Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ, từ những loài này, trung tâm đã nghiên cứu, điều chế được nhiều loại thuốc quý như: Kem mỡ trăn, kem Cobratoxan từ nọc rắn, rượu rắn, cao trăn, bột rắn lục... Hiện nay, trại rắn đã nghiên cứu, phát triển được 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: Kem nghệ-mỡ trăn, kem mỡ trăn, mỡ trăn, mật ong, rượu rắn 29 độ, rượu chuối 29 độ.

Trại rắn Đồng Tâm rộng hàng chục héc-ta, khắp nơi nhìn đâu cũng gặp… rắn. Nơi đây đang nuôi và bảo tồn nhiều chủng loại như: Rắn hổ mang chúa, rắn hổ mang đất, rắn lục, mai gầm, cạp nia… Trong đó, rắn hổ mang đất và hổ mang chúa là những loại cực độc, được xếp trong Sách đỏ Việt Nam. Tháng 8/2005, Bảo tàng rắn trực thuộc Trại rắn Đồng Tâm được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bảo tàng rắn đầu tiên lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam (hiện đang lưu giữ hơn 40 tiêu bản của các loài rắn quý hiếm).

Thượng úy Nguyễn Văn Hiếu, nhân viên phụ trách chăm sóc rắn ở Trại rắn Đồng Tâm cho biết, anh đã nhiều năm gắn bó, hiểu đặc tính từng loài rắn. Chăm sóc rắn không chỉ cho ăn, tắm rửa mà đôi khi nhân viên nuôi rắn còn phải điều trị khi rắn bị bệnh. Trại rắn Đồng Tâm không chỉ lo vấn đề về kinh tế mà nhiệm vụ chính trị phải đặt lên hàng đầu. Trong đó, đơn vị phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, với các đề tài cấp bộ và cấp nhà nước; cấp cứu, điều trị rắn cắn cho quân và dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; nuôi trồng cây, con thuốc; sản xuất thuốc y học dân tộc từ nguồn dược liệu.

Điểm du lịch sinh thái Trại rắn Đồng Tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận là điểm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2022 và là một trong những điểm du lịch tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm gần đây, Trại rắn Đồng Tâm được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến là khu bảo tồn động vật hoang dã, với nhiều loài rắn, chim, thú như: Trăn, đà điểu, sóc, kỳ nhông, gấu, hổ, vượn, thiên nga, trĩ đỏ, chim công, cò nhạn, le le… và rất nhiều loài rắn. Nhiều loài rắn được nuôi “lộ thiên” bằng cách thả trên những cây xanh to được trồng âm xuống hơn 2m giữa lòng hồ, chung quanh có rãnh nước và được xây bờ tường cao, có rào chắn an toàn cho khách tham quan.

Hiện nay, trại rắn cũng xây dựng các khu nuôi thú quy mô và đạt chuẩn theo quy định: Khu nuôi thú sinh sản và thương phẩm; nhà bảo tàng rắn; biểu diễn rắn và lấy nọc rắn; khu vui chơi, dã ngoại, mua sắm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe; nhà hàng ăn uống; đảo trồng hoa, tiểu cảnh, khu vui chơi thiếu nhi… Năm 2023, Trại rắn Đồng Tâm đón gần 200.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nơi đây đón mỗi ngày từ 4.000-5.000 lượt khách.

Thời gian tới, Trại rắn Đồng Tâm tiếp tục chỉnh trang khuôn viên toàn đơn vị, tạo quang cảnh khu tham quan luôn xanh-sạch-đẹp; đồng thời, đưa vào khai thác một số sản phẩm mới phục vụ du khách. Bên cạnh đó, Trại rắn Đồng Tâm cũng tiếp tục mở rộng thị trường thông qua chương trình kích cầu du lịch với các công ty lữ hành trong và ngoài nước bằng những chính sách ưu đãi; trong đó, chú trọng phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo hướng du lịch-giáo dục-học đường và du lịch-chăm sóc sức khỏe.