Theo quy định của Luật Trồng trọt, điều kiện để được cấp phép công nhận lưu hành giống cây trồng mới, phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Quy định này được áp dụng cho cả giống thường và giống biến đổi gien.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hiện hướng dẫn khảo nghiệm đang thiếu chỉ tiêu và phương pháp đánh giá công nhận các tính trạng cải tiến như kháng sâu, chống chịu thuốc bảo vệ thực vật, chống chịu căng thẳng phi sinh học, kháng bệnh...
Do đó, các đơn vị phát triển giống cây trồng sẽ không thể đăng ký đồng thời giống thường và giống lai mang tính trạng chuyển gien trên nền giống tương đương.
Riêng về giống ngô biến đổi gien, quá trình thương mại và tác động tích cực của các giống ngô biến đổi gien cho thấy nhiều lợi ích nổi bật trong việc giảm thiệt hại năng suất từ sâu bệnh, tăng thu nhập ròng cho nông dân cũng như tạo ra những tác động tích cực tới môi trường và thực tiễn quản lý đồng ruộng.
Từ năm 2020 đến tháng 11/2023, sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, chỉ có 12 giống ngô mới được công nhận lưu hành thông qua khảo nghiệm theo quy định mới, trong đó có 8 giống ngô chuyển gien.
So với nhu cầu thực tế, số giống mới được công nhận lưu hành là quá ít, điều này làm giảm khả năng tiếp cận giống mới của nông dân và hạn chế các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao vào sản xuất.
Cũng cần nói thêm, 8 giống ngô chuyển gien được cấp phép công nhận nêu trên là các giống ngô đã nộp hoặc hoàn thành báo cáo khảo nghiệm từ trước khi Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 có hiệu lực. Cho tới nay cũng chưa có giống ngô biến đổi gien nào được đăng ký và cấp phép theo quy trình mới.
Theo các nhà khoa học, việc cấp phép lưu hành cả hai phiên bản giống thường và giống biến đổi gien là vô cùng quan trọng trong việc mang lại nhiều cơ hội lựa chọn khác nhau cho nông dân trồng ngô trong nước.
Tùy thuộc vào áp lực của dịch hại và đặc điểm nông trại cũng như điều kiện kinh tế cụ thể mà nông dân có thể quyết định lựa chọn sử dụng loại giống phù hợp nhất với nhu cầu của họ.
Hiện trên thế giới có 29 quốc gia đang canh tác cây trồng biến đổi gien đều đang cấp phép lưu hành song song cả phiên bản giống biến đổi gien và giống thường tương đương.
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định cho rằng, hiện còn nhiều bất cập trong công bố lưu hành, hướng dẫn còn phức tạp, gây tốn chi phí và thời gian của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nghiên cứu, thương mại giống cây trồng.
Bên cạnh đó, công tác đăng ký, cấp chứng nhận bản quyền giống cây trồng cũng đang có nhiều bất cập, gây ảnh hưởng tới các đơn vị, doanh nghiệp.
Theo bà Đặng Ngọc Chi, Chủ tịch Nhóm công nghệ sinh học và giống cây trồng (CropLife Việt Nam), thực tế canh tác và lợi ích mà các giống ngô chuyển gien trong gần 10 năm qua mang lại cho nông dân tại Việt Nam đã cho thấy vai trò quan trọng của những cải tiến trong lai tạo giống cây trồng hiện nay, nhất là với những nông hộ canh tác quy mô nhỏ và dưới áp lực của biến đổi khí hậu.
Ứng dụng giải pháp và công nghệ sinh học mới đang giúp nông dân có cơ hội tiếp cận với ngày càng nhiều các giống cây trồng với những đặc tính mới, không dừng lại ở khả năng chống chịu dịch hại mà còn giúp gia tăng năng suất, chất lượng và thích ứng với cả khi điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Một hành lang pháp lý cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, có tính dự báo và hỗ trợ cải tiến là vô cùng cần thiết để giúp nông dân kịp thời tiếp cận và tận dụng lợi ích của các công nghệ này.
Do đó, các đơn vị có thẩm quyền cần triển khai chỉnh sửa các tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc đăng ký các giống ngô cải tiến trong thời gian sớm nhất để các đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục quá trình đăng ký và giới thiệu các giống ngô mới cho nông dân.