Vườn xanh vì cộng đồng

Dự án "Vườn xanh cộng đồng - Green Community Garden" vừa được ra mắt tại thành phố với khu vườn đầu tiên rộng một héc-ta ở huyện Củ Chi. Trong năm 2024, dự án đặt mục tiêu sẽ mở rộng ra khu vực đồng bằng sông Cửu Long cùng nhiều tỉnh, thành phố khác. Đáng chú ý là một phần rau củ sạch thu hoạch từ vườn xanh này sẽ được chuyển tặng đến các mái ấm, nhà mở, viện dưỡng lão như một cách san sẻ bữa cơm lành.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vườn thí điểm của dự án "Vườn xanh cộng đồng" tại Củ Chi bắt đầu được triển khai.
Khu vườn thí điểm của dự án "Vườn xanh cộng đồng" tại Củ Chi bắt đầu được triển khai.

"Vườn xanh cộng đồng" là sáng tạo của Công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội Green Journey, lấy cảm hứng từ mô hình "Community Garden - Vườn cộng đồng" đã có từ rất lâu trên thế giới. Ngay khi xuất hiện, mô hình "Vườn cộng đồng" đã thu hút sự tò mò của nhiều người vì đây là nơi các cư dân trong một cộng đồng dân cư có thể bắt tay hợp tác cùng nhau, tìm đến các thửa đất chưa sử dụng để gieo trồng như những nông dân thực thụ. Mọi người tích cực trồng trọt, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây cối, thu hoạch và cùng nhau hưởng thành quả.

Tại Việt Nam, "Vườn xanh cộng đồng" ra đời vì mục tiêu tạo nên cộng đồng những người yêu cây cối, thích sống xanh, tận dụng hiệu quả các loại phế phẩm hữu cơ trong đời sống để trồng rau củ sạch, tốt cho sức khỏe người dùng. Từ đó, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng thực phẩm đúng, đủ với nhu cầu thực tế. Dự án này có sự đồng hành của Mạng lưới Nông dân Farmers Vietnam và Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam.

Trước khi triển khai đại trà tại các khu vườn thuộc hệ sinh thái của dự án trên phạm vi toàn quốc, giai đoạn đầu, "Vườn xanh cộng đồng" sẽ được thí điểm mô hình tại khu vườn ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh với các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua việc phân loại rác hữu cơ, trồng cây bảo vệ môi trường...

Dự án cũng sẽ triển khai trực tiếp tại một số khu vườn thực nghiệm với các loại rau xanh, củ quả, trại nấm, mô hình nuôi cá... bằng chính thức ăn, phân bón từ chất thải hữu cơ như bánh mì, các nguyên vật liệu không dùng hết, dư thừa trong quá trình hoạt động từ các quán ăn, nhà hàng, khách sạn hay các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm. Rau củ, thực phẩm tạo ra từ vườn ngoài việc kinh doanh gây quỹ tái duy trì và mở rộng quy mô còn được trao tặng cho các cơ sở xã hội đang cưu mang người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ.

Sau khi hoàn thiện mô hình "Vườn xanh cộng đồng", dự án sẽ tiếp tục nâng cấp quy mô để phát triển nhiều chương trình về giáo dục trải nghiệm và đón tiếp học sinh các cấp đến tham quan thực địa, học tập để tìm hiểu về cuộc sống nông dân, nuôi dưỡng tình cảm đối với nông nghiệp, thiên nhiên và môi trường.

"Hiện tại, chúng tôi đã có một mạng lưới hệ sinh thái "Vườn xanh cộng đồng" trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu của chúng tôi khi triển khai dự án này là thu gom, phân loại, xử lý nguồn rác thải hữu cơ và ủ phân để trồng cây xanh, trồng rau củ quả sạch… Sống xanh đang là xu hướng tất yếu của nhân loại. Chúng tôi muốn mọi người bắt đầu bằng những hành động giản đơn, rồi từng bước ủng hộ các nỗ lực chung vì sự phát triển xanh bền vững", ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội Green Journey cho hay.

Đây không phải lần đầu tiên mô hình này được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng "Vườn xanh cộng đồng" có sự khác biệt với các hoạt động thiết thực, nguồn cung ổn định, lộ trình rõ ràng và quy mô lớn, hứa hẹn tính khả thi cao.

Tại lễ ra mắt dự án, 50 thùng chứa rác hữu cơ mini đã được Ban tổ chức trao tặng cho 50 hộ gia đình thuộc Khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức. Đây được xem là bước hỗ trợ đầu tiên trong quá trình khuyến khích, giúp cộng đồng hình thành thói quen phân loại rác hữu cơ tại hộ gia đình, tạo nên vòng tuần hoàn hữu ích cho thực phẩm tiêu thụ hằng ngày.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, một người dân trong khu vực cho rằng, món quà thiết thực này sẽ giúp nhiều hộ gia đình thay đổi thói quen vứt rác, chủ động chọn lựa những phế phẩm có thể tái chế, từ đó giảm áp lực lên môi trường, tiết kiệm được chi phí trồng rau củ sạch.

Số rác thu gom từ hệ thống chứa rác hữu cơ mini tại gia sẽ được tập hợp theo ngày về một số điểm tập kết quy định trước khi đưa đến "Vườn xanh cộng đồng" để tiến hành ủ phân, bón cho rau củ. Thời gian tới, hàng loạt thùng chứa rác hữu cơ cũng sẽ được bố trí tại hệ thống các quán ăn, quán cà-phê, siêu thị, nhà hàng, trang trại… để thu gom bã cà-phê, bã trà, rau củ quả, thực phẩm chế biến… bỏ đi phục vụ cho quá trình phát triển vườn xanh tại Củ Chi.

Trước đó, Ban tổ chức cũng đã tuyên truyền, vận động và triển khai thí điểm đến các hộ gia đình, cá nhân, tập thể cùng tham gia hoạt động "Đổi rác-Lấy quà" trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.