Vùng trũng an ninh ở khu vực Trung Ðông

Bạo lực bùng phát ở Jerusalem ngay trong tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo, lễ Phục sinh của người theo đạo Thiên chúa giáo và lễ Quá Hải của người Do Thái khiến ít nhất 200 người bị thương. Căng thẳng leo thang trong thời điểm nhạy cảm có nguy cơ đẩy khu vực Trung Ðông sa lầy vào vùng trũng an ninh.

Vùng trũng an ninh ở khu vực Trung Ðông

Bạo lực giữa Israel và Palestine tại Bờ Tây, đặc biệt chung quanh khu đền Al-Aqsa ở Ðông Jerusalem, được đẩy lên nấc thang nguy hiểm trong vài tuần qua. 

Ðêm 21/4, một quả rocket được bắn từ Gaza sang miền nam Israel. Ðây là quả rocket đầu tiên kể từ tháng 1 bay từ Gaza sang phía Israel. Ngay lập tức, Tel Aviv trả đũa bằng hàng loạt trận không kích nhằm vào miền trung Gaza. Quân đội Israel cũng tấn công một nhà máy ngầm dưới lòng đất mà Tel Aviv cáo buộc là chuyên chế tạo rocket. Phía Palestine đáp trả bằng bốn quả rocket.

Căng thẳng leo thang ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine có liên quan quần thể đền Al-Aqsa, mà người Israel gọi là Núi Ðền, địa điểm linh thiêng với cả tín đồ Hồi giáo và Do Thái. Tình hình an ninh càng đáng lo ngại khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo lại trùng với lễ Quá Hải của người Do Thái và Phục sinh của Thiên chúa giáo. Khi cùng hành lễ ở thánh đường Al-Aqsa, không loại trừ khả năng một số tín đồ Hồi giáo và Do Thái không giữ được bình tĩnh, gây sự đụng độ, khiến bạo lực bùng phát.

Từ ngày 15/4 đến nay, giao tranh giữa các lực lượng Israel và người Palestine tại khu đền Al-Aqsa làm ít nhất 200 người của cả hai phía bị thương. Xung đột qua lại, ăn miếng trả miếng giữa Palestine và Israel khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại, có nguy cơ đẩy con tàu hòa bình Trung Ðông chệch đường ray và khó kịp về ga như dự kiến.

Liên hợp quốc và các quốc gia liên quan đã nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng. Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ðiều phối viên đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Ðông, ông Tor Wennesland nhấn mạnh, bạo lực và căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của nỗ lực quản lý xung đột.

Theo ông, các bên cần ngay lập tức hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế và giải quyết tận gốc rễ các yếu tố gây ra xung đột, cũng như cần tăng cường củng cố ổn định tài chính của chính quyền và các thể chế của Palestine, chấm dứt sự chiếm đóng, hướng tới giải pháp hai nhà nước.

Ðiều phối viên Tor Wennesland nêu rõ, mục tiêu cuối cùng là hai nhà nước cùng song hành trong hòa bình và an ninh, phù hợp các nghị quyết của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Ông khẳng định, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục phối hợp các bên và các đối tác trong khu vực và quốc tế, duy trì cam kết ủng hộ Israel và Palestine đạt được mục tiêu này.

Từ nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden có cuộc điện đàm với Quốc vương Jordan Abdullah II, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì phối hợp nhằm ngăn chặn bạo lực tái diễn ở Jerusalem, đe dọa hòa bình khu vực.

Trước cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ một ngày, Quốc vương Jordan Abdullah II cùng Thái tử Abu Dhabi kiêm Phó Tư lệnh tối cao lực lượng vũ trang Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed Al-Nahyan đã gấp gáp bay sang Cairo để thảo luận với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi về căng thẳng bùng phát giữa Israel và Palestine.

Ba nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng nguyên trạng pháp lý và lịch sử tại thánh đường Al-Aqsa, kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán nghiêm túc và hiệu quả để giải quyết căng thẳng trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Một nguyên nhân nữa có thể tác động xấu tới tình hình an ninh ở Trung Ðông. Ðó là giá cả leo thang và đứt gãy chuỗi cung ứng, đe dọa an ninh lương thực đối với nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương trên vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Giá vật liệu xây dựng tăng cao cũng ảnh hưởng nỗ lực tái thiết ở Gaza. Ðiều phối viên Tor Wennesland cảnh báo nếu không có thêm kinh phí, Chương trình Lương thực thế giới và Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine sẽ không thể đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân Palestine, kéo theo nguy cơ bất ổn trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đặc biệt là ở Gaza.

Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Palestine vẫn tiếp diễn, các hành động bạo lực, khiêu khích và kích động cần phải được chấm dứt. Các bên cần hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế để đoàn tàu Trung Ðông tiếp tục hành trình tới ga hòa bình.