“Vùng trắng” xe buýt Hà Nội dần biến mất

NDO - Hà Nội hiện đã có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến được trợ giá từ ngân sách thành phố. Các tuyến buýt đã bao phủ 88,1% số xã, phường, “vùng trắng” xe buýt dần biến mất, góp phần nâng cao năng lực của mạng lưới vận tải công cộng Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Cần điều chỉnh mạng lưới xe buýt hợp lý hơn, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.
Cần điều chỉnh mạng lưới xe buýt hợp lý hơn, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.

Nhảy vọt về lượng

Trong khoảng hơn 20 năm qua, xe buýt Hà Nội đã có sự phát triển mạnh, tăng vọt về số lượng phương tiện, mở rộng mạng lưới, kết nối khắp các địa bàn từ nông thôn, ngoại thành đến vùng lõi đô thị.

Năm 2016, sau nhiều năm chuẩn bị, tích lũy, Hà Nội đã bắt đầu bước vào giai đoạn nhảy vọt về số lượng, đặt mục tiêu xóa các “vùng trắng” xe buýt trợ giá, kể cả những xã miền núi, nông thôn nơi dân cư thưa thớt, nhu cầu đi lại không cao.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, năm 2018, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của toàn thành phố Hà Nội có 110 tuyến; bao gồm: 91 tuyến trợ giá và thí điểm; 10 tuyến không trợ giá; 9 tuyến kế cận. So năm 2008 (thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ), số lượng tuyến xe buýt đã tăng 64%.

Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho hay, năm 2018 là cột mốc đầu tiên đánh dấu việc thành công xóa “vùng trắng” xe buýt trợ giá trên địa bàn Hà Nội. Từ thời điểm đó, xe buýt có trợ giá đã bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, tương ứng với 406/584 xã, phường đạt 68,5% độ bao phủ trên địa bàn thành phố.

Năm 2018, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của toàn thành phố Hà Nội có 110 tuyến; bao gồm: 91 tuyến trợ giá và thí điểm; 10 tuyến không trợ giá; 9 tuyến kế cận. So năm 2008 (thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ), số lượng tuyến xe buýt đã tăng 64%.(Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội)

Đến năm 2021, mạng lưới xe buýt phục vụ vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đã có 148 tuyến, với 126 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour).

Đến năm 2022, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội đã có 154 tuyến, với 132 tuyến buýt trợ giá.

Xe buýt tiếp cận đến 510/579 số xã, phường, thị trấn đạt 88,1%; 65/75 bệnh viện đạt 87%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 22/24 làng nghề đạt 91,6%, 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa khu du lịch đạt 92%, kết nối với 6 tỉnh, thành phố lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình).

Không chỉ liên tục mở rộng mạng lưới, tăng cường số lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ xe buýt cũng được nâng cao không ngừng.

Ông Trần Tuấn Chỉnh (huyện Thanh Oai) cho biết: "Đưa xe buýt trợ giá về với nông thôn chúng tôi thấy rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền thành phố đối với người dân nông thôn. Hiện nay, người dân ở huyện đi học, đi làm, đi khám, chữa bệnh trong nội thành đã đỡ vất vả và thuận lợi hơn rất nhiều".

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu đánh giá: Để có một mạng lưới xe buýt trợ giá phủ đều hầu như khắp các xã, phường trên địa bàn, Hà Nội đã rất nỗ lực. Ngày nay, xe buýt trợ giá với chỉ vài nghìn đồng một vé đã trở thành phương tiện đi lại quen thuộc của người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, ngoại thành nơi còn nhiều khó khăn.

Tăng cường về chất

Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, việc xóa “vùng trắng” xe buýt trợ giá không chỉ là hình thức, mà còn được tập trung vào chất lượng, dịch vụ và bảo đảm vận hành an toàn.

Về chất lượng phương tiện, bên cạnh xe buýt truyền thống, nhiều tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch (điện hoặc khí CNG) đã được đưa vào vận hành. Theo kế hoạch đã được Chính phủ vạch ra, đến năm 2030, toàn bộ xe buýt đầu tư mới tại Hà Nội đều phải sử dụng năng lượng sạch. Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới, cao cấp thân thiện, an toàn gần gũi hơn với hành khách nhưng giá vé vẫn không đổi.

Những tiện ích mà cách đây vài năm còn rất “xa xỉ” như: wifi miễn phí, ứng dụng tìm xe buýt trên thiết bị di động, loa thông báo điểm dừng, tuyến kết nối... nay đều đã có trên xe buýt. Chất lượng dịch vụ bước đầu được khẳng định bằng sự hài lòng của nhân dân, hành khách.

Chính sách hỗ trợ để thu hút người dân sử dụng xe buýt cũng ngày càng đa dạng, hữu ích hơn. Hiện tất cả người già trên 60 tuổi, người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo đã được miễn phí sử dụng xe buýt, tàu điện. Sinh viên, học sinh, người lao động được mua vé ưu đãi với giá chỉ 100.000 đồng/tháng cho việc đi lại trong toàn mạng lưới xe buýt.

Không phải đô thị nào cũng có những ưu đãi dành cho hành khách đi xe buýt như vậy. Hà Nội đã thật sự đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, trợ giá hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho hành khách, góp phần tạo nên một đô thị văn minh, đáng sống.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định: Không phải đô thị nào cũng có những ưu đãi dành cho hành khách đi xe buýt như vậy. Hà Nội đã thật sự đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, trợ giá hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho hành khách, góp phần tạo nên một đô thị văn minh, đáng sống.

Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan tăng cường rà soát, hợp lý hoá mạng lưới tuyến xe buýt, có các phương án điều chỉnh, kết nối xe buýt với đường sắt đô thị; đa dạng loại hình phương tiện... Nhiều ý tưởng về xe buýt đô thị cũng đã được đưa ra nghiên cứu, xem xét.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, phát triển xe buýt cần đa dạng nhưng không nên quá dàn trải để tránh lãng phí nguồn lực. Hiện, Hà Nội đã mở rộng xe buýt ra toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã, xóa các “vùng trắng” xe buýt, nâng cao năng lực phục vụ người dân.

Tuy nhiên ở một số tuyến buýt, nhất là tại khu vực nông thôn, ngoại thành chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt, lượng khách đi lại thưa thớt, trong khi chi phí duy trì không hề nhỏ. Bởi vậy những năm qua, mạng lưới xe buýt vẫn liên tục được theo dõi, rà soát, điều chỉnh để ngày càng hợp lý hơn, đáp ứng tốt hơn nữa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.