Ngôi nhà đứng giữa biển, không một chút đất thừa ra. Ở đây, những tháng mùa khô, ngày nắng nóng, oi bức kéo dài từ năm giờ sáng cho tới hơn sáu giờ tối. Giữa sóng gió trùng khơi, giữa nắng nóng nung người, mà đảo cứ ngày một xanh hơn, đẹp hơn.
Thiếu tá Nguyễn Dụng Thanh, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin chia sẻ: Đất trồng cây được đưa từ đất liền ra. Rồi phải che gió, chắn nước mặn cho cây. Khắc nghiệt vậy, mà trong bữa cơm, anh em ở đây vẫn có rau xanh, có cả những trái ớt tươi rói, cùng nhiều loại rau gia vị mới hái trong vườn.
Nhạc sĩ Hình Phước Long đưa cây phong ba vào ca từ bài hát: Đời anh như cây phong ba/ Vững vàng giữa đảo ngàn xa... Còn bây giờ, giữa biển trời Trường Sa lộng gió, trước mắt tôi, không chỉ có cây phong ba mà còn có cả một loài cây mang tên gọi dữ dội cũng chẳng kém: Bão táp. Cây phong ba cao lớn, bóng che rợp đất.
Cây bão táp dẻo dai, rễ bao quanh đá. Đột nhiên, tôi hình dung ra rằng, mai này, hễ nhắc tới cây phong ba, cây bão táp là người ta lại nghĩ ngay tới đất và người Trường Sa; hình dung ngay hình ảnh những con người can trường, điềm nhiên trước mọi cơn gió dữ.
Trường Sa có nhiều cây phong ba, bàng vuông, mù u cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi. Ở đây, bốn cây cổ thụ được công nhận là cây di sản, gồm: cây phong ba trên đảo Song Tử Tây; cây mù u trên đảo Sơn Ca; cây bàng vuông trên đảo Nam Yết và cây mù u trên đảo Sinh Tồn. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thế Tốt, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam cho biết: Việc công nhận và cấp bằng công nhận cho bốn cây di sản ở Trường Sa vừa có ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, giáo dục truyền thống, vừa minh chứng sự có mặt lâu đời của người Việt trên đảo Trường Sa. Quân và dân Trường Sa đang ngày ngày chăm sóc để cây thêm xanh tốt, vững vàng trước giông gió, giữ dáng hình đất nước ngàn năm.
Lần nào ra Trường Sa, tôi cũng cố tìm thăm cho bằng được hai khối bia chủ quyền đã in dấu rêu phong. Tại đảo Nam Yết, bia chủ quyền nằm gọn trong khuôn viên chùa Nam Huyên. Còn tại đảo Song Tử Tây, di tích quốc gia đặc biệt này nằm trong trạm khí tượng thủy văn.
Từ năm 2014, hai khối bia này được cấp Bằng di tích cấp quốc gia. Theo tư liệu hiện có của lịch sử tỉnh Khánh Hòa, bia chủ quyền quần đảo Trường Sa được Phái bộ quân sự chính quyền Việt Nam Cộng hòa dựng từ tháng 8/1956. Bia được xây bằng gạch. Trải qua thời gian, mưa nắng đã cũ mòn, nhưng chữ khắc lõm trên bia hãy còn đọc được. Thấp thoáng trong bóng cây xanh, những khối bia chủ quyền đậm màu thời gian gợi thật nhiều cảm xúc.
Ở Trường Sa, tôi cảm nhận được việc đọc sách đã là một nhu cầu thật sự. Rất đẹp, những hình ảnh người lính ngồi đọc sách trong doanh trại, trong phòng đọc, hay dưới những tán lá cây xanh. Cuốn sách như người bạn của lính đảo. Mỗi đảo có cả nghìn đầu sách, báo. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa Lê Đình Hải đưa tôi thăm tủ sách của các đơn vị. Khá đầy đủ, sách tư tưởng Hồ Chí Minh, sách lịch sử, chính trị, pháp luật, xã hội, văn hóa, tiếng Anh…
Tôi chợt nhận ra rằng, mình đã ngồi đọc ở nhiều nơi, nhưng chưa có phòng đọc sách nào thoáng đãng và thơ mộng như ở đây. Gió lồng lộng và biển rộng tứ bề. Trường Sa có nét văn hóa đọc khá độc đáo. Bộ đội, người dân và cả các em nhỏ đều rất chăm đọc sách. Hằng năm, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đều bổ sung kịp thời sách, tạp chí, truyện… cho các thư viện ở Trường Sa. Các đoàn ra thăm, làm việc với Trường Sa cũng tặng nhiều sách, báo cho bộ đội và người dân.
Ngồi thưởng trà cùng chúng tôi trên tàu, Hòa thượng Thích Đức Thành cho rằng, đối với người Việt Nam, chùa vừa là một cơ sở sinh hoạt tôn giáo vừa là nơi lưu giữ những giá trị thiêng liêng của linh hồn dân tộc. Chùa và giáo pháp che chắn những nỗi bất an, xua tan tà kiến, rợp bóng an nhiên cho tâm hồn con người, như vạch nối giữa đôi bờ đạo pháp và dân tộc.
Chuyên tâm nguyện cầu cho hòa bình an lạc; đem hết sức mình hoằng pháp ở đảo xa, những vị tu sĩ ở Trường Sa mong muốn gây dựng những khối tài sản tâm linh cho quân và dân miền biển đảo. Ấy là triết lý nhân sinh ở hiền gặp lành, tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống. Những yếu tố tinh thần ấy có tác dụng như những chiếc áo giáp, giúp quân và dân nơi biên thùy ứng xử một cách tự tin, vững vàng trước mọi biến cố của cuộc đời.
Những ngôi chùa ở Trường Sa có điểm rất đặc biệt, toàn bộ tên chùa, những bức hoành phi, câu đối... đều được viết bằng tiếng Việt, đường nét uyển chuyển, thanh tao mang đậm chất hồn Việt. Trong câu chuyện cùng chúng tôi, Đại đức Thích Tâm Thành, trụ trì chùa Sinh Tồn chia sẻ, được thực hành Phật sự ở Trường Sa là một vinh hạnh lớn.
Nơi đảo xa, sư thầy cố gắng hướng dẫn, giúp người dân ở đây tu học, nâng cao đời sống tinh thần, tâm linh. Ở đây, nắng, gió là vậy, nhưng trên bàn thờ Phật vẫn luôn có những nhánh chuối xanh, những trái đu đủ tươi ngon hái từ vườn nhà. Lòng thành con người nơi đây như rộng mở cùng biển cả, hướng về chân, thiện, mỹ; hướng về một cuộc sống no ấm, an lành.