Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, từ năm 2018, theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông đã xác định rõ: “Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương”.
Vì vậy, để trang bị cho học sinh những hiểu biết về đất và người Tây Ninh, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước thì văn thơ Tây Ninh là một nội dung được chú trọng nhất khi đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông. Thông qua các giờ học văn thơ Tây Ninh, các em học sinh có cơ hội tiếp xúc với nhiều tác phẩm, được trải nghiệm đọc, tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm.
Điều đó, đã giúp học sinh không chỉ phát huy được năng lực văn học mà còn cảm nhận được vẻ đẹp riêng của con người Tây Ninh trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Từ đó, các em biết đồng cảm, thấu hiểu, trân trọng những giá trị tinh thần của vùng đất và con người ở nơi mình đang sinh sống: những phong tục, tập quán, lối sống, tinh thần chiến đấu, lao động,…
Theo đó, từ năm 2006, ngoài văn học Việt Nam, văn thơ Tây Ninh được dạy trong nhà trường hai tiết/năm học với hai thể loại ca dao, thơ và truyện dân gian, truyện ngắn. Với thời lượng ít ỏi như vậy, học sinh chưa được cung cấp cái nhìn toàn cảnh về diện mạo văn học Tây Ninh, chưa khơi gợi học sinh tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu, lan tỏa nền văn học của tỉnh. Đến năm 2018, văn thơ Tây Ninh được tăng thời lượng chín tiết/năm học với nhiều thể loại hơn. Ngoài thơ, truyện còn có các bài lý luận, bài nghiên cứu và có cả các bài khái quát về các chặng đường phát triển của văn học tỉnh Tây Ninh.
Theo cô giáo Trương Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Thị Bé (huyện Gò Dầu), ở các tiết học, giáo viên giảng dạy cho học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực viết kết hợp nói và nghe, học sinh không chỉ được hình thành năng lực ngôn ngữ, năng lực sáng tạo, năng lực tự học, năng lực giao tiếp,… mà còn khơi gợi hứng thú tìm hiểu, nghiên cứu, mở rộng hiểu biết về tác giả, tác phẩm văn học Tây Ninh.
Vì vậy, việc dạy văn thơ Tây Ninh (còn gọi là chương trình giáo dục địa phương) không chỉ là sự tác động một chiều từ phía giáo viên mà học sinh còn là những chủ thể sáng tạo trong quá trình thuyết minh, giới thiệu tác giả, tác phẩm. Hoạt động này lan tỏa, tạo sự kết nối từ trang sách đến cuộc đời. Từ đó, học sinh có một góc nhìn mới về văn hóa truyền thống của con người ở địa phương để bồi đắp tình yêu, sự trân trọng, tự hào về quê hương của mình.
Từ năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông ở Tây Ninh đã được triển khai ở tất cả các lớp từ 1 đến 12; do đó, nội dung giáo dục địa phương cũng được triển khai đồng hành. Nghĩa là, từ đây học sinh sẽ được trang bị một cách toàn diện nhất về thành tựu mọi mặt của văn thơ Tây Ninh. Văn học nghệ thuật Tây Ninh được đưa vào giảng dạy trong chương trình bao gồm hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết.
Theo một giáo viên chuyên văn, văn học dân gian còn được đưa vào giảng dạy ở lớp 10 nhằm giới thiệu khái quát đặc điểm các thể loại của văn học dân gian Tây Ninh. Bởi nằm trong mạch ngầm phát triển của văn học Nam Bộ, truyện dân gian Tây Ninh có đầy đủ các thể loại như thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích..., nổi bật là những truyện, giai thoại về địa danh tên đất, tên người có công khai hoang lập ấp, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Văn vần phát triển phong phú, đa dạng như hát ru, hò, lý... nội dung phản ánh vẻ đẹp của quê hương và những phong tục tập quán trong lao động, sản xuất, chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về văn học viết, các chuyên đề “Thơ Tây Ninh”, “Truyện Tây Ninh” còn được giảng dạy ở lớp 11, 12. Trong chuyên đề “Thơ Tây Ninh”, học sinh được tiếp cận các tác phẩm: “Hoa Bạch Mai trên núi Bà” (Sương Nguyệt Anh), “Bức tranh xuân” (Thẩm Thệ Hà), “Về Tây Ninh” (Phan Kỷ Sửu), “Tình yêu người lính” (Ngọc Tình)... Ở chuyên đề “Truyện Tây Ninh”, các em có cơ hội tìm hiểu các tác phẩm: “Ngoài kia trời rộng nước trong” (Vân An), “Cà na đắng” (Nhất Phượng), “Mai rừng” (Phước Hội)... Những tác phẩm này mang đậm “chất Tây Ninh”, xây dựng hình ảnh những con người miền Đông chân chất, giản dị nhưng gan góc, can trường, ẩn chứa dòng chảy ngọt ngào của văn hóa phương nam.
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh Đặng Thị Phượng nhận định: Trong cuộc sống hiện nay, giới trẻ bị cuốn theo guồng quay hối hả của công nghệ số, xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách làm gia tăng nguy cơ thờ ơ với văn chương nói chung và văn học địa phương nói riêng.
Vì thế, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ngành giáo dục Tây Ninh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến cho giáo viên… Qua hoạt động học tập, trải nghiệm tác phẩm văn thơ Tây Ninh, sẽ giúp người trẻ và học sinh hiểu thêm về những giá trị văn hóa mà ông cha đã tạo dựng và giữ gìn để quê hương Tây Ninh mãi đẹp cho đến ngày hôm nay.