Chó nghiệp vụ được xếp loại vào vũ khí nhóm 1 của lực lượng Bộ đội Biên phòng, được coi là phương tiện chiến đấu hiệu quả, là “người bạn trung thành” luôn sát cánh cùng những chiến sĩ mang quân hàm xanh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, chiến đấu trấn áp tội phạm, giữ vững trật tự an ninh và tìm kiếm cứu nạn...
Trong đợt thiên tai, bão lũ lịch sử kéo dài suốt từ tháng 10 vắt qua tháng 11 năm 2020, cả một dải miền Trung ruột thịt như bị nhấn chìm trong biển nước, các vụ sạt lở đất đá liên tiếp xảy ra vùi lấp, cướp đi sinh mạng hàng chục người. Các lực lượng cứu hộ cứu nạn xác định rõ nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn là “chiến đấu trong thời bình”, làm nhiệm vụ theo “mệnh lệnh từ trái tim”. Trong đó, phải kể đến những đóng góp quan trọng của các phân đội chó nghiệp vụ thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng tham gia thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Để tìm hiểu, chúng tôi tìm đến Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường trung cấp 24 biên phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), là người thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn “xuyên qua” năm cơn bão.
Anh Kiên kể lại, ngay trong đêm ngày 14-10-2020, Đội tìm kiếm cứu nạn số 1 nhận lệnh hành quân và có mặt tại hiện trường vụ sạt lở tại Trạm Kiểm lâm Tiểu khu 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), nơi 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác của Quân Khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế gặp nạn. Đội số 1 gồm 10 cán bộ, huấn luyện viên và ba chó nghiệp vụ, do đồng chí Trung tá Quách Hiếu Thành, Phó Trưởng Khoa Giám biệt nguồn hơi chỉ huy.
Sau khi đến hiện trường vào buổi chiều cùng ngày, do trời tiếp tục mưa to, phạm vi khu vực sạt lở rộng, nhiều bùn nước ngập sâu, việc tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp của các lực lượng gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Đến 17 giờ 45, để bảo đảm an toàn cho các lực lượng, Ban Chỉ đạo ra lệnh thu quân về Sở chỉ huy tiền phương đóng tại trụ sở UBND xã Phong Xuân.
Đúng 5 giờ sáng ngày 15-10, Đội tiếp tục hành quân vào hiện trường sạt lở thực hiện nhiệm vụ. Sau hơn 5 giờ tìm kiếm, chó nghiệp vụ Pốc Ka do Thượng úy Nguyễn Văn Hưởng - Huấn luyện viên điều khiển, đã phát hiện vị trí có mùi hơi nạn nhân và cào bới báo hiệu. Đội trưởng đã đề nghị Ban chỉ đạo đưa máy xúc vào san gạt. Khi máy xúc tiến vào san gạt cách vị trí chó nghiệp vụ phát hiện nguồn hơi khoảng 5m đã phát hiện thi thể nạn nhân đầu tiên. Sau đó, mở rộng phạm vi đến vị trí chó nghiệp vụ đã xác định báo hiệu trước đó, cách khoảng 1,5m tìm thêm được sáu thi thể nạn nhân khác. Đến 19 giờ 15 phút cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể cuối cùng và kết thúc công tác tìm kiếm.
Ở mũi xuất kích khác sau đó ba ngày, Đội tìm kiếm cứu nạn số 2 gồm sáu cán bộ, huấn luyện viên và ba chó nghiệp vụ thuộc Cụm cơ động chó nghiệp vụ 4 (miền Trung), do đồng chí Trung tá Trần Hiệp Sỹ - Cụm trưởng chỉ huy, đã ngay lập tức lên đường vào lúc 3 giờ sáng ngày 18-10 để tham gia tìm kiếm các nạn nhân tại khu vực thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nơi quả núi bất ngờ đổ ập xuống Đoàn Kinh tế quốc phòng 337/Quân khu 4 khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp.
Do điều kiện lũ chia cắt các tuyến đường quốc lộ, xe không thể vào để vận chuyển huấn luyện viên và chó nghiệp vụ, đơn vị đã sử dụng phương tiện của dân trên địa bàn di chuyển trong mưa đến ngay hiện trường. Sau khi vào hiện trường, Đội đã tiến hành quan sát, khảo sát nhưng do thời tiết mưa to và tiếp tục có nguy cơ sạt lở, Ban chỉ đạo lệnh cho các lực lượng rút khỏi hiện trường.
Đến 5 giờ 30 phút ngày 19-10, Đội tiếp tục có mặt tại hiện trường điều khiển chó nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm. Chỉ sau khoảng 1 giờ tìm kiếm, chó nghiệp vụ Kô Man do Huấn luyện viên Nguyễn Đức Vượng điều khiển, đã phát hiện nguồn hơi nạn nhân và báo hiệu cào bới, kêu sủa. Ngay lập tức, Đội trưởng lệnh đưa chó nghiệp vụ Tô Sen do Huấn luyện viên Đàm Ngọc Vinh điều khiển kiểm tra chéo. Sau khi chó Tô Sen cũng báo hiệu có mùi hơi nạn nhân, chó Kô Man tiếp tục kiểm tra lần thứ ba báo hiệu chính xác, Đội trưởng lệnh cho huấn luyện viên Nguyễn Đức Vượng cắm cờ đánh dấu vị trí thứ nhất chó nghiệp vụ tìm thấy nguồn hơi nạn nhân và báo cáo lên Ban Chỉ đạo.
Cùng thời gian đó, ở vị trí khác cách 10m, chó nghiệp vụ Tô Sen phát hiện vị trí thứ hai có nguồn hơi nạn nhân. Đến 7 giờ 40 chó nghiệp vụ Tô Sen tiếp tục phát hiện vị trí thứ ba có nguồn hơi nạn nhân. Căn cứ vào các vị trí chó nghiệp vụ tìm thấy nguồn hơi nạn nhân, Ban Chỉ đạo đưa lực lượng, phương tiện vào san gạt, đào múc.
Đến khoảng 9 giờ 30 tại vị trí thứ nhất, tìm được hai thi thể nạn nhân; khoảng 11 giờ tại vị trí thứ 2 tìm được hai thi thể nạn nhân; khoảng 12 giờ 30 tại vị trí thứ 3 tìm được một thi thể nạn nhân. Cả năm thi thể nạn nhân được tìm thấy đều ở độ sâu từ 1,5 đến 2m. Đến 15 giờ 10 phút ngày 19-10-2020 các nạn nhân cuối cùng được tìm thấy, kết thúc công tác tìm kiếm.
Chưa đầy một tuần sau, ngày 24-10, Đội tìm kiếm cứu nạn số 3 lại nhận lệnh lên đường tham gia tìm kiếm cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đội gồm 10 cán bộ, huấn luyện viên và ba chó nghiệp vụ, do đồng chí Thượng tá Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Khoa Giám biệt nguồn hơi đích thân chỉ huy.
Đêm cùng ngày, Đội số 3 đã có mặt tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng do trời vẫn tiếp tục mưa nên Ban Chỉ đạo tạm hoãn vào tìm kiếm. Đến 9 giờ 30 phút ngày 26-10, Đội đã hành quân vào khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 và phối hợp với các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích.
Sau hơn 6 giờ tìm kiếm, Đội đã xác định được hai vị trí có nguồn hơi nghi vấn (nghi nạn nhân bị vùi lấp) và báo cáo Ban Chỉ đạo đưa phương tiện vào đào, múc phát hiện thấy chăn, màn của nạn nhân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 9, ngày 27-10, Ban Chỉ đạo lệnh cho Đội tạm thời dừng công tác tìm kiếm tại công trường Thủy điện Rào Trăng 3, và thu quân về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
“Mặc dù ngày 27-10 tạm dừng nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn nhưng phải đến 28-11 chúng tôi mới về. Vì khi vào đến hiện trường thì bị “dính” tới năm cơn bão nên anh em không làm gì được, phải đóng quân tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay sau khi bão dứt thì anh em chúng tôi chạy đua với thời gian và đưa chó nghiệp vụ lên tiếp tục làm việc. Anh em mỗi ngày đều hành quân từ tờ mờ sáng, khi con gà còn chưa dậy, đến tối sập mới quay về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh”, Thượng tá Nguyễn Trung Kiên nhớ lại.
Anh Kiên kể, hiện trường thực hiện tìm kiếm là một vùng rộng lớn có độ dốc cao hàng trăm mét, trong quá trình các lực lượng và chó nghiệp vụ tiến hành tìm kiếm đất đá vẫn tiếp tục sạt xuống rất nguy hiểm. Lúc đó, anh em bảo nhau là phải có phương án sơ tán, thấy chỗ nào nguy hiểm thì ngay lập tức dắt chó lùi, chạy về chỗ an toàn nhất. Rồi bảo anh em máy múc, máy xúc phải cào, múc hạ thấp dần, chứ không múc dưới chân, đất đá sẽ ụp xuống ngay.
Anh Kiên cho biết, trong quá trình sử dụng chó nghiệp vụ để tìm kiếm nạn nhân, cứ sau mỗi 30 phút tìm kiếm thì lại cho chó nghỉ khoảng 10 phút để hồi sức, rồi lại tiếp tục tìm kiếm. “Mỗi lần nghỉ, nhìn chân chó tứa máu vì bị đá dăm, đá sắc cắt, nhiều người đã không cầm được nước mắt”, anh Kiên xúc động nói.
Lần theo câu chuyện về những chú chó nghiệp vụ tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi tìm về Trường trung cấp 24 biên phòng (trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) - một ngôi trường đặc biệt, là nơi đào tạo huấn luyện viên sử dụng chó nghiệp vụ có trình độ sơ cấp, trung cấp với các chuyên ngành: Huấn luyện chó chiến đấu, huấn luyện chó tìm kiếm cứu nạn, huấn luyện chó phát hiện ma túy, thuốc nổ; tuyển chọn giống chó, huấn luyện chó nghiệp vụ; nghiên cứu khoa học về chăn nuôi... Trường vừa là đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa trực tiếp chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giao.
Tiếp chúng tôi tại địa điểm đóng quân của Nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đại tá Trần Quang Phê, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trải qua hơn 61 năm kể từ khi thành lập, với tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, lòng yêu ngành, mến nghề, các thế hệ cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên, công nhân viên, học viên, chiến sĩ đã cùng đơn vị phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo huấn luyện viên, nuôi dạy, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ, xây dựng Nhà trường thành đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống của lực lượng Bộ đội Biên phòng Anh hùng.
Hằng năm, Nhà trường đào tạo được rất nhiều huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ, đưa đi làm nhiệm vụ tại tất cả các trạm tuyến biên phòng bố trí dọc theo chiều dài Tổ quốc, tại các khu vực biển đảo. Đội ngũ huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ của Nhà trường đã có nhiều thành tích, nổi bật là các chiến công đánh bắt, triệt xóa các băng nhóm tội phạm ma túy, tham gia tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ đắc lực cho công tác điều tra hình sự của lực lượng điều tra hình sự Bộ đội Biên phòng, tham gia đấu tranh với các loại băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức...
Đặc biệt năm 2020, ngay sau Tết, Nhà trường đã triển khai lực lượng tham gia cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng các địa phương, làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống Covid-19 tại các tuyến biên giới.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Nhà trường luôn sẵn sàng chi viện, bảo đảm đủ quân số và chó nghiệp vụ để tăng cường cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các chốt, tổ kiểm soát biên giới. “Khi nào có lệnh là chúng tôi xuất phát”, Đại tá Phê khẳng định. Đồng thời, song song với nhiệm vụ phòng, chống Covid-19, công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại tại một số tỉnh phía nam cũng nổi lên rất cam go. Do đó, Bộ Tư lệnh cũng đã điều động lực lượng cơ động của Nhà trường để tăng cường. Hiện nay, bảy huấn luyện viên cùng bảy chó nghiệp vụ của Nhà trường vẫn đang “cắm chốt” làm nhiệm vụ chống buôn lậu tại các vùng trọng điểm này.
Đại tá Phê cho biết, ngoài thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, huấn luyện, Nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ cơ động chiến đấu và chiến đấu. Hiện nay, ngoài địa điểm đóng quân trên địa bàn huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, Nhà trường còn có năm cụm cơ động chiến đấu tại năm địa bàn trọng điểm. Cụm cơ động số 1 đóng quân tại Hà Nội; Cụm số 2 đóng quân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Cụm số 3 đóng quân trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Cụm số 4 đóng quân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Riêng Cụm số 5 được chia làm hai đội, đóng quân trên địa bàn hai tỉnh: Điện Biên và Lai Châu.
Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Nhà trường đã có những bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực công tác. Chất lượng giáo dục - đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học của Nhà trường ngày càng được nâng cao, uy tín, thương hiệu ngày càng được khẳng định, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ghi nhận, biểu dương, khen thưởng.
Để hiểu rõ hơn về công tác huấn luyện chó nghiệp vụ của Nhà trường, chúng tôi tìm xuống các khoa chuyên môn hỏi chuyện. Tiếp chúng tôi tại Khoa huấn luyện chó chiến đấu, Trung tá Hoàng Ngọc Sáng, Trưởng khoa chia sẻ kinh nghiệm “chọn chó” để huấn luyện. Trước hết, căn cứ từ nhu cầu đào tạo, huấn luyện chó theo chuyên ngành nào sẽ tuyển chọn các loại chó cho chuyên ngành đó. Thông thường, công tác tuyển chọn chó gồm nhiều giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là chó sơ sinh, chó con được tuyển chọn theo bầy đàn và tổ chức chăn nuôi. Kết thúc giai đoạn 1 thì tiến hành tuyển chọn chó choai, là khi con chó phát triển đến tầm choai đã dần hoàn thiện về ngoại hình, thần kinh...và bắt đầu bộc lộ những tố chất liên quan đến chuyên ngành, như chiến đấu hay giám biệt nguồn hơi.
Chuyên ngành chó chiến đấu được chia ra thành hai chuyên ngành nhỏ là chó bảo vệ và chó truy lùng. Chó bảo vệ sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu chính trị, quân sự, hay phục kích, tập kích tội phạm, canh giữ, dẫn giải... Chó truy lùng sử dụng trong tuần tra, bảo vệ biên giới, lùng sục, bắt giữ tội phạm lẩn trốn... Còn chuyên ngành giám biệt nguồn hơi, chó nghiệp vụ được huấn luyện để sử dụng trong hỗ trợ điều tra hình sự, phát hiện chất nổ, ma túy, tìm kiếm cứu nạn...
Những chú chó huấn luyện theo chuyên ngành chiến đấu phải đáp ứng yêu cầu có thể lực, thể hình tốt (to lớn), có khả năng làm việc trong thời gian dài, khả năng tấn công mục tiêu, cắn bắt phải thật tốt, có thiên hướng “hung dữ”. Đối với chó giám biệt nguồn hơi thì không yêu cầu thể hình phải to lớn, nhưng phải đáp ứng yêu cầu tố chất khứu giác thật sự tốt.
Sau khi tuyển chọn được chó theo chuyên ngành nào, chó sẽ được đưa vào huấn luyện theo đúng chuyên ngành đó. Công tác huấn luyện cũng được chia làm các giai đoạn, trước hết là giai đoạn huấn luyện cơ bản bắt buộc, áp dụng chung cho tất cả các chuyên ngành. Đây là giai đoạn rèn luyện cho chó có thể lực tốt, có tính kỷ luật tốt. Sau khi kết thúc huấn luyện cơ bản, chó sẽ được huấn luyện theo các bài tập chuyên ngành.
Thông thường, một chú chó nghiệp vụ phải mất khoảng từ chín tháng đến một năm để tốt nghiệp khóa huấn luyện cơ bản và chuyên ngành, trước khi có thể sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, đối với huấn luyện chó sử dụng cho các chuyên án lại có chương trình huấn luyện riêng, hoặc chó nghiệp vụ tham gia huấn luyện chuyên sâu sẽ mất thời gian lâu hơn để có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Trung tá Hoàng Ngọc Sáng thổ lộ, mối liên hệ giữa huấn luyện viên và chó nghiệp vụ là một mối liên hệ đặc biệt, giống như “thầy-trò”, cùng nhau huấn luyện, cùng nhau chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ, cùng nhau trải nghiệm những kỷ niệm khó quên.
Có những chú chó nghiệp vụ rất tình cảm, “quấn chủ”, khiến cho công tác bàn giao rất khó khăn mỗi khi huấn luyện viên được nghỉ phép. “Thầy” nghỉ phép mà không “dắt tay” bàn giao thì “trò” không ăn, không theo người khác, không thả được, không dắt được và đặc biệt là không “bảo” được. Cho nên, huấn luyện viên phải tranh thủ về với gia đình mấy hôm rồi lại nhanh nhanh chóng chóng quay lên với chó, sợ chó ốm. Thậm chí, có những khi “trò” ốm, các “thầy” lo lắng tới mức xuống trực dưới chuồng để chăm.
Còn Thượng tá Nguyễn Trung Kiên kể rằng, mỗi khi chó ốm phải truyền nước, anh em huấn luyện viên phải ngồi vuốt ve để cho bác sĩ thú y thao tác. Chó ốm không ăn được, huấn luyện viên phải bón cho chó từng chút một.
“Có những huấn luyện viên chưa biết bón cháo cho con nhưng mà đã biết bón cháo cho chó. Có những sĩ quan đã bón cháo cho chó gần như cả khóa huấn luyện. Nghề huấn luyện chó nghiệp vụ là một nghề vất vả, có khi gia đình có việc quan trọng chưa về được nhưng chó ốm là ở lại chăm”, anh Kiên nói.
Bên cạnh đó, nghề huấn luyện chó nghiệp vụ cũng vô cùng nguy hiểm. Trong quá trình huấn luyện, khả năng xảy ra mất an toàn là có, nhất là trong những tình huống không thể lường trước được.
“Việc bị chó cắn phải trong quá trình huấn luyện thường xảy ra. Cho nên, chúng tôi nói vui làm nghề huấn luyện chó mà chưa có sẹo thì chưa phải là huấn luyện viên”, anh Kiên vừa cười vừa xắn tay áo khoe chúng tôi những vết sẹo.
Trung tá Hoàng Ngọc Sáng cho biết, bên cạnh những khó khăn, vất vả, nghề huấn luyện chó nghiệp vụ còn là một nghề đòi hỏi lòng đam mê, sự kiên trì và đặc biệt là phải yêu mến chó, coi chó là “người bạn” thì mới có thể thành công được.
“Huấn luyện viên nào mà sợ nguy hiểm một chút, ngại khó một chút, rồi sợ bẩn một chút cũng khó thành công. Anh nào nóng vội, muốn nhanh một chút cũng không được. Ai cũng muốn huấn luyện chó nhanh có kết quả, muốn sớm có thành tích mà “ép” chó là hỏng việc ngay”, anh Sáng chia sẻ.
Anh Sáng cho biết thêm, làm huấn luyện chó nghiệp vụ cũng cần sự sáng tạo, tùy từng đặc điểm hành vi của mỗi chú chó mà có cách “khen thưởng” khác nhau. Có chú chó thì thích đồ ăn thưởng, nhưng lại có chú chó chỉ thích quả bóng để chơi, coi như phần thưởng sau luyện tập vậy. Cho nên, huấn luyện viên phải tìm tòi, nắm bắt và đưa ra phương pháp phù hợp.
“Nhưng bù lại những khó khăn, vất vả và nguy hiểm, nghề huấn luyện chó nghiệp vụ cũng rất thú vị. Đôi khi đơn giản chỉ là chú chó có được phản xạ sau thời gian huấn luyện là mình thấy phấn chấn lắm”, anh Sáng cười nói.
Thượng tá Nguyễn Trung Kiên kể về một kỷ niệm khó quên, khi anh còn làm giáo viên giảng dạy khóa 10 chó nghiệp vụ phát hiện ma túy, trong khóa học có một anh học viên buồn rầu xin gặp riêng nhờ dạy cách giải quyết vấn đề chú chó tên Tôm Hôm không chịu “cắp” bất cứ một vật gì, gây ảnh hưởng đến hiệu quả huấn luyện. Anh Kiên cũng đi hỏi lại các thầy của mình, tìm đủ cách từ nướng khúc xương đến nhét thức ăn vào quả bóng, rồi câu, kéo, dẫn mà vẫn không xử lý được, chú chó Tôm Hôm cứ “ỳ ra”.
Cho đến một hôm, bực mình vì các học viên không chịu dọn những mảng xốp trên thao trường, anh Kiên tung chân đá thì bất ngờ chú chó Tôm Hôm phi ra cắp. Kể từ đó, thầy trò anh Kiên sử dụng chính miếng xốp để làm vật dẫn đưa vào huấn luyện. Kết thúc khóa, Tôm Hôm tốt nghiệp đạt loại khá.
Cùng với những niềm vui trong công việc, Trung tá Hoàng Ngọc Sáng khẳng định nghề huấn luyện chó nghiệp vụ cũng rất vinh quang khi những chú chó dưới sự điều khiển của huấn luyện viên đạt được những thành tích, lập được những chiến công.
Trong hơn 10 năm trở lại đây, lực lượng chó nghiệp vụ của Trường trung cấp 24 biên phòng liên tục lập nhiều thành tích nổi bật. Trong đó, điển hình như tham gia phá chuyên án ma túy lớn (chuyên án 470) vào tháng 11-2009 tại tỉnh Sơn La. Đội cơ động sử dụng chó nghiệp vụ của Nhà trường đã phối hợp cùng với lực lượng phòng chống tội phạm ma túy của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, mật phục đánh bắt hai đối tượng vận chuyển ma túy có vũ trang từ Lào vào Việt Nam, thu giữ 50 bánh heroin, 398 viên ma túy tổng hợp, hai súng quân dụng và nhiều tang vật khác.
Giữa năm 2015, trong khi tham gia phối hợp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, Đội BP-14 đã phối hợp đánh bắt ba đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy, thu giữ tổng cộng 180 bánh heroin, 20.000 viên ma túy tổng hợp, bốn súng quân dụng và nhiều tang vật.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc sử dụng chó nghiệp vụ trong công tác tìm kiếm cứu nạn đạt nhiều kết quả. Với thành tích nổi bật nhất trong năm 2020, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương đã tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân thuộc Nhà trường vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Những kết quả trên cho thấy công tác huấn luyện chó nghiệp vụ tham gia chiến đấu, bảo vệ biên giới và tìm kiếm cứu nạn của Nhà trường có nội dung, chương trình huấn luyện sát với thực tiễn, từ đó phát huy tính năng, tác dụng của chó nghiệp vụ và mang lại hiệu quả thiết thực.
Trước khi chia tay, Đại tá Trần Quang Phê, Hiệu trưởng Trường trung cấp 24 biên phòng tiết lộ với chúng tôi rằng, năm 2020 vừa qua là một năm rất nhiều “cảm xúc” của tập thể cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên của Nhà trường. Bên cạnh những nhiệm vụ thực hiện trong nước, Nhà trường được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giao nhiệm vụ tổ chức huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia cuộc thi “Người bạn trung thành” tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) năm 2020 tại Liên bang Nga.
Mặc dù mới lần đầu tiên tham gia thi đấu tại một đấu trường quốc tế, nhưng tập thể cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên của Nhà trường đã quyết tâm vượt qua những khó khăn về điều kiện thời tiết, điều lệ thi đấu, khác biệt về trang thiết bị...để đạt thành tích rất khả quan, đứng thứ 4/8 đội tham gia và là đội tuyển duy nhất lần đầu tham gia đã đoạt giải thưởng (tính đến Hội thao năm 2020), gồm Cúp vàng: Giải Ba đồng đội bài thi “Tay súng thiện xạ”; Cúp vàng: Đội tuyển có nhiều nỗ lực cố gắng nhất trong cuộc thi; Huy chương Bạc cá nhân bài thi “Tay súng thiện xạ” (Thiếu tá Vũ Khắc Biên - huấn luyện viên và Chó nghiệp vụ Mai Lốc), và một số khen thưởng cá nhân khác.
Ngày xuất bản: 3-3-2021
Chỉ đạo sản xuất: NGUYỄN NGỌC THANH
Nội dung: NGUYÊN MINH
Ảnh, đồ họa: DUY LONG