Vụ án tại SAGRI: Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến bị tuyên phạt 6 năm tù

NDO -

Chiều 18/12, Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí,  “tham ô tài sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “che giấu tội phạm” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Các bị cáo liên quan đến vụ án SARGI tại phiên tòa sơ thẩm.
Các bị cáo liên quan đến vụ án SARGI tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo đó, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) cùng 18 bị cáo bị truy tố ra tòa do có liên quan đến việc chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức) do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử nhận định, với vai trò là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú dù biết rõ dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa thực hiện thoái vốn, trước khi chuyển nhượng phải thẩm định giá, tổ chức đấu giá nhưng vẫn ký quyết định chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án trái pháp luật.

Bị cáo Lê Tấn Hùng (cựu Tổng Giám đốc SAGRI) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chuyển nhượng dự án nhà ở trái pháp luật cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú. Bị cáo Hùng biết dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa thực hiện thoái vốn, trước khi chuyển nhượng phải thẩm định giá, tổ chức đấu giá… nhưng vẫn thực hiện chuyển nhượng. Ngoài ra, năm 2016, bị cáo Lê Tấn Hùng đã chỉ đạo cấp dưới lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài, chiếm đoạt hơn 13,3 tỷ đồng của SAGRI để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo trong vụ án là nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến uy tín cơ quan Nhà nước đối với nhân dân, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền rất lớn. Các bị cáo phạm tội vì động cơ cá nhân.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Vĩnh Tuyến 6 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Cùng tội danh với bị cáo Tuyến, bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh) cũng bị tuyên phạt 6 năm tù.

Bị cáo Lê Tấn Hùng bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và 14 năm tù về tội “tham ô tài sản”. Tổng hình phạt là 25 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng SAGRI) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, 9 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Tổng hình phạt là 20 năm tù.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo: Vân Trọng Dũng 6 năm tù, Hồ Văn Ngon 5 năm tù, Lê Văn Thanh 5 năm tù, Phan Trường Sơn 5 năm tù và Nguyễn Thanh Chương 5 năm tù. Hai bị cáo Trần Quốc Đạt và Lê Tấn Hòa cùng bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Các bị cáo này cùng tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Thị Tuyết Mai 6 năm tù, Trần Văn Trường 7 năm tù, Đoàn Quang Hồi 8 năm tù, Nguyễn Thị Nguyên 5 năm tù, Đỗ Sĩ Hoài Thanh 5 năm tù cùng về tội “tham ô tài sản”. Tuyên phạt 2 bị cáo Dư Huy Quang, Nguyễn Thị Thanh An 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Riêng bị cáo bị Lê Thị Diệp Cẩm bị phạt 3 năm tù về tội “che giấu tội phạm” nhưng cho hưởng án treo.