Vòng một bầu cử Tổng thống Pháp: Lặp lại kịch bản 2017

NDO -

Theo kết quả sơ bộ của vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen dẫn đầu và lọt vào vòng 2 diễn ra vào ngày 24/4, như kịch bản năm 2017. Ngay trong tối 10/4, nhiều ứng cử viên của cả cánh tả và hữu kêu gọi cử tri dồn phiếu cho ông Emmanuel Macron.

Ông Emmanuel Macron kêu gọi cử tri dồn phiếu trong vòng hai vì chiến thắng ở phía trước. (Le Figaro)
Ông Emmanuel Macron kêu gọi cử tri dồn phiếu trong vòng hai vì chiến thắng ở phía trước. (Le Figaro)

Kết quả của các cuộc thăm dò trước bầu cử đã đúng với kết quả bỏ phiếu của vòng một dù ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã tiến rất nhanh. Với số phiếu bầu hơn 28%, Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron đã bỏ xa ứng cử viên Marine Le Pen (hơn 23%) và bất ngờ động trời đã không xảy ra như một số nhà phân tích lo ngại trước ngày bầu cử rằng bà Marine Le Pen có thể dẫn đầu hoặc vào vòng hai cùng ông Jean-Luc Mélenchon (Đảng cực tả Nước Pháp bất khuất).   

Đúng như dự báo, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu ở mức rất cao, khoảng 27%. Điều này phản ánh đúng kết quả thăm dò dự báo rằng, rất nhiều cử tri Pháp không có ý định đi bỏ phiếu.

Về thứ ba là ông Jean-Luc Mélenchon với hơn 21% số phiếu thuận, cao hơn so với dự báo và cả kết quả năm 2017 (19,58%). Ứng cử viên này đã thu hút được rất đông cử tri trẻ và có thể là nguồn hỗ trợ rất lớn cho ông Emmanuel Macron trong vòng hai.

Trong khi đó, hai đảng tả hữu truyền thống gồm đảng Xã hội (PS) và Đảng Những người Cộng hòa (LR) có kết quả thấp nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống Pháp. Ứng cử viên Anne Hidalgo (PS) chỉ được khoảng 1,9% phiếu bầu so với 6,36% vào năm 2017, còn số phiếu bầu dành cho ứng cử viên Valérie Pécresse (LR) chỉ bằng 1/3 so với kỳ bầu cử trước. Kết quả này cho thấy hai đảng PS và LR từng thống trị chính trường Pháp tiếp tục xuống dốc nghiêm trọng kể từ năm 2017.

Trong số 12 ứng cử viên, có tới 8 người trong đó có ứng cử viên Fabien Roussel (Đảng Cộng sản Pháp, 2,5%) không giành được quá 5% số phiếu bầu và sẽ chỉ được Nhà nước hoàn trả tiền bầu cử ở mức rất thấp, 4,75% (tương đương 800 nghìn euro) trong tổng số mức chi tối đa cho phép (16,8 triệu euro) cho công tác truyền thông và vận động tranh cử.

Ngay sau khi có kết quả sơ bộ, nhiều ứng cử viên và các quan chức địa phương của cả cánh hữu và cánh tả đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông Emmanuel Macron trong vòng hai. Ông Mélenchon kêu gọi cử tri ủng hộ mình không dành phiếu nào cho bà Le Pen vào ngày 24/4. Bà Anne Hidalgo, ứng cử viên của Đảng Xã hội cùng với bà Valérie Pécresse (ứng cử viên của Đảng LR), ông Yannick Jadot (ứng cử viên của Đảng Xanh) và ứng cử viên Fabien Roussel của Đảng Cộng sản Pháp cũng lên tiếng ủng hộ ông Emmanuel Macron trong vòng hai, đồng thời kêu gọi cử tri cùng ngăn bà Marine Le Pen không có cơ hội nắm quyền. 

Phát biểu trước những người ủng hộ ở Paris, Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron cảm ơn cử tri ủng hộ ông trong vòng một và cả tuyên bố dồn phiếu của một số ứng cử viên khác. Ông bày tỏ tin tưởng rằng đa số cử tri sẽ tham gia mặt trận chống ứng cử viên cựu hữu Marine Le Pen trong vòng hai. Dù vậy ông cũng nhắc nhở cử tri ủng hộ rằng, chiến thắng chung cuộc còn ở phía trước và hai tuần tới sẽ có ý nghĩa quyết định đối với nước Pháp và cả châu Âu.

Ông Emmanuel Macron cũng cam kết dành ưu tiên để cải thiện sức mua, đưa nước Pháp vượt qua các thách thức về khí hậu, sinh thái. Ông cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng nước Pháp độc lập và mạnh về kinh tế, sinh thái, nông nghiệp, văn hóa cũng như khoa học.

Kết quả của vòng một cũng phán đúng sự quan tâm hiện nay của cử tri Pháp, đó là những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày như sức mua, giá cả tăng vọt. Chính vì vậy, Đảng Xanh chỉ có dưới 5% phiếu bầu, thấp hơn rất nhiều so với các cuộc bầu cử địa phương và châu Âu trước đây. 

Kết quả vòng một cho thấy bà Marine Le Pen đã vận động rất hiệu quả trong kỳ bầu cử này vào thời điểm nước Pháp liên tiếp trải qua khủng hoảng. Phát biểu trước tri ủng hộ trong tối 10/4, bà cam kết sẽ đưa nước Pháp trở lại "trật tự" trong 5 năm tới. Ứng cử viên Éric Zemmour có 7% phiếu bầu đã lên tiếng ủng hộ bà Le Pen trong vòng hai.  

Chỉ trong vòng một tháng trước bầu cử, bà Marine Le Pen đã có bước tiến rất nhanh từ lúc chỉ có hơn 14% cử tri có ý định bầu cho bà, lên tới hơn 24-25% trước giờ bỏ phiếu. Theo khảo sát của Viện Elabe, trong vòng một, bà Marine Le Pen đã thu hút được nhiều sự ủng hộ của người lao động và người làm công ăn lương hơn các ứng cử viên khác.

Theo kết quả khảo sát do Viện Ipsos và Ifop công bố trong tối 10/4, ông Emmanuel Macron có thể giành được 51-54% phiếu bầu so với 46-49% của bà Marine Le Pen để tái đắc cử.

Nhìn chung tình hình sau bầu cử vòng một đang có lợi cho ông Emmanuel Macron. Tuy nhiên bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Nếu ứng cử viên nào vận động được thêm sự ủng hộ của những người vắng mặt rất nhiều trong vòng một (khoảng 27%) và cả tri ủng hộ những ứng cử viên dừng bước ở vòng một sẽ có lợi thế rất lớn để về đích trong vòng hai diễn ra vào ngày 24/4.

Dự kiến, hai ứng cử viên lọt vào vòng hai sẽ có buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào tối 20/4.