Vòng hai bầu cử Tổng thống Pháp: Tỷ lệ đi bầu cao hơn vòng một

NDO -

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, tỷ lệ đi bỏ phiếu tính đến 12 giờ trưa (giờ địa phương) đạt 26,41%, cao hơn so với vòng một vào ngày 10/4 (25,48%) và thấp hơn năm 2017 (28,23%).

Kết quả đi bỏ phiếu tính tới 12 giờ ở Pháp. Ảnh: Bộ Nội vụ Pháp.
Kết quả đi bỏ phiếu tính tới 12 giờ ở Pháp. Ảnh: Bộ Nội vụ Pháp.

Bắt đầu từ 8 giờ sáng, các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp mở cửa để đón khoảng 48,7 triệu cử tri đi bỏ phiếu bầu ông Emmanuel Macron hoặc bà Marine Le Pen làm người lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới.

Kể từ năm 2016, theo quy định bầu cử, các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào hồi 19 giờ. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa sớm hoặc muộn hơn một giờ tùy theo quyết định của cơ quan bầu cử địa phương. Trong ngày 23/4, công dân Pháp sinh sống tại các vùng lãnh thổ hải ngoại hoặc ở nước ngoài đã đi bỏ phiếu sớm.

Kết quả thăm dò trước ngày bầu cử vòng hai cho thấy, ông Emmanuel Macron có cơ hội rất lớn để tái đắc cử dù vẫn có một số yếu tố khó đoán và rủi ro như tỷ lệ vắng mặt có thể ở mức cao, số cử tri âm thầm ủng hộ hay quyết định bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen vào phút chót.

Cho tới sát giờ bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vẫn là một ẩn số lớn của vòng hai bầu cử Tổng thống Pháp 2022. Theo các cuộc thăm dò dư luận cuối cùng được thực hiện ngày 22/4, tỷ lệ cử tri vắng mặt có khả năng sẽ cao hơn vòng một, ở mức từ 27-29%.

Lý do là vì nhiều gia đình ở Pháp đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh kéo dài 2 tuần. Tiếp đó là có gần một nửa trong hơn 7,7 triệu cử tri ủng hộ ông Jean-Luc Mélenchon, về thứ ba trong vòng một với tỷ lệ phiếu bầu là 21,95%, được dự báo không đi bỏ phiếu vì không ủng hộ cả ông ông Emmanuel Macron lẫn bà Marine Le Pen. Nếu tỷ lệ cử tri vắng mặt cao, ông Emmanuel Macron được cho là sẽ gặp bất lợi hơn bà Marine Le Pen.

Tuy nhiên, kết quả của tất cả các cuộc thăm dò dư luận tại Pháp trước vòng 2 đều dự đoán ông Emmanuel Macron sẽ chiến thắng bà Marine Le Pen với cách biệt 9-10 điểm. Đa số cử tri Pháp nhận định, sau khi không áp đảo được ông Macron trong phiên tranh luận truyền hình tối ngày 20/4, bà Marine Le Pen có rất ít cơ hội thu hẹp khoảng cách lớn với ông Macron.        

Đúng 20 giờ ngày 24/4 theo giờ Paris, kết quả sơ bộ vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 sẽ được công bố.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến tổ chức buổi mít-tinh ngay sau khi biết kết quả ở quảng trường Champs-de Mars ở chân tháp Eiffel tại thủ đô Paris.

Từ ngày 22/4, Sở Cảnh sát thủ đô Paris đã ra thông báo thiết lập vành đai an ninh quanh khu vực này, từ 17 giờ ngày 24/4 đến 4 giờ sáng ngày 25/4 cùng với việc lắp đặt sân khấu và màn hình lớn tại đây.

Trong khi đó, đội ngũ tranh cử của bà Marine Le Pen cho biết, trong trường hợp chiến thắng, bà Marine Le Pen sẽ tổ chức một đoàn diễu hành trên nhiều tuyến phố và quảng trường lớn ở thủ đô Paris gồm quảng trường Concorde và quảng trường Cộng hòa.

Kết quả bầu cử được cả dư luận ở Pháp và thế giới quan tâm theo dõi. Lý do là vì hai ứng cử viên có tầm nhìn khác hẳn nhau về các chính sách của Pháp, nước lớn thứ hai trong khu vực đồng tiền chung euro trong 5 năm tới. Bất kỳ ai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp lần này sẽ có ảnh hướng đến khu vực EU và thế giới.

Đối với nước Pháp, kết quả bầu cử hôm nay sẽ định hình tương quan lực lượng cho cuộc bầu cử quan trọng sắp tới, đó là bầu cử Quốc hội vào tháng 6. Nếu tái đắc cử, ông Emmanuel Macron sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì kết quả bầu cử lần này cho thấy nền chính trị Pháp đang hình thành ba lực lượng chính trị gồm: phe trung hữu xoay quanh đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) của ông Macron, phe cực hữu với sự kết hợp của đảng Tập hợp quốc gia (LR) của bà Marine Le Pen cùng đảng Tái chinh phục (PR) của ông Éric Zemmour và phe cánh tả với sự liên minh của đảng Nước Pháp bất khuất (LFI) của ông Jean-Luc Mélenchon, đảng Cộng sản Pháp (PCF) và đảng Sinh thái (EELV).

Bà Marine Le Pen đang hy vọng những yếu tố khó lường và bất ngờ có thể xảy ra để bước lên nấc thang quyền lực cao nhất của nước Pháp. Còn với ông Emmanuel Macron đang có cơ hội rất lớn để tái đắc cử như ông Jacques Chirac vào năm 2002.