Liên minh vaccine Gavi, cơ quan cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), điều hành cơ chế COVAX, vừa vui mừng thông báo, trong tháng 1 năm nay, COVAX có 436 triệu liều vaccine để phân bổ cho các quốc gia.
Tuy nhiên, các nước có thu nhập thấp chỉ đề nghị phân phối 100 triệu liều vào cuối tháng 5 tới, do đó, cơ chế COVAX còn dư tới hơn 300 triệu liều.
Ðây là lần đầu trong 14 lần phân bổ mà COVAX đã thực hiện, nguồn cung vaccine cao hơn nhu cầu sử dụng của các quốc gia. Theo Gavi, COVAX có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu hiện tại, song thừa nhận việc phân phối vaccine vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại một số nước nghèo. Nhiều quốc gia đang trong tình trạng "miễn cưỡng" tiếp nhận thêm vaccine do hệ thống y tế yếu kém không có khả năng triển khai các chiến dịch tiêm chủng nhanh và trên diện rộng.
Năm 2021, các nước phát triển đã đặt mua phần lớn số vaccine được sản xuất để tiêm cho người dân. Theo thống kê, chỉ có khoảng 30% dân số ở các nước nghèo đã được tiêm phòng, thấp hơn nhiều so tỷ lệ 70% tại các quốc gia giàu có. Tuy nhiên, khi nguồn cung và các khoản quyên góp gia tăng, các nước có thu nhập thấp lại phải đau đầu tìm đáp án cho nhiều bài toán khó như không đủ thiết bị bảo quản lạnh chuyên dụng, thiếu tiền cho các mạng lưới phân phối và hệ thống y tế không đủ "khỏe" để nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân.
Một cuộc khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện vào tháng 1 vừa qua, cho thấy, hơn hai năm kể từ khi đại dịch bùng phát, "khoảng tối" về hạ tầng y tế tại 44 trong số 55 nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) đã bộc lộ rõ.
Trong đó, 24 quốc gia thông báo thiếu hụt tủ lạnh, 18 nước cần tủ lạnh chuyên dụng và 16 quốc gia thiếu các buồng lạnh, dù UNICEF đã bàn giao hơn 800 tủ đông siêu lạnh và 52.000 tủ lạnh trữ vaccine cho gần 70 quốc gia.
WHO một lần nữa cảnh báo, dù các nước giàu đang mở cửa nền kinh tế theo phương châm thích ứng an toàn với Covid-19, nhưng việc triển khai tiêm vaccine chậm chạp tại các quốc gia nghèo sẽ tạo cơ hội cho vi-rút SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến và có khả năng tạo ra các biến thể mới nguy hiểm.
Dù sao, việc nguồn cung vaccine dồi dào cũng giúp thế giới vơi bớt nỗi lo về đại dịch Covid-19, trong bối cảnh nhiều nước đang thúc đẩy mở cửa biên giới trở lại, khôi phục kinh tế và du lịch, đưa học sinh trở lại trường học.
Trong đó, Cuba là một điểm sáng về đối phó dịch bệnh và tỷ lệ bao phủ vaccine. "Hòn đảo tự do" là một trong số ít quốc gia gần như miễn nhiễm với biến thể Omicron do toàn bộ trẻ em đã được tiêm chủng đầy đủ. Nhà nước Cuba đã sớm "bật đèn xanh" cho việc sử dụng vaccine Soberana 02 và Soberana Plus do "đảo quốc Caribe" tự bào chế để tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi 2-18 từ tháng 9/2021.
Muộn hơn Cuba một chút, trẻ em Australia trong độ tuổi từ 6 đến 11, từ ngày 24/2, được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ), mang tên pikevax. Ðây là loại vaccine thứ hai được cấp phép sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi tại Australia sau vaccine của hãng Pfizer. Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, Chính quyền bang New South Wales cũng quyết định kể từ ngày 28/2, bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với giáo viên, học sinh các trường trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục sẽ trở lại trạng thái "bình thường mới" vào tuần tới, vì sự lây nhiễm trong trường học được chính quyền bang cho là "cực kỳ thấp".
Thêm một tin vui từ WHO, qua nghiên cứu lâm sàng tại nhiều nước đã đưa ra đánh giá rằng, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn được gọi là "Omicron tàng hình" không mạnh hơn phiên bản gốc BA.1. Dựa trên các mẫu được lấy từ nhiều quốc gia khác nhau, các chuyên gia WHO nhận thấy, không có sự khác biệt về mức độ gây bệnh giữa biến thể BA.1 và BA.2. Ðánh giá này được cho là rất quan trọng vì tại nhiều quốc gia, số ca nhiễm BA.1 và BA.2 đang tăng lên đáng kể.
Dù đại dịch Covid-19 vẫn phủ bóng thế giới nhưng với nguồn cung dồi dào, tỷ lệ bao phủ vaccine cao, cùng quan niệm coi virus SARS-CoV-2 như một dịch cúm thông thường, nhiều quốc gia trên thế giới đã ngừng phong tỏa biên giới, mở cửa trở lại trường học, khôi phục ngành du lịch và kinh tế-xã hội.