Với 420 tiết Tiếng Việt, chương trình lớp 1 mới có “nặng”?

NDO -

Chương trình lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đang bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021 được thiết kế với 420 tiết trong năm học. Ở chương trình lớp 1 trước đây, số tiết môn Tiếng Việt cho năm đầu tiên tới trường của các em là 350 tiết.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Thái Văn Tài (Ảnh: LÊ HÀ)
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Thái Văn Tài (Ảnh: LÊ HÀ)

Sau chưa đầy một tháng chính thức triển khai, chương trình lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, một số ý kiến cha mẹ học sinh bày tỏ trên các diễn đàn mạng xã hội cho rằng chương trình lớp 1 mới “nặng” đối với con em.

Trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Thái Văn Tài cho biết tới thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa nhận được phản ánh chính thức nào từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh hay nhà khoa học về việc này.

Vụ trưởng Thái Văn Tài cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa triển khai được một tháng. Chương trình có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng cho năm học. Trong chương trình lớp 1 có chín môn học, từng môn học được quy định chuẩn đầu ra, và chương trình cũng quy định chuẩn đầu ra cho từng năm học. Thí dụ, môn tiếng Việt lớp 1  là quy định trong một phút các em đọc được bao nhiêu từ, viết được bao nhiêu từ…

“Để đạt được tiêu chuẩn ấy thì chương trình quy định môn Tiếng Việt ở lớp 1 hiện nay là 420 tiết” - ông Thái Văn Tài cho biết. Tất cả 5 bộ sách giáo khoa được phê duyệt đều thiết kế dựa trên khung thời lượng và chuẩn đầu ra đó.

Ông lý giải, khi ban hành chương trình có rất nhiều công đoạn, trong đó có tổ chức thực nghiệm, lấy ý kiến và được Hội đồng thẩm định quốc gia công bố. “Vậy nếu chương trình đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định với những quy trình chặt chẽ, mới bước đầu đưa vào cuộc sống mà nhận định là khó hay nặng, thì nhận định trên là chưa đủ căn cứ xác đáng” - ông Thái Văn Tài nói với các phóng viên.

Ông cũng cho biết rằng, có một nội dung bắt buộc trong chương trình mới là có sự điều chỉnh khi thực hiện. Trong quá trình triển khai, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe phản biện về những việc phát sinh trong thực tế và khi có đầy đủ các đánh giá có căn cứ khoa học thì sẽ kịp thời điều chỉnh. Tính mở và linh hoạt này là điểm mới so với các chương trình trước đây.  

Ông Thái Văn Tài khẳng định cho đến nay, nhận định “chương trình lớp 1 mới là nặng hay khó đối với học sinh” là chưa đủ căn cứ để đánh giá.

Tuy nhiên, ông Tài cũng nhìn nhận ở góc độ tâm lý phụ huynh thì có một yếu tố để lý giải về nhận định chương trình hiện nay là nặng nề, mà theo ông, “chắc là phụ huynh đang tiếp cận theo cách này”.

Đó là, đối với lớp 1, ở chương trình mới điều chỉnh dựa trên quan điểm là khi kết thúc lớp 1 các học sinh sẽ sớm đọc thông viết thạo, để xem như đó là điều kiện học các môn khác. Nên trong chương trình lớp 1 mới đang triển khai, môn Tiếng Việt, về mặt kiến thức không cao hơn so với chương trình trước đây, nhưng thời lượng dạy học được điều chỉnh tăng lên, từ 350 lên 420 tiết .

“Cần lưu ý là điều chỉnh về thời lượng, còn lượng kiến thức có phần tinh giản bớt. Chắc chắn số tiết học tiếng Việt trong một tuần của học sinh học theo  chương trình mới là nhiều hơn”- ông nhấn mạnh - Do vậy, nếu phụ huynh nào đã có con học lớp 1 trước đây và giờ có con học chương trình mới thì sẽ so sánh và có thể kiến nghị là “nặng”. Nhưng về mặt khoa học, cùng một đơn vị kiến thức thì chúng ta đang cố gắng bố trí cho các em đọc thông viết thạo ngay từ đầu càng sớm càng tốt. Để làm điều đó, một số môn như môn Toán đã giảm đi 70 tiết, nội dung này sẽ dành học ở giai đoạn sau đó, khi các em đã thạo kỹ năng đọc viết.