Kiên cường chống chọi với khó khăn “kép”
Mặc dù nằm giữa khu công nghiệp Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên), nguồn trẻ mầm non rất lớn, song cơ sở mầm non tư thục Cầu Vồng buộc phải giải thể do nhiều giáo viên bỏ sang làm công nhân khu công nghiệp và mặt bằng bị thu hồi. Các cơ sở mầm non tư thục khác trong khu vực cũng gắng gượng để tồn tại, song chưa biết giải thể lúc nào.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiệp, chủ cơ sở mầm non Bi Bi cho biết: "Từ Tết Nguyên đán đến giờ, cơ sở chúng tôi chỉ mở cửa được một tuần, còn phải đóng suốt. Tính riêng trong năm 2021, cơ sở chỉ mở cửa được khoảng 3 tháng. Một cô giáo đã chuyển đi làm công ty, số giáo viên còn lại rất khó giữ nếu tình hình cứ như thế này".
Đối diện với khó khăn “kép”, bao gồm thu nhập thấp và đại dịch Covid-19, các cơ sở mầm non ngoài công lập (gồm các cơ sở mầm non độc lập, tư thục, lớp mẫu giáo, nhóm trẻ độc lập) tại tỉnh Vĩnh Phúc phải cố gắng hết sức để tồn tại. Bình quân, các cơ sở mầm non tư thục đang trả lương giáo viên từ 3-5 triệu đồng/tháng. Song do dịch Covid-19, lúc đóng lúc mở, nhiều cơ sở trả công lao động theo ngày. Trong khi đó, do nguồn cung lao động khó khăn nên nhiều doanh nghiệp tìm cách thu hút lao động, trả lương cao hơn. Thành ra các cơ sở mầm non tư thục phải cạnh tranh nhân lực với các doanh nghiệp tại địa bàn.
Khảo sát tại thành phố Vĩnh Yên cho thấy, trong số 49 cơ sở mầm non độc lập tư thục, có rất ít cơ sở đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên. Ủy ban nhân dân cấp xã cấp phép hoạt động đối với các cơ sở này và phân công các trường mầm non công lập của xã theo dõi, hướng dẫn về chuyên môn. Song các cơ sở phải tự lo cơ sở vật chất, thuê mặt bằng, nguồn thu ít nên khó thu hút giáo viên gắn bó lâu dài.
Các cơ sở được công nhận là trường mầm non tư thục đều được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sử dụng phương pháp giáo dục tiên tiến như: Trường mầm non quốc tế FTF, Sao Mai Vĩnh Phúc, Skinder’s Sky... Giáo viên của các trường này cơ bản được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách. Chị Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non quốc tế FTF (thành phố Vĩnh Yên) chia sẻ: Để giáo viên mầm non gắn bó với nghề, cơ sở bảo đảm đầy đủ các chế độ như các trường công lập. Trong đại dịch, nguồn thu giảm mạnh song các trường vẫn xoay xở bảo đảm chế độ lương cơ bản cho người lao động.
Mặc dù không gặp nhiều khó khăn như khối tư thục, song giáo viên các trường mầm non công lập trên địa bàn các khu công nghiệp cũng có nhiều băn khoăn. Cô Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên) so sánh: Nhà trường cũng không tuyển được giáo viên hợp đồng dù đã trả đến 5 triệu/tháng do làm công nhân khu công nghiệp thu nhập cao hơn, thời gian làm việc ít hơn và công việc cũng ít áp lực hơn. Giáo viên mầm non phải có bằng cấp, chứng chỉ theo quy định, còn làm công nhân có khi chỉ cần học hết lớp 9. Do thời gian nghỉ nhiều, không có thu nhập ngoài lương nên nhiều giáo viên của trường tranh thủ bán hàng online.
Đáng chú ý, hầu hết các cơ sở mầm non độc lập tư thục nằm trong khu vực đô thị, phục vụ trực tiếp cho công nhân và người lao động các khu công nghiệp. Nếu các cơ sở mầm non phải đóng cửa, hoạt động sản xuất của các nhà máy, khu công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tích cực hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập
Bày tỏ cảm thông sâu sắc với những khó khăn của đội ngũ giáo viên mầm non, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan bày tỏ tâm tư: Mỗi cô giáo phải trông nom, chăm sóc mấy chục cháu rất vất vả. Đại dịch lại càng khó khăn đối với giáo viên mầm non. Để góp phần tháo gỡ khó khăn, tháng 11/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ tiền cho cho trẻ em, giáo viên, cơ sở mầm non dân lập, tư thục tại địa bàn có khu công nghiệp. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1/12/2021.
Theo Nghị quyết của tỉnh, mức hỗ trợ 220.000 đồng/trẻ/tháng được dành cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động.
Tỉnh cũng hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp (nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp). Bên cạnh đó, các cơ sở này còn được tỉnh hỗ trợ một lần là 20 triệu đồng để trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học.
Theo khảo sát sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có 4.429 trẻ em là con công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp; 76 cơ sở mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục cùng với 165 giáo viên đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định trên.
Bên cạnh đó, các ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng chế độ chính sách đối với các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tỉnh ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, cơ bản đáp ứng số lượng giáo viên trong các trường công lập, quan tâm, hỗ trợ các cơ sở độc lập tư thục ổn định, phát triển, phòng, chống dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên cho biết: Năm qua, toàn huyện tuyển được 96 giáo viên mầm non, tỷ lệ giáo viên các trường mầm non công lập tương đối ổn, đạt hơn 1,7 giáo viên/lớp. Nhu cầu trông giữ trẻ rất lớn nên số lượng cơ sở độc lập tư thục của huyện không giảm mà còn tăng thêm hai cơ sở so năm trước. Có thể khẳng định, trong những năm qua, việc phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập của tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần giải bài toán quá tải đối với hệ thống công lập, nhất là ở các khu công nghiệp có biến động dân số cơ học nhanh.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là việc phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tư thục có chất lượng đang gặp nhiều vướng mắc. Thiếu quỹ đất dành cho xây dựng trường học tư. Việc giao đất cho nhà đầu tư tham gia thực hiện xã hội hóa giáo dục còn chậm. Đa số các cơ sở độc lập tư thục không có khả năng đóng bảo hiểm cho giáo viên. Trẻ mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không được hỗ trợ đóng học phí như trẻ học trong các trường mầm non công lập. Theo phản ánh, còn có những cơ sở mầm non mà giáo viên chưa nhận được hỗ trợ của tỉnh như cơ sở mầm non Bi Bi tại khu công nghiệp Khai Quang.
Để hỗ trợ kịp thời cho giáo viên mầm non, tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó chú trọng hỗ trợ các cơ sở mầm non độc lập, tư thục tại các khu công nghiệp. Bảo hiểm xã hội và ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cần rà soát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo viên và trẻ nầm non trong đại dịch.
Đối với các cơ sở mầm non tư thục, các địa phương cần nghiên cứu đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động; hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tín dụng, miễn, giảm tiền thuê đất. Đây là những chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, không chỉ có ý nghĩa xã hội mà còn hỗ trợ đắc lực cho quá trình phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có 396 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó, có 163 trường công lập, 14 trường tư thục và 219 cơ sở độc lập tư thục. Trẻ em học các trường, cơ sở tư thục chiếm khoảng 20% tổng số trẻ đến trường. Năm học này giảm 2.381 trẻ và 6 cơ sở độc lập so cùng kỳ năm học trước. Có 4 giáo viên trường công lập chuyển sang làm nghề khác. |