Vĩnh Long thúc đẩy thương mại điện tử

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển sang các nền tảng kỹ thuật số, trong đó hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ trực tuyến trên sàn thương mại điện tử ngày càng phổ biến.
0:00 / 0:00
0:00
Tiểu thương và người tiêu dùng ở chợ Vĩnh Long đã quen dần với cách thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiểu thương và người tiêu dùng ở chợ Vĩnh Long đã quen dần với cách thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến nay, sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương tỉnh Vĩnh Long (trade.vinhlong.gov.vn) đã đăng thông tin quảng bá hơn 1.562 sản phẩm, dịch vụ của hơn 332 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã; đồng thời kết hợp trang Chợ Vĩnh Long online, hỗ trợ tiểu thương kết nối tiêu thụ hàng hóa thiết thực và hiệu quả.

Năm 2022, Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long đã ra mắt mô hình “Chợ 4.0-Thanh toán không dùng tiền mặt” được triển khai tại khu vực nhà lồng chợ C và dãy trái cây đường 3/2 ở chợ Vĩnh Long. Tính đến thời điểm hiện tại, có hàng trăm tiểu thương tại chợ Vĩnh Long đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money.

Hiệu quả chợ online

Mô hình nêu trên đã kết nối được với 30 ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money để hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng mọi lúc, mọi nơi. Thiếu tá Phạm Hải Dương, Giám đốc Viettel Vĩnh Long cho biết, mô hình Chợ 4.0 được triển khai từ tháng 10/2021, đến nay đã phát triển gần chục điểm chợ trên địa bàn tỉnh. Số lượng tiểu thương cũng như người tiêu dùng ngày càng tham gia nhiều hơn vì sự tiện lợi, bởi đến với mô hình này, người sử dụng có rất nhiều cách để mua hàng, thanh toán không dùng tiền mặt như: Quét mã QR, qua số điện thoại, số tài khoản…

Ngoài ra, thời gian qua Viettel Vĩnh Long cũng đã triển khai nhiều mô hình với hình thức thương mại điện tử như thanh toán học phí, tiền điện, tiền nước không dùng tiền mặt. Tất cả đều mang lại tiện lợi và hiệu quả cho người tiêu dùng.

Thông qua mô hình “Chợ 4.0-Thanh toán không dùng tiền mặt” lần đầu được Viettel Vĩnh Long triển khai xây dựng tại chợ Vĩnh Long, ngành công thương tỉnh kỳ vọng thời gian tới, các tiểu thương, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cần tăng cường thực hiện chuyển đổi số; đồng thời, thực hiện kết nối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, trung gian thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử trong giao dịch cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Thời gian tới, ngành công thương tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của viên chức, nhân viên Ban quản lý chợ, tiểu thương trong việc tiếp cận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các hoạt động chuyển đổi số. Đây là xu hướng chung với nhiều lợi ích; đặc biệt sẽ đa dạng hình thức tuyên truyền, tiếp cận đến với tiểu thương và người dân để các nội dung chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai hiệu quả.

Ngoài Chợ 4.0, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hầu hết các doanh nghiệp và hợp tác xã đều phát triển sản phẩm của mình nhờ các trang mạng xã hội và nhất là các chương trình thương mại điện tử do các sở, ngành đồng bộ thực hiện. Anh Nguyễn Thanh Tân, ngụ xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long với mô hình nuôi lươn sinh sản hằng năm thu lợi nhuận hơn hai tỷ đồng, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”, giải ba hội thi “Nông dân với công nghệ 4.0” và tuyên dương khen thưởng “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022”.

Theo anh Tân, có khoảng 90% số sản phẩm của anh được tiêu thụ qua thương mại điện tử; sản phẩm được đưa lên tất cả các nền tảng mạng xã hội thông dụng và có uy tín. Điều quan trọng là làm thế nào để sản phẩm của mình có mẫu mã đẹp, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm, được khách hàng gần xa ưa chuộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Sau bao năm nỗ lực, đến nay, cơ sở của anh có năm sản phẩm được hội đồng đánh giá OCOP chấm điểm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP ba sao: Khô lươn sấy, chả lươn viên, chả lươn ăn liền, lươn cắt khúc và lươn phi lê.

Theo đánh giá của ngành chức năng, đa phần các sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch nông sản điện tử Vĩnh Long có lượng khách hàng biết đến tăng cao đáng kể. Thông qua sàn thương mại điện tử, khách hàng biết được thông tin, nguồn gốc, tiêu chuẩn của sản phẩm nên yên tâm giao dịch. Từ đó, cơ sở có cơ hội mở rộng thị trường, tăng hiệu quả kinh doanh.

Nâng cao chất lượng

Xu hướng kinh doanh online không chỉ mang lại cơ hội mới cho doanh nghiệp mà còn góp phần làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Nếu trước đây người tiêu dùng quan tâm đến giá cả khi tham gia mua sắm trực tuyến, đến nay, vấn đề này không còn là trở ngại lớn nhất, thay vào đó họ ngày càng quan tâm đến chất lượng hàng hóa, trải nghiệm mua sắm, dịch vụ vận chuyển, hình thức thanh toán, bảo mật thông tin...

Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) chỉ rõ, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Ước tính với doanh thu 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử từ bán lẻ chiếm khoảng 7,8-8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương tỉnh Vĩnh Long (trade.vinhlong.gov.vn) đã đăng thông tin quảng bá 1.562 sản phẩm, dịch vụ của 332 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã; đồng thời kết hợp trang Chợ Vĩnh Long online, hỗ trợ tiểu thương kết nối tiêu thụ hàng hóa.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, sở đã xây dựng video hướng dẫn, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho doanh nghiệp về kỹ năng nghiên cứu thị trường, xây dựng và quản trị website, marketing online, quảng bá thương hiệu... Song song đó, xây dựng website cho hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về các nội dung: ứng dụng chữ ký số, ứng dụng công nghệ QR code truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Đáng chú ý, sở đã hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp với các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Postmart, Voso… Theo tìm hiểu, tại Vĩnh Long, các doanh nghiệp đang dần thay đổi nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của thương mại điện tử. Theo đó, xu hướng phát triển các kênh bán hàng, tiếp thị trực tuyến ngày càng nhiều hơn, tối ưu hóa chi phí vận hành, giảm bớt những áp lực về mặt bằng kinh doanh, nhân sự, hình thức thanh toán đa dạng, quan tâm đến các vấn đề nhận diện thương hiệu…

Để xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, đặc sản địa phương, Sở Công thương tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp từng bước chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử phù hợp điều kiện thực tế.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long Phan Thanh Long, thời gian qua, thương mại điện tử phát triển giúp hợp tác xã, doanh nghiệp, công ty liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua sàn giao dịch điện tử giúp cho bà con nông dân tiếp cận với công nghệ mới, có cơ hội đưa sản phẩm của mình lên hệ thống giao dịch điện tử và được nhiều người biết đến. Đến thời gian này, thương mại điện tử được các ngành, các cấp quan tâm, xúc tiến thương mại; ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, tổ chức những khóa đào tạo tập huấn cho nông dân, các hợp tác xã để nắm được ý nghĩa, tầm quan trọng của thương mại điện tử.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho biết, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long tăng cường các công tác đưa thương mại điện tử vào tất cả các lĩnh vực, trong đó, đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm trên địa bàn tỉnh lên sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương cho nhiều người biết đến. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử; xây dựng các chuyên đề, tuyên truyền, phổ biến thương mại điện tử trên các phương tiện truyền thông; đào tạo kỹ năng về thương mại điện tử cho doanh nghiệp; phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử.

Tỉnh sẽ vận động doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia sàn giao dịch; hỗ trợ tiếp cận, ứng dụng hoạt động giao dịch trực tuyến nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại điện tử, góp phần phát triển kinh tế địa phương.