Vĩnh Long nói không với bạo lực gia đình

Khi chưa triển khai mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững phòng, chống bạo lực gia đình, hằng năm, tỉnh Vĩnh Long có hơn vài trăm trường hợp bạo lực gia đình. Đến nay, tỉnh chỉ còn ghi nhận rất ít vụ bạo lực gia đình.

Cán bộ xã thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình bà Lê Thị Sương (xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).
Cán bộ xã thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình bà Lê Thị Sương (xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).

Thực hiện Chiến lược gia đình Việt Nam năm 2010 đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tỉnh Vĩnh Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương triển khai thí điểm thực hiện mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững phòng, chống bạo lực gia đình.

Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, các cấp các ngành và địa phương trong tỉnh Vĩnh Long đã và đang thực hiện hiệu quả mô hình này với quyết tâm nói không với bạo lực gia đình.

Chí thú làm ăn

Hơn 10 năm trước, hầu như ngày nào bà Lê Thị Sương (xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cũng bị chồng nhậu say về đánh, đập mà không cần lý do… Buồn, đau đến nỗi chị từng muốn buông bỏ gia đình nhỏ với hai đứa con.

Đến khi các thành viên câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững phòng chống bạo lực của địa phương đến tuyên truyền, vận động, giáo dục, người chồng mới nhận thức được những sai trái để sửa đổi và chí thú làm ăn, xây dựng gia đình.

Bà Lê Thị Sương chia sẻ: “Hồi xưa ổng hay oánh tui, nhậu về là oánh chứ không hỏi đầu đuôi sao. Nhiều lúc đang ăn cơm cũng nắm đầu dậy oánh, oánh đến nỗi đi không nổi. Người ta ở xóm thấy vậy chở dùm đi trạm ý tế xã khi nào ổng hết xỉn mới dám về nhà. Nhờ tham gia câu lạc bộ của xã mà đến nay chồng tôi đã nhận thức được, chăm lo làm ăn cuộc sống khấm khá hơn nhiều. Gia đình chúng tôi rất cảm ơn anh chị em trong câu lạc bộ đã hỗ trợ tích cực, giúp cho nhiều gia đình ở quê chúng tôi êm ấm hơn rất nhiều, chí thú làm ăn trong cuộc sống”.

Anh Lê Văn Hùng, công an xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, cho biết: “Mô hình này trên dưới 10 năm thì có nhiều hộ gia đình chí thú làm ăn không còn đánh vợ đánh con gây rối trật tự. Nhiều cặp gia đình đã nhận thức được đã chăm lo đời sống làm ăn rất tốt nuôi con cái trưởng thành, tình hình địa phương rất ổn định”.

Ở đô thị, như tại TP Vĩnh Long, mô hình Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình cũng được triển khai thực hiện hiệu quả. Ở phường Tân Ngãi, mỗi tổ dân cư tự quản đều thành lập câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, từ năm 2016 đến nay, bạo lực gia đình trong phường đã giảm hẳn.

Bà Trần Thị Ngà (phường Tân Ngãi, TP Vĩnh Long) cho biết: “Khi tham gia vào Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình tôi nhận tấy rất có ích cho gia đình và xã hội. Lúc nào trong gia đình cũng êm ấm, thuận hòa, kính trên nhường dưới. Ông bà cha mẹ gương mẫu cho con cháu. Con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Trong nề nếp của gia đình khi tham gia vào câu lạc bộ, trong các cuộc hội họp, chúng tôi thường lòng ghép để chia sẻ cho các đoàn thể, xã hội ở địa phương, triển khai đến từng hộ gia đình. Để tuyên truyền hiệu quả, trước hết ở mỗi gia đình của thành viên câu lạc bộ phải làm gương mẫu”.

Anh Trần Đình Tuấn (con trai của bà Trần Thị Ngà, phường Tân Ngãi, TP Vĩnh Long), chia sẻ: “Mẹ tôi tham gia về cũng dạy bảo con cháu, làm việc gì cũng phải từ từ không nên nóng nảy mình phải kiềm chế lại, hai vợ chồng sống trong cuộc sống khi gặp vấn đề chưa hiểu nhau thì từ từ nói, tôn trọng nhau, dạy bảo nhau, ai đúng thì phát huy, ai sai thì phải khắc phục hạn chế nên không còn vấn đề bạo lực trong gia đình”.

Vĩnh Long nói không với bạo lực gia đình -0
 Gia đình bà Trần Thị Ngà (phường Tân Ngãi, TP Vĩnh Long) luôn đông đầy hạnh phúc bên con cháu. 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 một số hoạt động công tác gia đình bị tạm hoãn thời gian tổ chức.

Tuy nhiên, Sở đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, bám sát vào văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các Chiến lược, Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình, vừa hoàn thành mục tiêu trọng tâm đã đề ra vừa tuyên truyền, phòng, tránh dịch bệnh Covid-19.

Số địa phương được triển khai mô hình và đề án đến thời điểm hiện tại nâng lên 100/107 xã phường, thị trấn, đạt tỷ lệ gần 93,45%, vượt chỉ tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra. Số vụ bạo lực gia đình kéo giảm 12,2%. Số hộ gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 96,13 %.

Đồng chí Lê Thị Kim Liên, Phó trưởng Phòng Quản lý Văn hóa - Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Tính đến thời điểm này thì mô hình hoạt động rất hiệu quả, trước đây khi chưa triển khai mô hình, hằng năm như vậy có hơn vài trăm trường hợp bạo lực gia đình, cụ thể năm 2015 có 151 vụ đến năm 2020 chỉ còn 29 vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh”.

Xây dựng tính gương mẫu ở mỗi gia đình

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long quan tâm đưa nội dung công tác gia đình vào chương trình, kế hoạch công tác trong nhiệm kỳ và hằng năm, bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình.

Bên cạnh đó, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chăm lo xây dựng gia đình và việc tuyên truyền, vận động nhân dân cùng thực hiện tốt công tác gia đình được thực hiện nghiêm túc. Có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Ban chỉ đạo công tác gia đình được thành lập từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã để lãnh chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác gia đình.

Toàn tỉnh hiện có 531 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, 448 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 752 tổ hòa giải cơ sở thực hiện tuyên truyền, can thiệp, tiếp nhận thông tin và xử lý các vụ bạo lực gia đình.

Số địa phương được triển khai mô hình can thiệp Phòng chống bạo lực gia đình và Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được nâng lên 100/107 xã phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 95%.

Số vụ bạo lực gia đình kéo giảm  mạnh qua hằng năm (2015: có 151 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2020 còn 29 vụ). Số vụ tảo hôn trên địa bàn tỉnh không còn. Số Hộ gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 1% qua hằng năm.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu, cho biết: “hằng năm Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh, huyện đều tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác gia đình tại các địa phương, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đề ra giải pháp nhằm hỗ trợ địa phương thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam tại địa phương…”

“Đối với mỗi cá nhân chúng ta, gia đình là hai tiếng gọi rất đỗi thân thương trong lòng của mỗi người khi nhắc đến. Ở đó, chúng ta sẽ có được cảm giác bình yên; được yêu thương, chở che, đùm bọc; được chăm sóc từng thành viên trong gia đình và được sống trong bầu không khí hạnh phúc. Gia đình còn là nơi nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp của các thành viên trong gia đình và bảo tồn những giá trị Văn hóa cao quý của dân tộc.” - đồng chí Phan Văn Giàu nói.

“Mỗi cá nhân hãy cùng nhau vun vén cho gia đình ngày càng phát triển bền vững, cùng chung tay xây dựng Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc”, đồng chí Phan Văn Giàu, nhấn mạnh.