Người dân các thành phố lớn về quê dịp nghỉ lễ

Tuy phải sang ngày 27/4 mới bắt đầu dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, song từ đầu giờ chiều 26/4, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ,... người dân đã bắt đầu dồn về các nhà ga, bến xe để về quê hoặc đi du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Ga Sài Gòn, lượng khách đi tàu tăng vọt. (Ảnh QUÝ HIỀN)
Tại Ga Sài Gòn, lượng khách đi tàu tăng vọt. (Ảnh QUÝ HIỀN)

Nhiều tuyến đường của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là những tuyến hướng cửa ngõ, lượng phương tiện tăng nhanh khiến cho giao thông bị ùn tắc cục bộ.

Bến xe đông đúc

Từ đầu giờ chiều 26/4, trên các tuyến đường của Thủ đô, lượng ô-tô, xe máy tăng cao so với ngày thường. Tại hầu hết những ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, dòng người phải dừng tới vài nhịp mới thoát khỏi ùn tắc.

Tại các bến xe, trong thời tiết khá oi nóng, nhiều người dân mang đồ đạc lỉnh kỉnh để bắt xe về quê.

Chị Vũ Thu Trang, nhân viên một doanh nghiệp tư nhân (quê Tuyên Quang) đã xin phép lãnh đạo công ty nghỉ sớm trong buổi chiều để tranh thủ về quê cùng gia đình. Lo ngại tắc đường, 14 giờ, cả gia đình chị đã ra Bến xe Mỹ Đình và may mắn mua được vé ngay.

“Những ngày nghỉ lễ, người dân các tỉnh làm ăn xa đều muốn về quê nên gia đình tôi cứ vào bến xe mua vé để chọn được chỗ ngồi ưng ý, giá vé niêm yết rõ ràng, tránh hiện tượng bị nhà xe nhồi nhét, hét giá”, chị Trang vui vẻ cho biết.

Tại Bến xe Giáp Bát, vào lúc 16 giờ, hành khách tập trung đông nghẹt.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết dự kiến, lưu lượng hành khách đi lại trong đợt nghỉ lễ này sẽ tăng mạnh tại một số tuyến từ Hà Nội đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa,...

Theo tính toán, lượt khách cao nhất tại 2 bến Giáp Bát và Mỹ Đình trong các ngày cao điểm tăng hơn 350% so với ngày thường,...

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã yêu cầu các nhà xe tăng cường 715 xe khách dịp lễ ở tất cả các bến xe; trong đó, Bến xe Giáp Bát có 224 lượt xe tăng cường; Bến xe Gia Lâm có 82 lượt xe và Mỹ Đình có 409 lượt xe.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đã chủ động phối hợp chặt chẽ các đơn vị chức năng phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các vị trí trọng điểm, phức tạp, trọng tâm là các tuyến quốc lộ, trục chính, cửa ngõ, vành đai; khu vực các bến xe, nhà ga, địa điểm tổ chức lễ hội, sự kiện...

Hai bến xe lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh đều dự kiến lượng khách đi lại dịp lễ 30/4 và 1/5 tăng khoảng 120% so với ngày thường, giá vé xe đò phụ thu tối đa không quá 40%.

Đại diện Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức) cho biết, các tuyến tăng khách chủ yếu là tuyến ngắn (từ Đà Nẵng trở vào), với khoảng 4.500 khách/ngày. Trong đó, cao điểm là ngày 26/4 với gần 9.000 khách qua bến.

Dự báo trong 6 ngày dịp lễ (từ 26/4 đến ngày 1/5) có 1.870 chuyến xe xuất bến, với 30.000 hành khách đi lại, tăng tương ứng 20% so với năm 2023. Thành phố có 6 khu vực “nóng” có thể xảy ra ùn tắc, đều nằm ở các cửa ngõ, cơ quan chức năng lưu ý người dân chủ động theo dõi trong việc di chuyển.

Lực lượng công an thành phố cũng phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm đối với phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa; xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng chốt trực, điều tiết phân luồng giao thông tại các khu vực “điểm nóng”,...

Tại Bến xe Trung tâm thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và quản lý bến xe Phạm Lợi cho biết, dịp nghỉ lễ năm nay do thời gian nghỉ kéo dài, nhu cầu đi lại của nhân dân tăng mạnh.

Bến xe đã làm việc với các đơn vị vận tải và có kế hoạch điều động phương tiện đáp ứng nhu cầu cao trong dịp lễ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan bảo đảm trật tự an toàn.

Theo ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, dịp này, Đà Nẵng khai trương tuyến xe buýt liền kề kết nối với Quảng Nam, nhằm phục vụ đi lại của nhân dân hai tỉnh bằng phương tiện xe buýt trong tương lai. Đây là tuyến buýt đang được người dân và du khách mong mỏi, nhất là khách du lịch thường xuyên đi Đà Nẵng và Hội An.

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ cho biết, dịp lễ năm nay, dự kiến lượng khách qua bến xe trung tâm Cần Thơ tăng khoảng 30% so với ngày thường.

Trong dịp lễ này, chưa có nhà xe, doanh nghiệp nào hoạt động ở bến xe trung tâm và bến xe khách quận Ô Môn tăng giá vé. Công ty có kế hoạch bố trí đủ lượng xe khách phục vụ dịp lễ, đồng thời dự phòng nhiều đầu xe để giải tỏa nhanh chóng nếu lượng khách tăng đột biến.

Sân bay, ga tàu kín khách

Tại Ga Hà Nội, lúc 15 giờ ngày 26/4, đã có rất đông hành khách ngồi chờ để chuẩn bị các thủ tục lên tàu SE5 chặng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh (thời gian xuất phát là 15 giờ 30 phút). Đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đoàn tàu bắc-nam đã kín chỗ với một số cung chặng từ đi Hà Nội-Vinh, Đà Nẵng, Huế.

Ngoài 12 đôi tàu chạy thường xuyên trên các tuyến, đường sắt chạy thêm khoảng 32 chuyến tàu tăng cường khu vực phía bắc (tăng 4 chuyến tàu tuyến Hà Nội-Đồng Hới, 20 chuyến tuyến Hà Nội-Vinh, 3 chuyến tuyến Hà Nội-Thanh Hóa, 5 chuyến tuyến Hà Nội-Hải Phòng). Tổng số vé cung cấp trên các mác tàu Thống nhất và địa phương đạt hơn 100.000 vé; giá tăng nhẹ từ 2 đến 6% so với năm 2023 tùy từng mác tàu/khu đoạn.

Ở phía nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn Thái Văn Truyền cho biết, Công ty tổ chức chạy thêm 34 đoàn tàu từ Ga Sài Gòn đến các ga: Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

So với đầu tháng 4, số lượng đoàn tàu bổ sung thêm tăng 30 đoàn, tổng số tàu chạy trong dịp này là 178 đoàn, với khoảng 90.000 chỗ. Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn tổ chức chạy thêm gần 30 chuyến tàu từ ga Sài Gòn đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại; tổng số vé cung cấp cả tàu chạy thường xuyên và tăng cường dịp này là 125.000 vé, trong đó tuyến Thống nhất gần 90.000 vé.

Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, ngày 26/4, sản lượng vận chuyển hàng không qua cảng đạt 556 lượt chuyến bay (trong đó có 305 lượt chuyến bay quốc nội và 251 lượt chuyến bay quốc tế) với hơn 85.000 khách (hơn 52.000 lượt khách quốc nội và 33.000 lượt khách quốc tế).

“Cảng hàng không quốc tế Nội Bài mở tối đa máy soi chiếu an ninh tại các khung giờ cao điểm, bảo đảm lưu thông nhanh nhất và chủ động kiểm soát lượng khách ngay từ các vị trí kiểm soát giấy tờ tùy thân; triển khai mở tất cả các cửa soát vé làn trong các khung giờ; tăng cường lực lượng an ninh”, ông Tô Tử Hà, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho hay.

Ngoài ra, từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay chuyên cơ, chuyến bay thương mại đi/đến cảng dịp lễ. Theo số liệu tính toán, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ngày cao điểm nhất sẽ có khoảng 94.000 lượt khách và 538 lượt chuyến bay qua cảng.

Cục Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh tham số điều phối giờ cất, hạ cánh (slot) tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng lên 42 chuyến/giờ vào ban ngày và 32 chuyến/giờ vào ban đêm.

Phía Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng kịp thời hoàn thành một phần sân đỗ tàu bay mở rộng tại khu vực phía đông Nhà ga hành khách T2 Nội Bài để tăng thêm các vị trí đỗ tàu bay tại cảng.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ đón bình quân 120.000 hành khách/ngày. Trong đó, hai ngày cao điểm nhất rơi vào ngày 26/4 và 1/5, dự kiến có khoảng 125.000 hành khách với 740 chuyến bay cất, hạ cánh mỗi ngày.

Cảng tăng cường kiểm tra, giám sát người và phương tiện ra/vào các cổng kiểm soát; rà soát hệ thống camera tại khu vực các đảo thủ tục, băng chuyền hành lý.