Vĩnh biệt "cây chính luận" xuất sắc của Báo Nhân Dân

14 giờ 30 phút chiều 17/1/2023 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Nhâm Dần), tôi bàng hoàng nhận được tin từ cháu Bạch Dương, con gái anh Trần Kiên: "Chú ơi, bố cháu đã trút hơi thở cuối cùng vào 6 giờ 54 phút sáng nay, thứ ba, ngày 17/1/2023 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô!".
Nhà báo Trần Kiên (ngoài cùng bên trái) tác nghiệp tại Liên Xô năm 1962.
Nhà báo Trần Kiên (ngoài cùng bên trái) tác nghiệp tại Liên Xô năm 1962.

Vừa tiếc thương, vừa ân hận, vì hầu như năm nào vào dịp Tết Nguyên đán, tôi cũng đến nhà thăm anh, nhưng cách đây năm hôm, khi điện cho cháu Bạch Dương để thực hiện nguyện vọng này thì cháu cho hay: "Bố cháu đang nằm cấp cứu ở nhà số 10, khu hồi sức tích cực. Chú muốn vào thăm thì rất khó vì tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng tăng lên; mặt khác, ở đây có nhiều người bị bệnh nặng, do vậy, bệnh viện quy định rất ngặt nghèo, chỉ cho một người nhà vào chăm sóc. Cháu tin dăm hôm nữa, bệnh tình thuyên giảm, bố cháu về nhà, mời chú đến thăm". Tôi cũng đinh ninh như vậy, và chiều nay điện cho cháu để đến nhà riêng, nhưng nào ngờ anh đã ra đi, đi mãi về cõi vĩnh hằng!

Anh Trần Kiên ơi, tôi không thể nào quên câu chuyện thân tình anh đã dành cho tôi kéo dài gần hai giờ đồng hồ vào sáng mồng 4 Tết Nhâm Dần khi anh tròn tuổi 96. Tuy cơ thể có gầy hơn trước, nhưng trí tuệ anh vẫn minh mẫn, giọng nói vẫn âm vang, rành rõ. Anh nhắc lại những năm tháng làm báo gian nan thời sơ tán đánh Mỹ cũng như trong thời bao cấp, nhưng tình người, tình đồng chí vẫn sáng trong, sự quan tâm sẻ chia buồn vui giữa lãnh đạo với cán bộ, phóng viên, tạo ra sự gần gũi và động lực tinh thần vượt qua gian khó. Với không khí ấm áp, cởi mở ngày xuân sáng ấy, tôi tranh thủ "khai thác" anh những chuyện về nghề báo, bởi có khá nhiều đồng nghiệp nhận xét rằng, "bác Trần Kiên quá khiêm nhường, những dịp có sự kiện lớn về báo chí, như kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) hằng năm, nhiều báo xin phỏng vấn, nhưng anh đều từ chối khéo".

Năm 2018, nhân dịp khánh thành Bia di tích lịch sử Lớp dạy viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng, đặt tại huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng bộ phim tư liệu về lớp viết báo này, tha thiết xin được phỏng vấn anh - người học viên xuất sắc nhất của lớp, được nhận thư khen của Bác Hồ, anh cũng từ chối và đề cử phỏng vấn chị Lý Thị Trung. Nhân chuyện đó, tôi sẻ chia với đồng nghiệp: Sự khiêm tốn là một trong những đức tính quý của anh Trần Kiên.

Khi tôi về Báo Nhân Dân năm 1968, thì năm 1969 diễn ra Ðại hội Ðảng bộ của Báo theo nhiệm kỳ 5 năm. Cấp ủy cấp trên cũng như Ban Biên tập gợi ý anh đảm nhiệm cương vị Bí thư, nhưng anh một mực từ chối với lý do "nên để các đồng chí trẻ hơn gánh vác". Nhưng với sự tín nhiệm cao của Ðảng bộ, anh gắng sức làm tròn phận sự, đáp ứng niềm tin của toàn cơ quan. Thời anh Hữu Thọ được Bộ Chính trị phân công làm Tổng Biên tập báo, anh Hữu Thọ thiết tha đề nghị nhiều lần, anh mới nhận cương vị làm Phó Tổng Biên tập Thường trực.

Trong hai giờ trò chuyện với anh hôm mồng 4 Tết ấy, tôi mới hiểu rõ chặng đường tham gia cách mạng của anh ngay từ năm 1942, cùng với anh Lưu Văn Mẫn (nguyên Phó Trưởng Ban Tài chính-Quản trị Trung ương, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) ở trường Bonnal Hải Phòng; sau đó tham gia nhiều hoạt động trong những ngày Hải Phòng khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng thành công, anh được cấp trên bổ sung vào đoàn quân "Nam tiến", cùng anh Lê Hoàng được cử vào Ban Giám đốc Trường quân chính Ðà Lạt.

Chính trong thời gian này, do chỉ điểm của bọn mật thám Pháp, anh và mấy người trong nhóm bị địch bắt giam và tra khảo tại nhà giam tỉnh Phan Rang. Ra tù, anh được điều ra miền bắc chữa bệnh. Cuối năm 1947, anh gặp đồng chí Nguyễn Thành Lê, rồi cùng anh Lê viết báo cho báo Ðộc Lập. Cuối năm 1948, tổ chức kết nạp anh vào Ðảng và được anh Lê cử đi lớp nghiên cứu Ðề cương văn hóa của Ðảng do các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp tổ chức. Cũng từ những hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng- văn hóa, sau ngày Hà Nội giải phóng, tháng 10/1954, anh được Ban Tổ chức Trung ương phân công về công tác tại Báo Nhân Dân, mấy năm sau nhận nhiệm vụ Trưởng ban Quốc tế của báo (thay anh Ðinh Như Khôi chuyển sang công tác khác).

Năm 1958, Ban Biên tập cử anh sang Liên Xô làm phóng viên thường trú Báo Nhân Dân, với vốn tiếng Nga vừa làm, vừa học (vì anh thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh). 5 năm công tác ở Liên Xô, anh không chỉ viết những bài phản ánh, phóng sự về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Lênin, mà còn cùng với nhóm bình luận của Báo Nhân Dân ở Hà Nội viết những bài bình luận phản bác những luận điểm "giá trị toàn nhân loại", "giá trị toàn châu Âu", "xóa bỏ hình ảnh kẻ thù", "chung sống hòa bình"… ký tên "Người bình luận", hoặc "Người quan sát". Những bài này đều có bút tích phê duyệt của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp, thậm chí có những chữ sửa bằng mực đỏ của Bác Hồ.

Trong đời làm báo ở Liên Xô, anh có nhiều dịp tháp tùng Bác Hồ dự các hội nghị quốc tế hoặc đi thăm địa phương, được Bác căn dặn về sự nhạy bén, cẩn trọng, bản lĩnh của người viết báo, nhất là ở báo Ðảng, tờ báo chính trị cao nhất của Ðảng và Nhà nước ta. Anh còn nhớ mãi, một trong những kỷ niệm sâu sắc khi Liên Xô kỷ niệm Ngày sinh nhà văn vĩ đại Lép Tôn-xtôi, Bác Hồ viết bài "Tôi là học trò nhỏ của Lép Tôn-xtôi" đăng trên báo Văn học nước Nga, anh vội dịch ra tiếng Việt để gửi về đăng Báo Nhân Dân, chẳng may thiếu một câu. Ba tháng sau, nhân chuyến sang công tác, Bác Hồ đến thăm Ðại sứ quán ta, gặp anh, Bác cười hỏi "Sao chú dám cắt bài của Bác?".

Tối hôm ấy, anh về phòng ở, tự viết kiểm điểm trình Bác và xin sẵn sàng nhận mọi hình thức kỷ luật. Bác nói với anh Vũ Kỳ, thư ký của Bác: "Trần Kiên đã biết nhận lỗi, thì thôi". Trở về Hà Nội, Tổng Biên tập Hoàng Tùng giao nhiều nhiệm vụ cho anh, vừa làm phóng viên, vừa tham gia quản lý các ban: Tân văn, Nội chính, Miền Nam, Quốc tế… và nhiều bộ phận khác. Dù bận công việc quản lý, anh vẫn say nghề báo, viết nhanh, viết khỏe, có tháng viết hơn 20 bài xã luận, bình luận ở thời điểm anh làm Trưởng ban Miền Nam.

Thưa vong linh anh Trần Kiên kính mến!

Vài câu chuyện tiêu biểu trong đời làm báo của anh, tôi mạn phép ghi lại như trên để bày tỏ tấm lòng kính trọng và ngưỡng mộ của tôi cùng các thế hệ làm báo tiếp sau trước những phẩm chất cao đẹp của anh về lý tưởng sống hết mình vì cách mạng; về sự gian nan rèn luyện, ý chí không ngừng tự học, tự tích lũy tri thức mọi mặt của đời sống - những yếu tố rất cần thiết và cực kỳ quan trọng của người làm báo cách mạng.

Anh ra đi, nhưng đã để lại cho báo một "gia tài" đồ sộ về các bài xã luận, bình luận, chuyên luận được đông đảo bạn đọc cùng đồng nghiệp ghi nhận và đánh giá cao; một cách sống khiêm nhường, nhân ái, bao dung với bạn bè, đồng nghiệp; một ý thức luôn coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lớp người làm báo trẻ tuổi để đủ sức nối tiếp sự nghiệp báo chí của Ðảng và nhân dân…

Xin kính cẩn vĩnh biệt Anh - "cây chính luận" xuất sắc của Báo Nhân Dân!

Cầu mong Anh an giấc ngàn thu!