Vương quốc Bỉ là một trong những nước Tây Âu sớm công nhận và chính thức thiết lập quan hệ với Việt Nam. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Chính phủ và nhân dân Bỉ đã dành cho Việt Nam sự quan tâm quý báu thông qua các dự án viện trợ, tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới. Trong những năm qua, với sự nỗ lực không ngừng của chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Bỉ được củng cố, gặt hái nhiều trái ngọt trong các lĩnh vực, nhất là chính trị-ngoại giao, thương mại, nông nghiệp, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ... ở cả cấp liên bang, vùng và cộng đồng.
Bất chấp khoảng cách xa xôi về mặt địa lý, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước châu Âu. Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, từ 6% đến 10%/năm. Do những tác động tiêu cực của Covid-19, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đối mặt nhiều thách thức trong năm 2020, song đã sớm lấy lại đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Trong 10 tháng năm 2022, thương mại hai chiều chạm mốc hơn 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt hơn 3,4 tỷ USD. Bỉ cũng là nước có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực logistics và phát triển cơ sở hạ tầng mà Bỉ có thế mạnh. Chia sẻ về những thành quả hai nước gặt hái được trong chặng đường hợp tác đã qua, Ðại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche (C.Bô-sê) khẳng định, Brussels luôn coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam và sẽ tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp Bỉ đầu tư ngày càng hiệu quả tại Việt Nam.
Hợp tác nông nghiệp là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước. Năm 2018, Việt Nam và Bỉ đã trở thành Ðối tác chiến lược về nông nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam cũng hợp tác với vùng Wallonie-Bruxelles về nông nghiệp, với các hoạt động thiết thực trong giai đoạn 2022-2024 như hạn chế sử dụng kháng sinh nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường năng lực quản lý và nghiên cứu trong chuỗi giá trị nông nghiệp tại tỉnh Trà Vinh, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở vùng cát ven biển miền trung… Quan hệ hợp tác thực chất, sâu rộng với Bỉ trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần quan trọng đánh thức tiềm năng, lợi thế của nền nông nghiệp Việt Nam.
Với nền tảng ổn định sẵn có trong nhiều năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và tình cảm hữu nghị, gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Bỉ ngày càng được tăng cường. Các hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi đoàn nghệ thuật, tổ chức triển lãm, tuần lễ phim được tổ chức thường xuyên, góp phần thắt chặt sợi dây gắn kết giữa nhân dân hai nước. Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo cũng đạt nhiều thành quả. Từ năm 2003, Chính phủ Bỉ cấp trung bình mỗi năm 40 suất học bổng đào tạo sau đại học cho sinh viên Việt Nam, trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như cầu cảng, môi trường, du lịch… Hằng năm, Bỉ cũng viện trợ khoảng 2 triệu euro cho lĩnh vực giáo dục-đào tạo thông qua chương trình hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu. Ngoài ra, nhiều dự án về ngôn ngữ, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực cũng được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác với các chính quyền vùng và cộng đồng.
Vượt qua những thăng trầm trong nửa thế kỷ qua, sợi dây kết nối giữa Việt Nam và Bỉ ngày càng bền chặt. Những thành quả đạt được trong thời gian qua đã tạo nền móng vững chắc để hai nước tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, mở rộng cơ hội hợp tác và cùng nhau viết tiếp chương mới trong quan hệ song phương ■